Tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 Luật: Lo cắt khúc, chồng chéo
Ngày 16/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, việc có nên tách lĩnh vực GTĐB thành hai Luật hay không vẫn là vấn đề gây tranh luận với những quan điểm khác nhau.
Nhiều băn khoăn
Một số ĐB bày tỏ sự đồng tình cần sửa đổi Luật GTĐB hiện hành để khắc phục những bật cập đang tồn tại nhưng không đồng thuận với việc tách lĩnh vực GTĐB thành hai Luật. Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), đảm bảo an toàn giao thông là mục tiêu quan trọng của hoạt động GTĐB. Mức độ an toàn giao thông phụ thuộc vào sự tác động của 4 thành tố về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông cũng như quy tắc giao thông chứ không riêng thành tố nào. Nếu Bộ GTVT và Bộ Công an cùng tham gia quản lý theo cách mà trong Dự án Luật quy định là phải tách bạch lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khi có vụ việc xảy ra mà lý do từ các thành tố tổng hợp thì ngành nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Các ĐB cũng đặt vấn đề Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đang có kết cấu và thành tố tương tự như Luật GTĐB, mang tính quy chuẩn, thống nhất, đồng bộ. Nếu tách Luật GTĐB hiện hành thành 2 Luật sẽ phá vỡ kết cấu vốn đã hợp lý, logic trong hệ thống luật giao thông.
Đồng quan điểm, ĐB Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, 4 thành tố về kết cấu hạ tầng, phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông cũng như quy tắc giao thông có sự gắn kết chặt chẽ. Nếu tách ra riêng rẽ, những thành tố trên sẽ khô cứng và trở nên vô nghĩa. “Ví dụ như xây dựng một con đường hoặc làm cây cầu nhưng không tính đến an toàn giao thông, con người tham gia, phương tiện giao thông thì con đường, cây cầu đó cũng chỉ là những vật vô tri, vô giác và không có ý nghĩa gì trong thực tiễn” - ĐB nêu.
Một số ý kiến cũng không đồng tình việc chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe sang Bộ Công an. Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), lập luận chuyển sang cơ quan công an quản lý sát hạch, đào tạo để chống tình trạng làm giả bằng cấp, giấy tờ là không thuyết phục. Bởi nạn làm giả giấy tờ không phải từ các cơ sở đào tạo, sát hạch mà Bộ GTVT đang quản lý. Các ĐB cho rằng, vấn đề này cần được đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học.
Quan trọng là tính hiệu quả
Ở một góc nhìn khác, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), cho rằng, trong quản lý Nhà nước ở nhiều lĩnh vực nói chung đều có sự chồng chéo chứ không riêng lĩnh vực giao thông. "Tôi cho rằng chồng chéo hay không cần xem xét trên tổng thể theo hướng làm giảm ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông” - ĐB nói. Đồng thời cho rằng, hiện nay Bộ GTVT quản lý hạ tầng, phương tiện, người điều khiển phương tiện, Bộ Công an đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường, Bộ Y tế quản lý về thương vong. Vấn đề là cần xem xét xem phân công như vậy hợp lý chưa, nên cải tiến phân công như thế nào? Điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào, giúp gì cho tình trạng nhức nhối về giao thông hiện nay và an toàn giao thông có nâng lên hay không?
Đồng ý với đề xuất của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) nêu quan điểm, cần thiết tách Luật GTĐB thành 2 dự án Luật, vì đây là 2 lĩnh vực khác nhau, mục tiêu điều chỉnh khác nhau. Cụ thể, lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là thuộc lĩnh vực đảm bảo trật tự xã hội, còn phát triển hạ tầng giao thông thuộc lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, mỗi Dự án Luật điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực, quy định các cơ chế, biện pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các ĐB đề xuất lùi thời điểm xem xét hai Dự Luật này sang Quốc hội khóa XV để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá.
Giải trình làm rõ thêm tại phiên thảo luận Luật GTĐT (sửa đổi), về thời điểm ban hành. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mong Quốc hội xem xét, bởi vì nội dung hai Dự Luật tương đối đầy đủ. “Nếu để sang Quốc hội khóa XV thì chúng tôi e rằng có thể kéo dài một năm nữa và như thế thì những vấn đề bất cập hiện nay không được giải quyết” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.