Tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng
Những năm qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Qua đó, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng, làm tăng thu ngân sách Nhà nước.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát là thời cơ cho hoạt động kinh doanh online (trực tuyến), sàn thương mại điện tử phát triển, giúp chuyển dịch xu hướng người tiêu dùng mua sắm qua mạng và phục vụ tại chỗ. Bên cạnh lợi ích, thuận tiện mà phương thức kinh doanh qua môi trường thương mại điện tử mang lại thì cũng kéo theo tình trạng trà trộn đưa ra thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo một đằng bán hàng một nẻo, trốn thuế, lừa đảo và nhiều hành vi gian lận thương mại khác gia tăng gây hại không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng giả, hàng kém chất lượng có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe và tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội, làm cho đạo đức bị tha hóa, thậm chí hủy hoại cả giống nòi. Nếu không ngăn chặn vấn nạn hàng giả, nhất là các vi phạm về sở hữu trí tuệ sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất và nhà đầu tư, khiến họ trở thành nạn nhân của sự cạnh tranh không lành mạnh, không thể thu hồi được vốn và không có được lợi nhuận từ quá trình nghiên cứu, đầu tư của mình. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Xác định được tầm quan trọng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục QLTT Nam Định đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc báo cáo UBND các huyện, thành phố về sự phối hợp, tăng cường công tác QLTT; ký quy chế phối hợp với chính quyền phường, xã, các ban quản lý chợ, trung tâm thương mại… trong việc phối hợp cung cấp thông tin như phòng ngừa các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết tự giác chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 768 tổ chức, cá nhân đã ký cam kết với Cục QLTT Nam Định về chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các tổ chức kinh doanh thuốc, vật tư y tế, các mặt hàng thiết yếu khác. Đồng thời Cục QLTT Nam Định đã yêu cầu 203 cơ sở kinh doanh ký cam kết nghiêm chỉnh, chấp hành các quy định Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, Cục QLTT Nam Định phối hợp với các sở, ngành chức năng và các địa phương khuyến cáo người tiêu dùng lưu ý cách lựa chọn, mua sắm hàng hóa để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, bình tĩnh trong nhận thức trước những tin đồn thất thiệt về khan hiếm hàng hóa; tố giác kịp thời với các cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền cũng như ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nên mặc dù thị trường có diễn biến phức tạp song vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT, lực lượng QLTT đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các đơn vị liên quan để khai thác thông tin, xác định các đối tượng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, từ đó, xây dựng các phương án kiểm tra và xử lý. Phối hợp với Công an, Hải quan, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng giả các thương hiệu nổi tiếng hoặc các thương hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Kết quả nhiều vụ hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý, từng bước tạo lập một thị trường lành mạnh trên địa bàn. Điển hình là đầu tháng 5-2021, qua mật phục, theo dõi và điều tra, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh trên đường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định). Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang bày bán 189 sản phẩm túi, ví mang các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Luis Vuitton, Chanel… có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. Sau khi trưng cầu giám định, chủ thể quyền của các nhãn hiệu trên khẳng định cơ sở đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Cục QLTT Nam Định đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ cửa hàng phải tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm, đình chỉ kinh doanh 2 tháng đối với mặt hàng này và phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin quảng cáo trên mạng điện tử. Theo báo cáo chưa đầy đủ, tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6-2022, toàn lực lượng QLTT đã phát hiện 20 vụ xử phạt, số tiền xử phạt là 172 triệu đồng và tiêu hủy hàng hóa vi phạm trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, chuyển cơ quan điều tra vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu Hermes, Chanel, Gucci, YSL… với số lượng gần 14 nghìn sản phẩm, trị giá hàng hóa vi phạm gần 4 tỷ đồng. Có thể nói, với sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã góp phần ổn định tình hình thị trường, từng bước ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, các hành vi kinh doanh trái phép, không để xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại. Tuy nhiên công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa qua môi trường thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số còn hạn chế. Các đối tượng vi phạm dùng nhà ở làm nơi chứa hàng hóa, làm nơi phát sóng trực tiếp, bán hàng trực tuyến nên việc tiếp cận kiểm tra rất khó khăn. Bên cạnh đó, có tình trạng chính các doanh nghiệp có sản phẩm hàng hóa bị làm giả, làm nhái chưa phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa, thương hiệu của doanh nghiệp mình. Ý thức và kiến thức của người dân về chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ, người dân ở vùng nông thôn, thậm chí còn vô tình tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Để khắc phục những khó khăn trên, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục QLTT cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Mỗi người dân cần phải là một người tiêu dùng thông thái, nói “không” với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các loại hàng hóa được nghi là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm đẹp của thương hiệu lớn mà giá siêu rẻ. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần nghiêm túc thực hiện pháp luật kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật, góp phần tạo môi trường giao thương lành mạnh trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh