Tăng cường hợp tác giáo dục Việt – Mỹ trong các lĩnh vực mới

21 đại học Mỹ cùng 15 đại học Việt Nam thảo luận sôi nổi về ý tưởng hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhằm hiện thực hóa các kế hoạch trong thời kỳ biến động.

Hôm 1/4, chương trình Trao đổi về Hợp tác Giáo dục Việt Nam – Mỹ khai mạc tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Học thuật quốc tế (IAPP), được Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) công bố, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Mỹ - Việt Nam.

Khởi đầu chương trình là chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của 21 trường đại học Mỹ từ 31/3-4/4.

Toàn cảnh sự kiện.

Toàn cảnh sự kiện.

Bà Mary Beth Polley, Tham tán Văn Hóa – Thông tin, Đại sứ quán Mỹ, bình luận, hai nước đã hợp tác trong giáo dục trước cả khi có đại sứ quán. Chương trình mới được thiết kế để định hình tương lai, thiết lập con đường cho sự hợp tác giáo dục trong tương lai giữa Mỹ và Việt Nam, với một cấp độ hợp tác thực sự mới.

GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu, trong ba thập kỷ qua, mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển theo những cách sâu sắc và mang tính chuyển đổi. “Những gì bắt đầu như một giai đoạn tái thiết và hiểu biết đã nở rộ thành một quan hệ đối tác năng động, bắt nguồn từ sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và tầm nhìn chung cho tương lai”.

Chương trình hợp tác học thuật mới không chỉ đại diện cho việc củng cố mối quan hệ học thuật mà còn là một cơ hội có ý nghĩa để chia sẻ ý tưởng, khám phá những khả năng mới và xây dựng mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới.

Thách thức đào tạo cho những công việc chưa tồn tại

Bà Mary Beth Polley, Tham tán Văn Hóa – Thông tin, Đại sứ quán Mỹ.

Bà Mary Beth Polley, Tham tán Văn Hóa – Thông tin, Đại sứ quán Mỹ.

“Việt Nam đã có những sinh viên tuyệt vời tại Mỹ, nhưng chúng tôi nghĩ đã đến lúc các tổ chức cần xây dựng lại, đổi mới và thiết lập các quan hệ đối tác mới sẽ mang lại lợi ích cho cả sinh viên, giảng viên, mục tiêu nghiên cứu, các lĩnh vực tiên tiến như điện toán lượng tử, công nghệ sinh học AI”, theo bà Mary Beth Polley.

Chương trình tập trung vào các lĩnh vực STEM như AI, công nghệ sinh học, điện toán lượng tử, thể hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong bối cảnh Việt Nam muốn phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.

Chương trình cũng nhằm khởi động các quan hệ đối tác mới trong những lĩnh vực ưu tiên của cả hai quốc gia, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới để mang lại thịnh vượng chung. “Tuy nhiên, bên cạnh STEM, vẫn cần các chuyên gia kế toán, luật, quản lý để xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững”, bà Polley bình luận.

Trong đó, rất nhiều chương trình sẽ được thiết kế để đào tạo nguồn nhân lực cho những công việc có thể còn chưa tồn tại cho đến 10 năm nữa. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm để đổi mới hợp tác, để thực sự suy nghĩ về phía trước. Học sinh cần loại kỹ năng nào, để bất kể cơ hội việc làm là gì, để tạo ra nền giáo dục giúp họ có thể năng động học tập suốt đời và cung cấp cho họ cơ sở để thành công bất kể có những thay đổi nào. Và đó là lĩnh vực mà mối quan hệ đối tác sẽ diễn ra”.

Mỹ tiếp tục chào đón sinh viên Việt Nam

Trả lời phóng viên bên lề sự kiện về những thay đổi có thể có trong hợp tác giáo dục thời gian tới và những gì sinh viên Việt Nam nên chuẩn bị, ông Allan Goodman, Chủ tịch danh dự IIE, nhấn mạnh mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai bên và khẳng định Mỹ tiếp tục chào đón sinh viên Việt Nam. Ông cũng đưa ra những gợi ý cho các sinh viên Việt Nam đang có ý định lên kế hoạch học tập tại Mỹ.

“Các bạn đã gửi đến chúng tôi những sinh viên thực sự xuất sắc, chăm chỉ. Nhân cơ hội này, chúng tôi muốn không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục ở cả hai quốc gia, mà còn giúp hai bên hiểu rõ hơn về con người và xã hội của nhau”.

Ông Allan Goodman, Chủ tịch danh dự IIE.

Ông Allan Goodman, Chủ tịch danh dự IIE.

Ông cho biết, Mỹ tự hào là điểm đến của hơn một triệu sinh viên quốc tế, trong đó có 30.000 sinh viên Việt Nam – đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ đứng thứ 6. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì con số này, thậm chí là tăng mạnh trong tương lai”.

Hiện tại, ông Goodman chưa thấy có thay đổi nào liên quan đến chính sách học bổng. Tuy nhiên, mục tiêu của phái đoàn lần này là tìm ra những mối quan tâm chung giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam. Ở bậc đại học và sau đại học, hầu hết sinh viên quốc tế tại Mỹ đều có cơ hội nhận học bổng, và sinh viên Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ông Goodman kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục, thậm chí còn mở rộng hơn, đặc biệt trong những lĩnh vực hai nước cùng quan tâm như môi trường, quản lý nước, cảnh báo thiên tai, nông nghiệp, an toàn thực phẩm... Ông cho rằng đây cũng là những lĩnh vực mà sinh viên Việt Nam, đặc biệt là bậc sau đại học, có thể đóng vai trò quan trọng.

“Lời khuyên của tôi dành cho các bạn sinh viên Việt Nam là hãy tiếp tục học tập chăm chỉ và nỗ lực hết mình. Khi đến Mỹ, hãy trở thành đại sứ cho đất nước mình, giúp chúng tôi hiểu về Việt Nam ngày nay – một Việt Nam hiện đại, không chỉ là câu chuyện của quá khứ hay chiến tranh. Sinh viên các bạn chính là những người có thể xây dựng tương lai đó”.

Nếu học sinh và gia đình có thắc mắc về quá trình xin thị thực, lựa chọn trường đại học, ông Goodman gợi ý tìm đến cố vấn EducationUSA tại Đại sứ quán Mỹ. “Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí và không thiên vị bất kỳ trường đại học hay tổ chức nào. Cố vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra lựa chọn phù hợp nhất”.

Ngoài ra, theo ông Goodman, hệ thống cao đẳng cộng đồng tại Mỹ là một lựa chọn kinh tế hơn cho sinh viên quốc tế. Khoảng 4% sinh viên quốc tế trên thế giới bắt đầu từ các trường cao đẳng cộng đồng, trong khi con số này đối với sinh viên Việt Nam là 15%. Học tại cao đẳng cộng đồng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo điều kiện để làm quen với văn hóa, nâng cao kỹ năng tiếng Anh trước khi chuyển tiếp lên đại học hệ 4 năm.

Phương Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tang-cuong-hop-tac-giao-duc-viet-my-trong-cac-linh-vuc-moi-ar935133.html