TAND tỉnh Tây Ninh lấy ý kiến dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Ngày 30.1, TAND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chánh án TAND tỉnh Đỗ Văn Thinh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có bà Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan; lãnh đạo TAND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, các phòng, tòa chuyên trách thuộc TAND tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chánh án TAND tỉnh Đỗ Văn Thinh cho biết, Việt Nam hiện đang có 3 bộ luật, luật (Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự) điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như thủ tục hình sự mới chỉ điều chỉnh một chút hệ thống vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến các thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên; hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên; các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn mờ nhạt, hạn chế, chưa đa dạng…
Do đó, việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên là rất cần thiết. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 175 điều, quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này gồm quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
TAND tối cao đã tiến hành rà soát 7 bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên để bảo đảm tính thống nhất cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Đại biểu góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Một số ý kiến cho rằng, khi ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ liên quan đến nhiều luật chuyên ngành như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự… Do đó, khi soạn thảo luật này cần phải rà soát, đối chiếu tính đồng bộ, thống nhất của các luật có liên quan, để tránh việc khi ban hành luật tính khả thi không cao.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đa số tán thành với ý kiến thứ nhất: Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên theo đề nghị của cơ quan điều tra, viện kiểm sát.
Tòa án xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng bằng phiên họp với sự tham gia của cơ quan đề nghị, người đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người được đề nghị; kiểm sát viên, người làm công tác xã hội; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được đề nghị. Quy định này vừa bảo đảm áp dụng thống nhất, tránh dàn trải.
Đối với các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên (từ Điều 92 đến Điều 96), có ý kiến cho rằng quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bỏ 3 hình phạt gồm cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ.
Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được TAND tỉnh tổng hợp để trình TAND tối cao tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.