Tại sao Nga quyết tâm chiếm mỏ than chiến lược của Ukraine?

Quân Nga tiến sát Pokrovsk, đe dọa mỏ than lớn nhất Ukraine với 6.000 công nhân và 5,3 triệu tấn than.

Tại rìa phía đông thành phố Pokrovsk, hai người phụ nữ đứng chờ xe trong sự im lặng căng thẳng. Như nhiều cư dân khác, họ đã rời bỏ thành phố để tránh xa cuộc chiến khốc liệt, nhưng nay quay lại để thu thập những vật dụng còn sót lại. Họ đứng cạnh một trạm xăng bị bỏ hoang, nơi từng nhộn nhịp xe cộ vài tháng trước.

 Hai người đàn ông trong một đường hầm khai thác mỏ. Ảnh: Eyevine

Hai người đàn ông trong một đường hầm khai thác mỏ. Ảnh: Eyevine

Không khí ở đây giờ trở nên nặng nề khi quân đội Nga tiến gần hơn từng ngày. Một trận chiến lớn sắp nổ ra, và quân đội Ukraine đã dựng phòng tuyến ở phía tây thành phố, sẵn sàng rút lui nếu Pokrovsk không còn giữ được.

Từ xa, có thể thấy một cột khói bốc lên. Quân Nga hiện chỉ còn cách ngoại ô phía đông của Pokrovsk khoảng tám km. Tuy nhiên, mục tiêu của họ không chỉ là giao lộ đường bộ và đường sắt chiến lược này. Điểm quan trọng nhất của Pokrovsk là một mỏ than khổng lồ, hiện đại cách đó 15 phút lái xe về phía tây nam.

Nằm bên ngoài làng Udachne, mỏ này nổi bật giữa những cánh đồng xung quanh. Tháng trước, cuộc tấn công vào đây đã cướp đi sinh mạng của hai phụ nữ, đánh dấu thương vong đầu tiên liên quan đến chiến tranh tại mỏ này.

Vùng Donbas, trước kia là một khu vực thảo nguyên bất tận, đã được công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ 19 khi còn thuộc Đế quốc Nga và khi người ta phát hiện ra các mạch than phong phú ở đây. Than đá đã làm nhiên liệu cho ngành công nghiệp sắt thép. Khi Ukraine mất một nửa Donbas vào tay phe ly khai do Nga hậu thuẫn vào năm 2014, 80% trữ lượng than của nước này cũng mất theo.

Năm 2022, trong cuộc vây hãm Mariupol, hai nhà máy thép của thành phố đã bị phá hủy, gây thiệt hại nặng nề cho ngành thép Ukraine. Một trong số đó, nhà máy Azovstal, trở nên nổi tiếng toàn cầu khi quân đội Ukraine tiến hành cuộc phòng thủ cuối cùng tại đây.

Mỏ than của Pokrovsk không phải là tàn tích cũ kỹ của Liên Xô, mà là một cơ sở hiện đại, khai trương vào năm 1990 và hiện thuộc sở hữu của Metinvest, một công ty của tỷ phú Rinat Akhmetov, một trong những người giàu nhất Ukraine. Metinvest cũng sở hữu hai nhà máy thép ở Mariupol và một trong những nhà máy sản xuất than cốc lớn nhất châu Âu, đặt tại Avdiivka, bị phá hủy vào năm ngoái. Giờ đây, ông Akhmetov lại đối diện với nguy cơ mất thêm mỏ than này.

Theo các phân tích, việc nhắm vào tài sản của ông Akhmetov không chỉ nhằm hủy hoại nền kinh tế Ukraine mà còn là một hành động trả thù của Nga. Trước năm 2014, ông Akhmetov là một nhân vật chính trị và kinh tế quan trọng ở Donbas và Ukraine.

Điện Kremlin từng hy vọng ông sẽ đứng về phía phe ly khai thân Nga, nhưng khi ông quyết định ủng hộ Ukraine, họ coi đó là một sự phản bội và tịch thu tài sản của ông. Ngày nay, sân vận động bóng đá lộng lẫy mà ông xây dựng vào năm 2009 cho đội Shakhtar Donetsk của mình cũng nằm trong tình trạng bỏ hoang.

Mỏ Pokrovsk cùng các nhà máy và tòa nhà hành chính liên quan sử dụng khoảng 6.000 lao động, trong đó khoảng 1.000 người hiện đang phục vụ trong quân đội. Đây là mỏ than cốc lớn nhất của Ukraine. Than đá ở đây được dùng để luyện quặng sắt, đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp thép còn lại của đất nước.

Năm nay, Metinvest hy vọng sẽ khai thác được 5,3 triệu tấn than tại đây. Năm 2023, các nhà máy thép của Ukraine đã sản xuất 6,2 triệu tấn thép thô, nhưng con số này đã giảm mạnh so với năm 2021, khi đất nước sản xuất 21,4 triệu tấn. Năm 2021, Ukraine là nhà sản xuất thép lớn thứ 14 thế giới, nhưng đến năm 2023, đã tụt xuống vị trí thứ 24.

Chuyên gia Andriy Buzarov cho rằng quân đội Nga không cần chiếm mỏ Pokrovsk để làm tê liệt ngành thép của Ukraine. Họ có thể tìm cách cắt nguồn cung cấp điện cho mỏ và pháo kích vào con đường chính vận chuyển than từ đây tới các nhà máy thép còn lại. Ông dự đoán họ sẽ áp dụng chiến thuật tương tự tại một mỏ than cốc nhỏ hơn ở Dobropillia, cách Udachne 18 km về phía bắc.

 Người dân khu vực mỏ Pokrovsk bắt đầu sơn tán. Ảnh: Inna Varenytsia

Người dân khu vực mỏ Pokrovsk bắt đầu sơn tán. Ảnh: Inna Varenytsia

Trước khi cuộc xâm lược toàn diện nổ ra vào tháng 2 năm 2022, thép chiếm một phần ba kim ngạch xuất khẩu của Ukraine. Kể từ đó, nền kinh tế đã suy giảm một phần ba. Ông Oleksandr Kalenkov, Chủ tịch hiệp hội công nghiệp kim loại và khai khoáng Ukrmetalurgprom, cho biết tại một hội nghị hồi tháng trước rằng nếu mất mỏ Pokrovsk, sản lượng thép của Ukraine sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn nữa. "Năm nay, chúng tôi có thể đạt 7,5 triệu tấn," ông nói, nhưng "nếu mất Pokrovsk, sản lượng sẽ chỉ còn 2-3 triệu tấn."

Giám đốc điều hành Metinvest, ông Yuriy Ryzhenkov, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes Ukraine vào tháng 9 rằng nếu mất Pokrovsk, công ty vẫn có thể mua một phần than cốc trong nước, nhưng sẽ phải nhập khẩu phần còn lại, khiến giá thép của Ukraine trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ gây thiệt hại cho cả ngành công nghiệp lẫn ngân sách chính phủ.

Ông Ryzhenkov nhấn mạnh: “Một số người nói rằng \'Chúng ta mất Mariupol nhưng không sao cả\'. Nhưng đó không phải sự thật. Chúng ta đã mất một phần lớn GDP. Chỉ là hiện tại, chúng ta đang được hỗ trợ tài chính bởi các đối tác, nên chưa nhận ra rằng ngân sách đang giảm sút đáng kể. Và tình huống này sẽ lặp lại nếu chúng ta mất Pokrovsk."

Quân đội Nga cũng biết điều đó, và họ đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu này.

Dũng Phan (Theo The Economist)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-nga-quyet-tam-chiem-mo-than-chien-luoc-cua-ukraine-post316710.html