Tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi bộ đội trên sóc Bom Bo
'Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo' đã tái hiện lại hình ảnh đồng bào dân tộc S'tiêng ngày đêm giã gạo để nuôi bộ đội trong kháng chiến
Ngày 9-11, UBND huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ Khai mạc Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo". Đây là chuỗi hoạt động ý nghĩa và thiết thực kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Bù Đăng.
Theo UBND huyện Bù Đăng, lễ hội nhằm tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S'tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự kiện không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch địa phương mà còn thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
Với các hoạt động ý nghĩa, lễ hội nhằm tuyên truyền, giáo dục giới trẻ về lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc…
Tại lễ hội còn có Chương trình nghệ thuật "Giã gạo chày tay – Nuôi quân đánh giặc" với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ đến từ Hà Nội và TP HCM cùng hàng trăm diễn viên sẽ tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S'Tiêng.
Ông Vũ Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nhấn mạnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa danh sóc Bom Bo đã trở thành huyền thoại, tạo nên khí thế hào hùng, ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước. Sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch, đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ chiến trường.
Dưới ánh đuốc bập bùng, nhịp chày khua rộn rã, cùng với những tình cảm dạt dào của đồng bào Bom Bo với cách mạng đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng "Tiếng chày trên sóc Bom Bo".
Ngày hòa bình lập lại, đồng bào sóc Bom Bo trở về chốn cũ lập sóc, giữ rừng, sinh sống và phát triển kinh tế gia đình. Bom Bo giờ đây, 2 bên con đường nhựa uốn lượn là những ngọn đồi cà phê, điều, tiêu xanh mướt, những căn nhà ngói đỏ khang trang, nếp ống, rượu cần thơm ngào ngạt.
Đến nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã xây dựng và phát triển Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của người S'tiêng vùng miền Đông Nam Bộ.
Bù Đăng có tiềm năng phát triển du lịch
Bù Đăng có 34 dân tộc anh em, đặc biệt có cộng đồng người S'tiêng, M'nông sinh sống lâu đời, trải qua nhiều thế hệ đã hình thành những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc như: Cồng chiêng, thổ cẩm, ẩm thực và các lễ hội dân gian, nhất là truyền thống yêu nước gắn với địa danh sóc Bom Bo...
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hai di tích lịch sử đó là chùa Đức Bổn A Lan Nhã và Đồi Chi khu; Một di tích khảo cổ - Di chỉ Dốc năm cây; các danh lam thắng cảnh là thác Voi, thác Bù Xa, Trảng cỏ Bù Lạch, Thác Đứng, Thác Pan Toong, một di tích ghi dấu sự kiện - Căn cứ Nửa Lon...
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Phước (tỉnh Bình Phước), cho rằng Bù Đăng có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... Ông Hiếu hiến kế cho địa phương cần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M'nông và S'tiêng.
Theo Vũ Văn Mười, huyện không chỉ có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ để trồng cây ăn trái mà hệ thống danh lam thẳng cảnh tương đối dồi dào, có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Sóc Bom Bo huyền thoại, khu căn cứ Nửa Lon, chùa Đức Bổn A La Nhã… Du khách cũng thích thú khi đến Thác Voi – từng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào M'nông.
Đến Bù Đăng, du khách sẽ được ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thả hồn theo tiếng gọi của núi rừng. Bù Đăng còn có những nét văn hóa đặc sắc riêng, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng…
Ông Mười khẳng định trong những năm qua, huyện Bù Đăng đã đặt ra các giải pháp tập trung hình thành các tour, tuyến du lịch, đồng thời chủ động kết nối với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước.
Hiện nay, huyện Bù Đăng đang hoàn thiện quy hoạch và mời gọi đầu tư, hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, trong đó xây dựng Trảng cỏ Bù Lạch theo hướng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestay gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M'nông và S'tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu.
Theo ông Vũ Văn Mười, tỉnh Bình Phước có 7 di sản di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó huyện Bù Đăng có 4 di sản gồm: Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'tiêng; lễ hội Cầu bông của người Kinh; nghề dệt thổ cẩm của người M'nông; nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S'tiêng. Huyện Bù Đăng còn có 3 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: Thác Đứng, chùa Đức Bổn Anh La Nhã, Thác Voi (thác Liêng Rot). Ngoài ra, còn có 7 di tích đã được kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng.