Tài khoản tổ chức phải xác thực sinh trắc học: NHNN sẽ miễn trừ có chọn lọc
NHNN sẽ siết tài khoản tổ chức, mở rộng thu thập sinh trắc học để chống gian lận, nhưng khẳng định 'không cào bằng', sẽ phân loại rủi ro để miễn trừ.
Ngày 26/5/2025, tại họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán thông tin, trước thực trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, NHNN đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu cá nhân, siết chặt quản lý tài khoản, bảo vệ người dân và giữ vững niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Siết chặt quản lý tài khoản tổ chức
Theo ông Phạm Anh Tuấn, hiện nay tội phạm mạng không chỉ lợi dụng lỗ hổng kỹ thuật mà còn khai thác chính những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào cung cấp sản phẩm, dịch vụ, NHNN cũng xác định rõ trách nhiệm trong việc hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp trên không gian mạng.
Một trong những bước đi nổi bật là việc ban hành Thông tư 17 ngày 1/7/2024 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó lần đầu tiên đề cập yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học đối với người dùng tài khoản. Đồng thời yêu cầu từ 1/7 tới, khách hàng tổ chức chỉ được giao dịch điện tử sau khi xác thực sinh trắc học trùng khớp với dữ liệu định danh.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN.
Trong lộ trình sửa đổi Thông tư này, đại diện NHNN cho biết cũng sẽ tăng cường siết chặt quản lý tài khoản tổ chức, yêu cầu doanh nghiệp phải trực tiếp đến tổ chức tín dụng để mở tài khoản, không cho phép mở qua thư hoặc ủy quyền.
Đồng thời, việc sửa đổi yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học của tất cả từ cá nhân đến tổ chức khi thực hiện giao dịch bằng thẻ để đảm bảo tài khoản giao dịch chính chủ.
Ông Tuấn cho biết NHNN đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi và sẽ lấy ý kiến các tổ chức tín dụng và thông báo lấy ý kiến rộng rãi toàn dân. Quá trình tiếp thu ý kiến đang được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện văn bản trong tháng 6, đảm bảo đúng quy trình ban hành chính sách.
Ông khẳng định không có chuyện siết chặt vô lý với doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, lành mạnh. NHNN luôn nắm bắt khó khăn từ phía các tổ chức cung ứng dịch vụ, sẽ miễn trừ với các doanh nghiệp thuộc nhóm 500 Fortune, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước… vì người đại diện pháp luật đã cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, đảm bảo xác thực chính chủ trong sử dụng tài khoản.
"Mục tiêu của chúng ta là để đảm bảo chính chủ. Khi đã đạt được mục tiêu thì không cớ gì lại cào bằng, bắt tất cả phải thực hiện", ông Tuấn nhấn mạnh.
NHNN cũng dự thảo sẽ điều chỉnh lại việc sử dụng alias (bí danh) trong tên tài khoản nhằm chấm dứt tình trạng một số cá nhân lợi dụng tài khoản tổ chức để mạo danh, gây nhầm lẫn cho người chuyển tiền.
Theo đó, tài khoản nhận tiền phải thể hiện rõ thông tin người nhận, số tài khoản chính thức do ngân hàng phát hành, không cho phép dùng biệt danh dễ gây hiểu nhầm.
Đáng chú ý, NHNN đang đôn đốc khẩn trương các ngân hàng và trung gian thanh toán triển khai ứng dụng VNeID trong xác thực và giao dịch ngân hàng. Dù đã có khoảng 32 ngân hàng và 15 đơn vị trung gian phối hợp với Bộ Công an nhưng mới chỉ 18 đơn vị chính thức triển khai.
NHNN sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để thúc đẩy quá trình này, đặc biệt trong bối cảnh Luật Căn cước công dân sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Việc ứng dụng VNeID giúp đối chiếu thông tin khách hàng nhanh chóng, chính xác và khắc phục những tồn tại trong trải nghiệm người dùng.
Xây dựng kho dữ liệu về tài khoản có dấu hiệu gian lận
Cùng với đó, NHNN cũng đang xây dựng kho dữ liệu về tài khoản nghi ngờ có dấu hiệu gian lận. Từ 1/4 BIDV được chọn lờn đơn vị thí điểm và theo báo cáo mới nhất đã giữ lại trên 100 tỷ đồng của khách hàng nhờ cảnh báo tài khoản có dấu hiện gian lận.
Các ngân hàng khác như Vietcombank (dự kiến từ 30/6), VietinBank (4/7), MB (24/7) và Agribank (24/7) cũng sẽ lần lượt triển khai hệ thống cảnh báo gian lận. Khi người dùng thực hiện chuyển tiền, hệ thống sẽ hiển thị trạng thái của tài khoản người nhận – có bị nghi ngờ hay không – từ đó giúp khách hàng quyết định có tiếp tục giao dịch.
Thông tin cảnh báo sẽ được cập nhật liên tục và linh hoạt, nếu tài khoản được xác minh không còn rủi ro sẽ được rút khỏi danh sách nghi ngờ để tránh ảnh hưởng tiêu cực.

NHNN chỉ đạo xây dựng kho dữ liệu về tài khoản có dấu hiệu gian lận.
Thông tin thêm, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN Một giải pháp căn cơ khác được NHNN triển khai là làm sạch dữ liệu khách hàng. Tính đến nay, hệ thống đã xử lý và làm sạch hơn 130 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và trên 750.000 hồ sơ tổ chức, qua đó phát hiện và loại bỏ các hồ sơ không hợp lệ, giả mạo.
Các ngân hàng hiện cũng đang tăng cường thiết lập cơ chế giám sát, phát hiện giao dịch bất thường và duy trì hoạt động hỗ trợ khách hàng 24/7, tiếp nhận và xử lý các vụ việc liên quan đến lừa đảo.
Đội ngũ cán bộ ngân hàng được đào tạo, huấn luyện thường xuyên để thành thạo trong việc ứng xử với các tình huống lừa đảo và phối hợp hiệu quả với cơ quan công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Thông tin từ Thiếu tá Phan Đức Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm RAR (Bộ Công an), đến tháng 5/2025, hơn 18 triệu lượt xác thực điện tử qua VNeID đã được triển khai tại nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính. Việc đối soát dữ liệu dân cư với dữ liệu ngân hàng đang giúp làm sạch, chuẩn hóa thông tin khách hàng.
Tính đến nay, hệ thống đã xác thực hơn 63 triệu lượt khách hàng, trong đó riêng CIC chiếm 56 triệu lượt. Ngoài ra, 112 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu sinh trắc học căn cước để ngăn ngừa gian lận. Với định danh tổ chức, Bộ Công an đang thu thập dữ liệu, dự kiến tháng 6 làm sạch và tháng 7 sẽ cung cấp dịch vụ cho các ngân hàng.
Sự kiện "Chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2025" được tổ chức tổ chức với chủ đề "Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới" vào 14h ngày 29/5/2025 tại Văn phòng Chính phủ số 01 Hoàng Hoa Thám – Quận Ba Đình – Hà Nội.
Năm 2025, NHNN nhấn mạnh vào sự hội tụ công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain, và sự tương tác mạnh mẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái số, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái tài chính số thông minh, linh hoạt, và bền vững, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới.