Tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hungary vào Việt Nam

Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn vừa ký công văn số 7111/BNN-TY và công văn số 7112/BNN-TY ngày 13/9/2018 về việc tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Ba Lan và Hungary vào Việt Nam.

Công văn nêu rõ, theo Thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Ba Lan, từ đầu năm 2018 đến nay, Ba Lan đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại 5 tỉnh (bao gồm Warminsko-Mazurskie, Podkarpackie, Podlaskie Mazowieckie, Lubelskie) trên 315 con lợn rừng và 162 con lợn nuôi trong tổng đàn 5.440 con.

Ảnh minh họa

Tại Hungary, từ đầu năm 2018 đến nay, Hungary đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) trên lợn rừng tại hai tỉnh Heves và Szabolcs-Szatmar-Berge gây chết 17 con và tiêu hủy 1 con lợn.

Trước tình trạng trên, nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh ASF vào Việt Nam, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam sẽ tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh của Ba Lan và Hungary hiện đang có ASF áp dụng từ ngày 20/9/2018 cho đến khi Ba Lan và Hungary công bố an toàn ASF theo quy định của OIE.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cho phép nhập khẩu vào Việt Nam những lô hàng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh đang có dịch nhưng đã rời cảng xuất hành trước ngày 20/9/2018 và đang trên đường từ Ba Lan hoặc Hungary đến Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu cơ quan Thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là bệnh ASF đối với những lô hàng này.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.

Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 09/9/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201809/tam-dung-nhap-khau-thit-lon-tu-ba-lan-va-hungary-vao-viet-nam-614874/