Tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Mặc dù đã được tích cực điều trị, song bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 đã tử vong sau hơn 10 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Trong khoảng thời gian này, cơ quan thú y và các địa phương đã khẩn trương tổ chức giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và điều tra các yếu tố dịch tễ nhằm sớm tìm ra nguồn lây; đồng thời tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Khẩn trương phòng dịch, điều tra nguồn lây

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 21-3, chi cục phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang tiến hành điều tra dịch tễ, tổ chức lấy mẫu giám sát các đàn gia cầm có liên quan đến bệnh nhân. Theo đó, đã tổ chức lấy mẫu Swab hầu họng, phân của gia cầm tại nhà bệnh nhân (thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa), hộ giáp ranh nhà bệnh nhân, cửa hàng bán chim cảnh khu vực lân cận Trường Đại học Nha Trang (nơi bệnh nhân tạm trú) để gửi xét nghiệm.

Ngày 22-3, kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng IV không phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trên các mẫu xét nghiệm. Cùng ngày, đoàn công tác của Chi cục Thú y vùng IV, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiến hành kiểm tra thực tế tại thôn Tân Ninh; làm việc với UBND thị xã Ninh Hòa để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại xã Ninh Trung. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp phòng dịch và tiến hành điều tra tìm nguồn lây.

Lực lượng thú y Nha Trang tiêm phòng cho gia cầm đợt 1 năm 2024.

Về tình hình dịch cúm gia cầm, theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6 ổ dịch tại 6 tỉnh, gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Số gia cầm mắc bệnh 8.069 con, số gia cầm chết và tiêu hủy 8.924 con. Trong đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở 2 hộ chăn nuôi gia cầm tại thôn Xuân Phú 1, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh. Ngày 15-2, UBND xã Suối Tiên đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gà của 2 hộ nói trên với 961 con. Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch mới phát sinh. Tuy vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất lớn, do hiện nay, thời tiết thay đổi bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh; điều kiện chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi nông hộ còn hạn chế; các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao như các chủng vi rút cúm gia cầm A/H5 (H5N1, H5N6…). Năm 2023, qua công tác giám sát chủ động đã phát hiện 11/312 mẫu có vi rút cúm gia cầm H5N1 trên gia cầm buôn bán tại chợ ở khu vực nguy cơ cao.

Cao điểm tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho gia cầm

Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh thực hiện đợt cao điểm Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi bắt đầu từ ngày 5-3. Chi cục cũng triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2024 với gần 400.000 liều vắc xin đã cấp cho các địa phương để thực hiện tiêm phòng từ ngày 15-3. Trong đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Ninh Hòa nhận 224.400 liều vắc xin.

Cơ quan chuyên môn cũng chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao, các cửa hàng mua bán chim để cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh mới xuất hiện; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo động vật nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn nhân viên thú y cấp xã, người chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia cầm và tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định.

Một hộ nuôi gia cầm tại Khánh Vĩnh.

Ngoài ra, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện, các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định; chủ động giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm gia cầm, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý khoanh vùng, hạn chế lây lan. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, chết bất thường…, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; hàng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi...

Nam bệnh nhân (trú xã Ninh Trung, Ninh Hòa) là sinh viên một trường đại học, khởi phát triệu chứng từ ngày 11-3, tự mua thuốc uống không bớt. Sau đó 4 ngày, bệnh nhân đến khám tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa và được chẩn đoán viêm họng - thanh quản cấp, theo dõi sốt xuất huyết. Bác sĩ đề nghị nhập viện nhưng bệnh nhân xin điều trị ngoại trú. Ngày 16-3, bệnh nhân sốt, mệt nhiều nên vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, được chẩn đoán nhiễm khuẩn ruột, nhiễm trùng huyết, theo dõi sốt xuất huyết Dengue. Sáng 17-3, bệnh nhân diễn biến nặng nên chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngày 20-3, mẫu xét nghiệm bệnh phẩm của bệnh nhân tại Viện Pasteur Nha Trang cho kết quả dương tính với cúm A/H5, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Đến ngày 23-3, do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202403/tang-cuong-phong-chong-benh-cum-gia-cam-802373a/