Tâm lý lạc quan bao trùm các thị trường châu Á chiều 16/5

Chứng khoán châu Á đồng loạt 'xanh sàn', sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt vào tháng trước, làm dấy lên đồn đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay.

Một giếng dầu ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một giếng dầu ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

* Giá dầu tiếp tục tăng

Ngày 16/5, giá dầu châu Á tiếp tục tăng, trước những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn tại Mỹ. Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 32 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 83,07 USD/thùng vào lúc 13 giờ 20 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tiến 31 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 78,94 USD/thùng.“Trong khi số liệu về lạm phát của Mỹ có chiều hướng tăng thấp hơn trong tháng Tư thì doanh số bán lẻ lại yếu hơn nhiều so với dự kiến. Điều này tạo cơ hội để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xem xét cắt giảm lãi suất sớm hơn, với kỳ vọng nghiêng về việc nới lỏng chính sách bắt đầu từ tháng Chín năm nay", chiến lược gia thị trường của IG Yeap Jun Rong cho biết.Sự sụt giảm lớn hơn dự kiến trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ vào tuần trước và căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng ở Trung Đông là những yếu tố chính tác động đến giá dầu.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4/2024 do kỳ vọng của thị trường tài chính về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín. Điều này có thể làm dịu sức mạnh của đồng USD và khiến giá dầu trở nên hợp lý hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 2,5 triệu thùng xuống 457 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/5, so với dự báo đồng thuận 543.000 thùng của nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.

Cơ quan nghiên cứu ANZ Research cũng cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng rằng các yếu tố như lạm phát chậm lại và nhu cầu mạnh hơn đang hỗ trợ giá cả. Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị cũng đang diễn biến phức tạp, với việc các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông đang rơi vào bế tắc.

Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 22/2/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bảng chỉ số chứng khoán tại thành phố Osaka, Nhật Bản ngày 22/2/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

* Sắc xanh phủ khắp các thị trường chứng khoán

Chứng khoán châu Á đồng loạt “xanh sàn” trong phiên 16/5, sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt vào tháng trước, làm dấy lên đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 và Shanghai Composite của chứng khoán Tokyo và Thượng Hải lần lượt tăng 1,4% và 0,1% lên 38,920.26 điểm và 3.122,40 điểm. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong cũng “xanh sàn” với mức tăng 1,59% lên mức 19.376,53 điểm. Trong đó, chứng khoán Tokyo tăng điểm mạnh mẽ bất chấp việc các số liệu chính thức vừa được công bố cho thấy kinh tế Nhật Bản sụt giảm nhiều hơn dự kiến trong quý I/2024.

Các thị trường chứng khoán khác như Sydney, Singapore, Seoul, Wellington, Taipei, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều đóng cửa trong sắc xanh.

Trước đó, cả ba chỉ số chính ở Phố Wall đều leo lên các mức cao kỷ lục. Tâm lý tích cực được củng cố nhờ số liệu cho thấy doanh số bán lẻ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm hơn dự kiến trong tháng Tư khiến giới đầu tư “quay cuồng” với hy vọng cắt giảm lãi suất.

Fed được cho là sẽ hạ lãi suất hai lần trong năm nay, tăng so với dự đoán trước đó - mặc dù ít hơn rất nhiều so với mức ước tính 6 lần được đưa ra hồi tháng Một.

Chuyên gia Krishna Guha của ngân hàng Evercore cho biết: “Số liệu tháng Tư phản ánh hướng di chuyển của lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế thực đang ở mức vừa phải. Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng Chín, lần cắt giảm thứ hai có thể diễn ra vào tháng 12”.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index tăng 14,39 điểm, hay 1,15%, lên 1.268,78 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 1,24 điểm, hay 0,52%, lên 240,02 điểm.

Vàng miếng đắt hàng tại các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Bizwire

Vàng miếng đắt hàng tại các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Bizwire

* Giá vàng hướng đến các mức đỉnh mới

Sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó, giá vàng tiếp tục nhích nhẹ trong phiên 16/5. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.391,78 USD/ounce vào lúc 12 giờ 53 phút giờ Việt Nam, còn giá vàng giao sau cũng nhích 0,1% lên 2.396,10 USD/ounce. Trước đó, giá vàng đã chạm mốc cao nhất của 3 tuần trong phiên 15/5.

Xu hướng đồng USD giảm so với rổ các loại tiền tệ chính khác khiến vàng thỏi - thường được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm cũng chạm mức thấp nhất của hơn một tháng.

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer tại KCM Trade cho biết khi lạm phát giảm, giá vàng sẽ tăng và mức giá 2.400 USD/ounce là có thể chinh phục. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng khả năng đồng đô la hoặc lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trở lại sẽ là rào cản lớn nhất đối với giá vàng.

Vàng được coi là một công cụ để phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.

Tại Việt Nam, chiều 16/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,55 – 89,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra)./.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tam-ly-lac-quan-bao-trum-cac-thi-truong-chau-a-chieu-16-5/333325.html