Tăng cường sự phối hợp giữa công đoàn với người sử dụng lao động

Sáng 8/11, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong doanh nghiệp dệt may'. Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng và Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn Trần Duy Phương đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng cho biết, dệt may là ngành có nguy cơ cháy nổ cao hơn so với các ngành khác. Trong số các vụ cháy nổ lớn xảy ra thời gian vừa qua, có những vụ thuộc doanh nghiệp dệt may. Trước thực tế này, Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam xác định phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoan phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong công tác PCCC.

Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Lê Nho Thướng phát biểu khai mạc tọa đàm

Buổi tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong doanh nghiệp dệt may” chính là một hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp về triển khai công tác PCCC, cập nhật những quy định mới của pháp luật về PCCC, từ đó nâng cao nhận thức và phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn cũng như người sử dụng lao động trong việc phối hợp thực hiện tốt công tác PCCC, bảo vệ tính mạng của người lao động, giữ ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nhấn mạnh diễn biến phức tạp và những hậu quả khó lường mà tai nạn cháy nổ gây ra cho người lao động và doanh nghiệp, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn Trần Duy Phương cũng cho rằng, buổi tọa đàm này là “một sự đôn đốc, nhắc nhở” tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa công tác PCCC.

Tại buổi tọa đàm, Thượng tá Đoàn Văn Quỳnh - Phó trưởng Phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, ngành Dệt May Việt Nam là một trong những ngành kinh tế quan trọng nên việc đảm bảo an toàn nói chung và an toàn PCCC nói riêng trong quá trình sản xuất, kinh doanh đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Tính trong năm 2018, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 25 vụ cháy tại các cơ sở dệt, may, gây thiệt hại trên 324 tỉ đồng, làm chết 1 người và bị thương 4 người. Tuy cháy xảy ra tại các cơ sở dệt may chiếm tỉ lệ không cao so với số vụ cháy trên cả nước 25/2.788 vụ (0,9%) nhưng thiệt hại về tài sản lại chiếm tỉ lệ rất lớn 324/986,6 tỉ đồng (32,8%) tổng thiệt hại các vụ cháy trên cả nước. Điều đó cho thấy, nguy cơ lan nhanh dẫn đến cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sức khỏe con người tại các cơ sở dệt may luôn tiềm tàng và nhiều nguy cơ khó lường...

Quang cảnh buổi tọa đàm

Thượng tá Đoàn Văn Quỳnh cho rằng, doanh nghiêp dệt may cần nêu cao tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy” và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, đầu tư duy trì tốt mọi hoạt động tăng cường bảo đảm an toàn PCCC và triệt để khắc phục các tồn tại để cơ sở luôn được an toàn và phát triển bền vững, đời sống mỗi CBCNV được bảo đảm.

Cũng tại tọa đàm, đại diện các đơn vị dệt may lớn tại miền Bắc như: TCT May Hưng Yên, TCT May 10, TCT May Đáp Cầu, TCT CP Dệt May Hà Nội, TCT Dệt May Nam Định…đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phối hợp với người sử dụng lao động làm tốt công tác PCCC. Đáng chú ý, Công đoàn Tổng Công ty May Đáp Cầu cho rằng, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Dệt may luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao do nguyên liệu và sản phẩm đều là chất dễ cháy.

Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Ban lãnh đạo Cty và BCH Công đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị phòng ban trực thuộc Tổng Cty thực hiện tốt công tác PCCC, tạo sự chuyển biến trong ý thức, nhận thức của các CBCNV. Tổng Cty đã thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC hàng năm, đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC như bình chữa cháy, máy bơm, hệ thống báo khói tự động trong nhà xưởng và các phòng ban liên quan...

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-cuong-su-phoi-hop-giua-cong-doan-voi-nguoi-su-dung-lao-dong-82635.html