Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm

Những năm qua, công tác kiểm soát các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường luôn được lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Qua đó, góp phần từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố Nam Định.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cửa hàng trên địa bàn thành phố Nam Định.

Trong tháng 5/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Nam Định đã kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa tại cửa hàng Hồng Huệ, địa chỉ số 321 đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Nam Định. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang kinh doanh một số mặt hàng: rượu, nước giải khát, thực phẩm bổ sung, bánh, sữa… có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, cửa hàng có bày bán các mặt hàng rượu, do nước ngoài sản xuất, có nhãn bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định; không dán tem rượu theo quy định; các mặt hàng hóa khác như bánh, sữa, nước giải khát… có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 418 sản phẩm hàng hóa các loại. Đầu tháng 7/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố và Đội đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Công an tỉnh kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đang được bày bán tại cửa hàng thực phẩm Ngọc Hường, số 513 Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định). Tại buổi kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 15 loại hàng hóa, bao gồm 14 chai nước ép trái cây của Pháp; trên 22kg hoa quả các loại; 8 chai rượu; 14 chai trà sữa Nhật; 12 hộp trà sữa; 44 gói bánh; 24 gói mặt nạ tế bào gốc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã tiến hàng tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên và hoàn thiện hồ sơ, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, dịp Tết Trung thu năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Trung thu, đặc biệt là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau một thời gian ra quân, Đội đã phát hiện và tiến hành kiểm tra đối với 2 hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Nam Định đang bày bán 200 sản phẩm bánh trung thu trên bao bì hàng hóa không có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Các chủ hộ kinh doanh khai nhận mua số lượng hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường về để bán kiếm lời, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan đến hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh trên về hành vi vi phạm hành chính “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Những năm gần đây, người tiêu dùng địa phương ngày càng có xu hướng quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo cho sức khỏe gia đình. Nắm bắt xu hướng đó, các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng phân phối sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương xuất hiện càng nhiều. Tuy vậy, theo cơ quan chức năng, bên cạnh những cơ sở uy tín, bán hàng hóa đảm bảo, vẫn còn những cơ sở vì lợi nhuận, không giữ chữ tín, bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không đúng như lời giới thiệu, quảng bá với khách hàng, quảng cáo một đằng, bán sản phẩm một nẻo khiến người tiêu dùng mất lòng tin, bức xúc. Bên cạnh đó, tình hình mua bán, giết mổ động vật không phép, động vật mắc bệnh, động vật đã chết; vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Vẫn còn có tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nằm trong danh mục được phép sử dụng để sơ chế, chế biến thực phẩm... Nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời của lực lượng chức năng thì số thực phẩm “bẩn” này sẽ được tuồn ra thị trường, khi đó người tiêu dùng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, những năm qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm được thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn; số lượng vụ việc vi phạm để ô nhiễm hóa chất, vi sinh giảm so với trước đây. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, qua kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 144 lượt, xử lý 57 vụ, phạt hành chính hơn 93 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 70 triệu đồng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP các huyện kiểm tra 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; lập 8 đoàn đánh giá định kỳ và thẩm định để xếp loại điều kiện đảm bảo ATTP tại 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm. Cơ quan chuyên môn của tỉnh đã cấp 38 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê, lập danh sách các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Đối với các cửa hàng thực phẩm sạch, cơ quan chức năng tổ chức lấy 26 mẫu giám sát ATTP tại 6 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn và thực hiện test nhanh để kiểm tra việc đảm bảo quy định về chất lượng sản phẩm, các điều kiện vệ sinh, an toàn.

Để bảo vệ người tiêu dùng, thời gian tới, các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về ATTP người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong tỉnh nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm; kịp thời phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị cung cấp, phân phối thực phẩm kém chất lượng. Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, người dân cũng nâng cao nhận thức về chống hàng giả, hàng lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP; tạo thói quen mua hàng có tem, nhãn đầy đủ, xem hạn sử dụng, mua hàng lấy hóa đơn và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; tích cực tố giác, lên án các hành vi vi phạm về ATTP nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202409/tang-cuong-cong-tac-kiem-trakiem-soat-an-toan-thuc-pham-98c16d3/