Sức sống mới ở vùng quê kiểu mẫu

Diện mạo làng quê thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn. Đây là bước tiến lớn ở những xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong tỉnh.

Xã Nhân Quyền (Bình Giang) bố trí dụng cụ tập thể dục công cộng cho người dân. Ảnh: Mai Anh

Rút ngắn khoảng cách với thành thị

Con đường bê tông to đẹp, điện chiếu sáng, wifi được lắp đặt miễn phí tại nhà văn hóa thôn, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao phong phú… tất cả đều để phục vụ nhu cầu người dân thôn Đột Hạ, xã Nam Tân (Nam Sách). Ở tuổi 66, ông Trần Xuân Mên cảm thấy mình thật may mắn khi được chứng kiến quê hương đổi thay từng ngày. “Mặc dù ở quê nhưng đầy đủ không thiếu gì so với thành phố. Chỉ cần một cuộc điện thoại, dịch vụ sẽ được cung ứng đến tận nhà. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng đầy đủ, khấm khá…”, ông Mên vui vẻ nói.

Những dãy nhà cao tầng san sát, đường làng to đẹp… Sự đổi thay này ở thôn Đột Hạ là điều dễ hiểu khi thu nhập trung bình của người dân nơi đây đạt 96 triệu đồng/năm, vượt cao so với mức trung bình của xã. Đây cũng là thôn được xã Nam Tân chọn xây dựng “thôn thông minh” thí điểm. Với mục tiêu này, địa phương đang chỉnh trang cơ sở vật chất, lắp đặt wifi miễn phí, hệ thống camera giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào cuộc sống. Tương lai không xa, Đột Hạ chắc chắn sẽ trở thành một vùng quê hiện đại với nông dân văn minh, kiểu mẫu.

Đột Hạ chỉ là một trong số rất nhiều làng quê Hải Dương đang khoác lên mình “áo mới”. Ông Nguyễn Văn Nhự, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền (Bình Giang) khẳng định: “Từ làng quê nghèo khó, Nhân Quyền giờ đã là xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Những con đường đá sỏi được thay bằng đường trải bê tông áp phan, có vỉa hè và điện cao áp thắp sáng. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn không chỉ ở diện mạo mà còn cả về đời sống tinh thần của người dân. Khắp các thôn, xóm đều có sân vận động, nhà văn hóa để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của người dân”.

Mặc dù đã về đích NTM kiểu mẫu năm 2021, nhưng năm 2022 xã Nhân Quyền vẫn nỗ lực nâng cao chất lượng theo tiêu chí mới ban hành cuối tháng 9.2022. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã không ngừng được hoàn thiện. Ngoài kinh phí hỗ trợ của xã, người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, góp công, góp của làm đường.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao cho người dân ở các vùng nông thôn. Trong ảnh: Mỗi tháng, Tổ hợp tác Nấm Sao Mai ở xã Nam Tân thu lãi khoảng 100 triệu đồng

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Xác định mục tiêu chính của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xã Nam Tân đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Các mô hình trên góp phần nâng cao mức sống người dân. Từ mức thu nhập bình quân đầu người 70,4 triệu đồng (năm 2019) lên 72,6 triệu đồng (năm 2022). Ngoài mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, Nam Tân còn nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bắt kịp xu thế nông nghiệp xanh. Điển hình là Tổ hợp tác Nấm Sao Mai. Trang trại trồng nấm này có diện tích 6.000 m2, sản lượng gần 2 tấn/tháng. Sản phẩm được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Hà Nội, giá bán mỗi cân 100.000 đồng, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/tháng. Đây cũng là sản phẩm OCOP của địa phương.

Những năm gần đây, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, việc tái cơ cấu nông nghiệp cũng được các địa phương quan tâm. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển phù hợp đặc điểm địa phương được triển khai và không ngừng nhân rộng như mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Kinh tế ở các địa phương cũng có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Trong đó tập trung phát triển các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ. Qua đó tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; đặc biệt giảm việc di dân từ nông thôn ra thành thị.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong giai đoạn mới, mặc dù số lượng và mức độ khó của các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đều tăng so với giai đoạn trước nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của người dân, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã có thêm những bước tiến mới. Năm nay, dự kiến tỉnh có thêm 10 xã NTM kiểu mẫu, nâng tổng số lên 14 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Ngoài vận dụng sức mạnh nội lực của từng địa phương, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 108 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền các xã đã có nhiều cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường; diện mạo của nhiều xã, thôn khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, khoảng cách nông thôn và thành thị ngày càng được rút ngắn.

KHÁNH HÒA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/suc-song-moi-o-vung-que-kieu-mau-223211