Tại sao cả xe tăng Nga và Ukraine đều bị thổi tung tháp pháo khi trúng đạn?

Trong chiến dịch quân sự đặc biệt được Moscow phát động, dễ dàng nhận thấy nhiều xe tăng Nga và Ukraine đều bị thổi tung tháp pháo khi trúng đạn. Điều này khác với xe tăng phương Tây, và đến từ triết lý chế tạo của Liên Xô mà Kiev và Moscow đang thừa hưởng.

Chiến trường Ukraine đã bước sang ngày thứ 16 kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, điều dễ nhận thấy là cả xe tăng Nga và Ukraine đều bị thổi tung tháp pháo mỗi khi trúng đạn.

Các xe tăng bị thổi tung tháp pháo bao gồm T-72B, T-72B3, T80BVM, T-90A của Nga, trong khi đó ở phía Ukraine là T-72, T-64BV, T-64BM của Ukraine. Các xe tăng này đều có nguồn gốc từ Liên Xô.

Hình ảnh mới nhất chụp chiếc xe tăng chủ lực T-64BV của quân đội Ukraine bị trúng đạn, tháp pháo bật tung ra khỏi thân xe.

Các chuyên gia phân tích quân sự đã chỉ ra rằng, sở dĩ các xe tăng có nguồn gốc Liên Xô mà Nga và Ukraine đang sở hữu thường bị thổi tung tháp pháo khi trúng đạn, còn xe tăng phương Tây thì thường ít bị hơn hẳn, điều này là do triết lý trong thiết kế.

Triết lý chế tạo xe tăng của Liên Xô trước đây và phương Tây khá khác nhau, điều này tạo nên kích thước và cấu tạo xe cũng rất khác biệt. (Hình ảnh xe tăng T-72B3 của Nga bị trúng đạn tại Ukraine).

Phương Tây ưu tiên độ thoải mái cho binh sĩ, vì thế các xe tăng của họ thường có kích thước rất to lớn và nặng nề, có những chiếc xe tăng có trọng lượng lên tới gần 70 tấn. (Hình ảnh xe tăng M1A2 Abrams và T-72)

Việc kích thước xe to lớn và kho đạn dược được bố trí đằng sau tháp pháo sẽ có nhiều không gian thoải mái cho các binh sĩ khi tác chiến cường độ cao. Điều này khác hẳn với xe tăng do Liên Xô phát triển.

Tuy vậy đổi lại vì kích thước to lớn nên tăng phương Tây dễ bị trúng đạn hơn so với xe tăng Liên Xô.

Trong khi đó các xe tăng của Liên Xô chế tạo lại ưu tiên vóc dáng nhỏ gọn, dễ cơ động ẩn nấp khi tác chiến.

Chính vì kích thước nhỏ nên nên buộc các kỹ sư phải đưa khoang chứa đạn vào ngay dưới tháp pháo.

Vô tình đây lại là điểm yếu chí tử của các xe tăng Liên Xô, việc đưa lượng lớn đạn vào ngay bên dưới tháp pháo khiến cho xe dễ bị xé nát một khi đạn chống tăng của đối phương kích nổ kho đạn này.

Chính vì thế các xe tăng Liên Xô thường bị thổi tung tháp pháo một khi chiếc xe bị trúng đạn.

Trong suốt nhiều thập kỷ Nga và Ukraine đã tìm cách khắc phục điều này bằng cách chế tạo nhiều lớp phòng vệ cho xe tăng, nhất là xung quanh tháp pháo.

Tuy vậy việc các xe tăng này bị kích nổ kho đạn pháo dẫn tới xe bị xé toạc làm hai phần vẫn diễn ra trên chiến trường.

Dù T-90 được Nga phát triển sau khi Liên Xô tan rã, tuy vậy dòng xe tăng này thực ra là biến thể nâng cấp của dòng xe tăng T-72 Liên Xô.

Gần đây Nga đã tìm cách thay đổi thiết kế.

Những phiên bản xe tăng hiện đại như T-90MS/M và T-14 Armata đã đưa kho đạn ra phía sau tháp pháo, tương tự như xe tăng phương Tây.

Ukraine cũng nỗ lực thoát khỏi điểm yếu chí tử trong thiết kế xe tăng Liên Xô bằng cách phát triển dòng xe tăng T-84 Oplot-M

Thiết kế mới đặt kho đạn ra sau tháp pháo thay vì trong thân xe, sẽ giúp cho các xe tăng không dễ bị thổi tung tháp pháo mỗi khi xung trận trên chiến trường.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-sao-ca-xe-tang-nga-va-ukraine-deu-bi-thoi-tung-thap-phao-khi-trung-dan-post498185.antd