Tại sao ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập BRICS?

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới muốn tham gia vào BRICS vì những mục đích khác nhau như về vấn đề tài chính, mở rộng ảnh hưởng và cả yếu tố liên quan đến Trung Quốc.

Tổng thống Nga Putin cho biết sẽ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Reuters

Khi hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Nam Phi vào tháng tới, phần lớn sự chú ý của quốc tế sẽ là liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hay không.

Nhưng đối với nhiều quốc gia châu Phi, hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội lớn hơn. Nhiều quốc gia châu Phi, như Ai Cập, Ethiopia, Zimbabwe, Algeria, Nigeria, Sudan và Tunisia, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, một nhóm các quốc gia mới nổi được thành lập vào năm 2009 gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Một số nền kinh tế ở Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Âu cũng đang mong muốn trở thành thành viên, chẳng hạn như Saudi Arabia, Belarus, Iran, Mexico, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela. Năm ngoái, Argentina cũng cho biết họ đã nhận được sự ủng hộ chính thức của Trung Quốc trong nỗ lực gia nhập BRICS.

BRICS ngày càng trở nên hấp dẫn như một nền tảng mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Theo các nhà quan sát, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở châu Phi, coi đây là một tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và EU chi phối.

Với việc các thành viên BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, ngày càng có nhiều thất vọng về sự thống trị của phương Tây đối với các hệ thống tài chính quốc tế.

Điều này đã được nhấn mạnh trong cuộc trao đổi tại hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, được tổ chức tại Paris vào tháng 6 vừa, nơi các nhà lãnh đạo từ “Nam bán cầu” bày tỏ mối quan ngại của họ.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói: "Một số người cảm thấy sợ hãi khi tôi nói rằng chúng ta cần tạo ra các loại tiền tệ mới cho thương mại... Vì vậy, đây là một cuộc thảo luận nằm trong chương trình nghị sự của tôi và có thể sẽ diễn ra tại cuộc họp BRICS... Chúng ta sẽ cần có thêm nhiều đối tác châu Phi tham gia."

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đáp lại: "Khi chúng ta dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tới, vấn đề tiền tệ sẽ nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận về điều đó”, đồng thời nhấn mạnh rằng cần một sự đồng thuận mạnh mẽ về cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu.

Như vậy, các vấn đề về đồng tiền mới của BRICS và việc kết nạp các thành viên mới sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Nam Phi tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 vào tháng tới.

XN Iraki, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nairobi, cho biết nhiều quốc gia coi BRICS là cơ hội để thoát khỏi sự thống trị của phương Tây cả về kinh tế và chính trị. Ông cho biết Trung Quốc và Ấn Độ là những cường quốc mới nổi và coi châu Phi là “sân chơi mới” của họ.

"Họ có thể sẽ cạnh tranh với nhau để 'gây ấn tượng' với châu Phi thông qua viện trợ, các khoản vay ưu đãi hoặc thương mại. Thành viên mới cũng sẽ là một vấn đề quan trọng", ông Iraki nói.

Ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập BRICS. Ảnh: embajadasudafrica.mx

Về phần mình, Cameron Hudson, cộng tác viên cao cấp tại chương trình châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định BRICS đã mang đến cho các quốc gia châu Phi một con đường khả thi để tạo đòn bẩy và ảnh hưởng quốc tế.

Theo vị chuyên gia này, rõ ràng các nước châu Phi quan tâm đến một thế giới đa cực hơn, mang lại cho họ cơ hội lớn hơn để định hình các vấn đề có ảnh hưởng đến họ, từ biến đổi khí hậu đến tài chính cho phát triển hay chính trị toàn cầu.

Chuyên gia Hudson lưu ý nhiều người coi BRICS là một cách khác để giúp thúc đẩy những lợi ích đó, bên cạnh những nỗ lực cải cách các công cụ quyền lực toàn cầu hiện có tại G20, Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Ví dụ, Ai Cập, quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tiền tệ, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6 vừa qua. Theo Đại sứ Nga tại Ai Cập Georgy Borisenko, Cairo coi việc BRICS tập trung vào vấn đề tiền tệ là lý do chính để tham gia.

"Một trong những sáng kiến mà BRICS hiện đang thảo luận là tiến hành giao dịch thương mại bằng các loại tiền tệ thay thế, cho dù là đồng tiền quốc gia hay thiết lập một số loại tiền tệ chung", ông Borisenko nói.

Trong khi đó, Ethiopia, quốc gia vừa mới hồi phục sau cuộc chiến Tigray, cũng đã nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 6.

Paul Nantulya, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi, cho rằng một số thành viên mới tiềm năng như Iran, vốn bị trừng phạt nặng nề, đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận quốc tế của họ một phần để tránh bị cô lập. Những nước khác như Ethiopia, Algeria và Ai Cập đang cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường mới.

Với Indonesia, chuyên gia Nantulya cho biết nước này muốn củng cố vị thế khu vực của mình như một phần của chính sách đối ngoại nhằm tìm cách giành lấy ảnh hưởng quốc tế, trong khi việc tăng cường liên kết với Trung Quốc cũng là động lực chính khiến một số quốc gia muốn gia nhập BRICS.

Ông Nantulya nói: “Ở châu Phi, một số nước tin rằng - dù đúng hay sai - các liên minh chặt chẽ hơn với Trung Quốc có thể giành được nhiều ảnh hưởng hơn ở cấp độ đa phương”.

Theo ông Nantulya, Saudi Arabia đang tìm cách mở rộng và tăng cường quan hệ với Trung Quốc nói riêng và việc gia nhập BRICS do điều đó được coi là hấp dẫn và mang tính chiến lược. Argentina cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố tương tự.

Joe Sullivan, cựu quan chức Nhà Trắng, cũng thừa nhận nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở châu Phi, từ lâu đã mong muốn có một tổ chức đa phương phản ánh lợi ích của “Nam bán cầu”. "Trong BRICS, họ nhìn thấy khả năng giấc mơ này trở thành hiện thực và họ háo hức trở thành một phần của khối", Joe Sullivan kết luận.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo scmp.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-sao-ngay-cang-co-nhieu-nuoc-muon-gia-nhap-brics-20230720113106360.htm