Tác giả Nguyễn Minh Anh viết về biệt động Sài Gòn dạt dào cảm xúc

Là thạc sĩ sân khấu nặng nợ với đề tài chính luận, tác giả trẻ Nguyễn Minh Anh gây chú ý với vở 'Người thứ ba'.

Vở kịch "Người thứ ba" do NSND Lê Hùng đạo diễn kể về phong trào đấu tranh của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, của trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam, những người thuộc "lực lượng thứ ba" những năm chống Mỹ của Nhà hát kịch Công an nhân dân làm xúc động người xem. Vở được diễn khai mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng "Người chiến sĩ công an nhân dân" lần thứ 5 năm 2025 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).

Tác giả Nguyễn Minh Anh

Tác giả Nguyễn Minh Anh

Những người hùng thầm lặng

. Phóng viên: Từ cảm xúc nào anh sáng tác kịch bản "Người thứ ba"? Điều gì khiến anh quan tâm đến phong trào đấu tranh của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, của trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam, những người thuộc 'lực lượng thứ ba' những năm chống Mỹ? Nhận xét của anh khi xem vở diễn của Nhà hát Kịch Công an nhân dân ?

Tác giả Nguyễn Minh Anh: Tôi nghĩ, có một đề tài rất đẹp nhưng dường như chưa được khai thác nhiều – đó là hình ảnh người nghệ sĩ làm cách mạng. Chúng ta thường ca ngợi những người lính, những người dân vô danh, và nhiều lực lượng khác để hiểu thêm bản chất cuộc chiến.

Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi: người nghệ sĩ nghĩ gì về chính mình trong dòng chảy ấy? Họ – những người viết nhạc, vẽ tranh, diễn kịch, để ca ngợi những lực lượng khác… nhưng liệu có khi nào họ ngồi xuống để suy nghĩ: "Tôi là một chiến sĩ chăng?" Và ai đã từng viết về họ như những người lính thầm lặng?

Tôi muốn viết một vở kịch để trả lời điều đó. Không phải là một bản tuyên truyền – mà là một bi tráng kịch trong im lặng, một bản hòa âm giữa nghệ thuật và sự dấn thân, giữa ước mơ riêng và trách nhiệm với dân tộc.

Là người đồng hành cùng vở diễn từ những bản nháp đầu tiên đến sân khấu hoàn chỉnh, tôi xúc động khi thấy các nghệ sĩ Nhà hát Kịch CAND đã đưa tác phẩm sống dậy bằng cảm xúc, bằng cả thân thể, tiếng nói và ánh mắt của mình. Không khí đêm khai mạc trang trọng mà lặng sâu – khi khán giả nín thở nghe Quỳnh Như kể lại những kỉ niệm tình yêu, khi Huy Hoàng lựa chọn hi sinh và mộng tưởng về ca khúc dang dở của mình, hay khi tiếng nhạc kết vang lên mà chẳng ai muốn vỗ tay ngay… theo tôi, đó là lúc nghệ thuật thực sự chạm đến trái tim người xem.

Một cảnh trong vỏ kịch "Người thứ ba" của tác giả Nguyễn Minh Anh

Một cảnh trong vỏ kịch "Người thứ ba" của tác giả Nguyễn Minh Anh

Viết như người tưởng niệm, lắng nghê

. Chưa được tiếp xúc nhiều với lực lượng biệt động Sài Gòn và không sống tại Sài Gòn, TP HCM, anh đã tìm chất liệu từ đâu để sáng tác kịch bản này?

- Tôi lớn lên ở Hà Nội, và chưa từng sống lâu tại Sài Gòn, nhưng Sài Gòn - TP HCM là một miền ký ức rất sống động trong văn chương và lịch sử của dân tộc. Tôi tìm đến nó qua thư viện, sách báo, phim tài liệu, và đặc biệt là những hồi ký, những trang viết của những người từng sống và đấu tranh trong lòng thành phố này.

Có những chất liệu không đến từ dữ kiện – mà đến từ cảm xúc. Một bài hát cũ, một bức ảnh chụp vội, một lời kể lại – tất cả góp thành hình bóng Quỳnh Như, Huy Hoàng, hay những người bạn đã nằm xuống trong vở kịch. Tôi cố gắng không viết như một người kể lại lịch sử, mà viết như một người tưởng niệm và lắng nghe.

Một cảnh trong vỏ kịch "Người thứ ba" của tác giả Nguyễn Minh Anh

Một cảnh trong vỏ kịch "Người thứ ba" của tác giả Nguyễn Minh Anh

. Anh kỳ vọng điều gì về chất lượng của Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ V – 2025, khi mà nguồn kịch bản viết về nhân vật công an vẫn còn hiếm trên sàn diễn hiện nay?

- Tôi kỳ vọng đây sẽ không chỉ là một cuộc trình diễn nghệ thuật, mà là một lời khẳng định mạnh mẽ rằng: Chiến sĩ Công an là một hình tượng có thể đi vào sân khấu với chiều sâu, sự thấu cảm và vẻ đẹp nhân văn. Họ không chỉ là biểu tượng của kỷ luật – mà còn là con người mang trong mình những giằng xé, dấn thân, và lý tưởng phục vụ nhân dân.

Việc thiếu kịch bản về lực lượng Công an, theo tôi, không phải vì họ không có câu chuyện đáng kể – mà là vì chưa đủ người kể chuyện với lòng yêu và sự hiểu biết. Tôi hy vọng Liên hoan lần này sẽ khơi lại niềm cảm hứng đó. Và quan trọng hơn, sẽ khiến khán giả – nhất là lớp trẻ – cảm nhận được vẻ đẹp âm thầm của những người giữ gìn bình yên.

Sự hy sinh xứng đáng được kể lại

Tác giả Nguyễn Minh Anh nói: "Người thứ ba" cũng truyền tải một suy tư nữa: khát vọng hòa giải dân tộc. Rằng chúng ta – dù đã từng bị chia rẽ bởi chiến tuyến, tư tưởng, hay lợi ích – thì sau cùng vẫn là người Việt, vẫn là những con người yêu nước, yêu tự do, yêu sự thật, và khao khát hòa bình.
Và có lẽ điều khiến tôi cảm động nhất là sự hy sinh thầm lặng của những người đi trước – những người không có tượng đài, không có trang tiểu sử, chỉ có nỗi đau, nỗi nhớ và tình yêu Tổ quốc. Họ xứng đáng được kể lại. Và kể bằng nghệ thuật – chính là một cách để họ không bao giờ lãng quên.

Một cảnh trong vỏ kịch "Người thứ ba" của tác giả Nguyễn Minh Anh

Thanh Hiệp (ảnh NH Hồ Gươm)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tac-gia-nguyen-minh-anh-viet-ve-biet-dong-sai-gon-dat-dao-cam-xuc-196250704072948087.htm