Sukhoi và chặng đường 80 năm trở thành nhà sản xuất máy bay hàng đầu
Cách đây 80 năm, kỹ sư Pavel Sukhoi đã thành lập Văn phòng thiết kế Sukhoi, đánh dấu sự ra đời của một trong những nhà sản xuất máy bay quân sự hàng đầu thế giới hiện nay.
Năm 1936, nhà lãnh đạo Liên Xô cũ khi đó là Joseph Stalin đã đưa ra yêu cầu về một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm, có khả năng do thám và tấn công mục tiêu ngay sau đó. Kỹ sư Pavel Sukhoi được giao đảm nhận dự án máy bay này, dưới sự giám sát của nhà thiết kế máy bay hàng đầu của Liên Xô thời điểm đó là Andrei Tupolev.
Kết quả của dự án là mẫu máy bay ANT-51, với chuyến bay đầu tiên vào tháng 8/1937. Sau đó, ANT-51 được đổi tên thành Su-2, chính thức trở thành chiếc máy bay đầu tiên do Sukhoi tự chế tạo, thử nghiệm và đưa vào sản xuất.
Su-2 là một máy bay ném bom hạng nhẹ một động cơ, với khả năng thực hiện nhiệm vụ do thám và hỗ trợ tầm gần. Su-2 được quân đội Liên Xô sử dụng rộng rãi trong những năm đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Đội ngũ kỹ sư của Sukhoi là những người đầu tiên tại Liên Xô được tiến hành thử nghiệm với động cơ phản lực. Sukhoi đã đưa ra các mẫu thử nghiệm Su-5 và Su-10 với hệ thống động cơ kết hợp giữa cánh quạt và phản lực, song những loại máy bay này không được đưa vào sản xuất rộng rãi. Hoạt động của Sukhoi bị gián đoạn trong vài năm khi nhóm kỹ sư bị giải thể vào năm 1949.
Ngay sau khi “tái hợp” vào năm 1953, đội ngũ thiết kế của Sukhoi đã bắt tay vào dự án phát triển Su-7, máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên. Su-7 được quân đội Liên Xô đưa vào sử dụng từ năm 1960 cho đến cuối thập niên 80. Không chỉ Liên Xô cũ mà Su-7 còn được rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, trong đó có Việt Nam. Hiện Triều Tiên là nước duy nhất được cho là còn sử dụng loại máy bay phản lực này.
Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại máy bay cường kích và máy bay ném bom, song Sukhoi vẫn không ngần ngại tham gia với những dự án sản xuất máy bay tiêm kích. Vào những năm 60, Sukhoi bắt đầu ra mắt mẫu tiêm kích với hai động cơ Su-15. Loại máy bay này được coi là “đỉnh cao” của Sukhoi và đã đóng vai trò trụ cột trong lực lượng phòng không Liên Xô trong thời gian dài.
Vốn được thiết kế cho mục đích đánh chặn và có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2.5 (nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh), Su-15 đã “dính líu” đến nhiều vụ xâm phạm không phận Liên Xô.
Sau khi Liên Xô tan rã, Sukhoi bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực sản xuất máy bay phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, Sukhoi đã vượt qua Mikoyan-Gurevich (MiG) để dần trở thành hãng sản xuất máy bay quân sự hàng đầu của Nga cũng như trên toàn thế giới.
Sản phẩm thành công nhất của Sukhoi trong thời kỳ hiện đại là mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-27. Cùng với MiG-29, Su-27 là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, được thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với các “đối thủ” từ Mỹ như F-14 Tomcat hay F-15 Eagle. Tuy nhiên sau đó, MiG có phần chững lại và không giành được bất cứ hợp đồng lớn nào kể từ sau khi Liên Xô tan rã.
Trong khi đó, Sukhoi đã gặt hái rất nhiều thành công với Su-27 và sau này là hàng loạt các phiên bản như Su-35(bản nâng cấp với hệ thống chuyển hướng lực đẩy), Su-34 (phiên bản cường kích), Su-33 (phiên bản hoạt động trên tàu sân bay). Dù ra mắt từ năm 1985 nhưng Su-27 vẫn đang đóng vai trò trụ cột trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia trên thế giới.
Mới đây nhất, Sukhoi đã bắt đầu sản xuất Su-57 PAK FA, loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của không quân Nga, với mục tiêu thay thế dần các máy bay Mig-29 và Su-27 đã lạc hậu. Loại máy bay tàng hình đời mới này được coi là đối thủ trực tiếp với F-22 hay F-35 (Mỹ) hay Eurofighter Typhoon (Châu Âu)./.