Tăng cường quản lý các vùng nuôi thủy sản

Thu hoạch tôm nuôi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Từ đầu năm đến nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi giảm nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, hiện thời tiết có nhiều bất lợi đối với thủy sản nuôi, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tại các vùng nuôi…

Thời tiết bất ổn, tôm phát triển chậm

Theo Sở NN-PTNT, do ảnh hưởng thời tiết nên một số diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) xảy ra dịch bệnh. Ông Trần Văn Thắng, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thả nuôi hai vụ tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1ha. Vụ thứ nhất thả nuôi được gần 2 tháng thì tôm bị bệnh, gia đình kéo bán tôm non thu lại ít vốn, còn lỗ khoảng 20 triệu đồng. Sau khi dịch bệnh xảy ra, gia đình đã xử lý, cải tạo hồ nuôi và thả nuôi vụ thứ hai, đến nay đã khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, hiện tình hình thời tiết có nhiều bất ổn. Trời đang nắng gay gắt thì bất chợt xuất hiện mưa giông, làm sức đề kháng của tôm nuôi kém, tôm bắt mồi yếu nên phát triển chậm…

Cũng là người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam, ông Lê Thanh Sang cho biết: Gia đình tôi thả nuôi 4 hồ tôm thẻ chân trắng với diện tích khoảng 2ha. Mặc dù tôm không bị bệnh nhưng do thời tiết bất lợi nên tôm kém phát triển. Sau khi thu hoạch tôm nuôi vụ này, trừ các khoản chi phí, gia đình còn lãi hơn 30 triệu đồng. Kết thúc vụ nuôi thứ nhất, tình hình thời tiết vẫn bất ổn, ban ngày trời nắng gắt nhưng ban đêm thỉnh thoảng xuất hiện mưa giông nên gia đình quyết định không nuôi tôm mà chuyển sang nuôi cua. Đến nay, cua nuôi đã được hơn 2 tháng tuổi, tuy cua phát triển bình thường nhưng tỉ lệ hao hụt khá lớn, khoảng 30% tổng số cua nuôi. Hiện gia đình tiếp tục chăm sóc, khoảng 1 tháng nữa cua đạt kích cỡ sẽ xuất bán.

Theo Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã, người dân đã thả nuôi khoảng 850ha tôm tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch. Đến nay có khoảng 35ha tôm nuôi bị bệnh, chủ yếu là bệnh đỏ thân và bị hoại tử gan tụy cấp. Nguyên nhân do những tháng đầu năm 2022 thời tiết lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm làm cho tôm nuôi bỏ ăn, phát triển kém, phát sinh bệnh trên tôm nuôi. UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo các xã, phường có hoạt động NTTS và các phòng ban chuyên môn hướng dẫn người nuôi tiếp tục theo dõi, chăm sóc và phòng bệnh trên tôm nuôi. Địa phương đang triển khai các biện pháp xử lý, tiêu độc các hồ nuôi có tôm bị bệnh, tiếp tục theo dõi, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo dõi môi trường, cảnh báo dịch bệnh

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, hoạt động NTTS trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Diện tích thả nuôi thủy sản các loại đến nay khoảng 1.760ha (tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước), trong đó tôm sú khoảng 220ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 1.145ha, thủy sản các loại 395ha. Tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng đến nay gần 40ha, tôm nuôi khoảng 20-40 ngày tuổi, triệu chứng bệnh đỏ thân và bị hoại tử gan tụy cấp, chủ yếu ở TX Đông Hòa. Ngành chức năng đã hướng dẫn các biện pháp xử lý, tiêu độc hồ nuôi có tôm bị bệnh theo quy định, tiếp tục theo dõi không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng.

“Năm 2022, dự kiến diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã khoảng 945ha, sản lượng khoảng 4.945 tấn. Để nuôi đạt kết quả cao, UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo các xã, phường có hoạt động NTTS xây dựng và kiện toàn tổ phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, tổ quản lý cộng đồng theo từng tiểu vùng nuôi để quản lý vùng nuôi. TX Đông Hòa tiếp tục đề xuất tỉnh tăng cường kiểm tra quản lý con giống, thức ăn tôm và thuốc phòng trị bệnh tôm, kiểm tra cảnh báo môi trường và dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa nói.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết: Dự báo thời tiết thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 5-6/2022 sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của tôm nước lợ, dễ dẫn tới dịch bệnh, đặc biệt bệnh đỏ thân, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi. Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết, người nuôi cần theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi trong giai đoạn chuyển mùa như pH, độ mặn, ôxy hòa tan, nhiệt độ, màu tảo… để có các biện pháp xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo diễn biến môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo giải pháp xử lý phù hợp. Các địa phương có NTTS cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp, hướng dẫn ngư dân biện pháp xử lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc thủy sản nuôi. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc trạm chăn nuôi và thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, từ tháng 4-6 hàng năm thường xuất hiện thời tiết nắng nóng kéo dài, xen kẽ những cơn mưa trái mùa gây biến động lớn đến môi trường ao nuôi tôm nước lợ. Các mẫu nước thu thời gian này thường có mật độ vi khuẩn Vibrio spp vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt có một số mẫu dương tính với V. parahaemolyticus mang gen pirA/pirB là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nước lợ.

PGS.TS Võ Văn Nha,

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276943/tang-cuong-quan-ly-cac-vung-nuoi-thuy-san.html