Sức sống Ea Ly

“Thành lập từ năm 2003, Ea Ly chuẩn bị bước sang tuổi 20, như những chàng trai, cô gái miền sơn cước xinh đẹp và căng tràn sức trẻ”, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Chí Hiền ví von như vậy khi nói về xã nông thôn mới Ea Ly.

Quy hoạch thị trấn Tân Lập, xã Ea Ly (ảnh chụp lại)

Ngoài quốc lộ 29, Ea Ly có đường Trường Sơn Đông chạy qua, nối liền với Tây Nguyên, tiếp giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thuộc 2 huyện Ea Kar, M’Đrắk (Đắk Lắk) và xã Krông Năng, tỉnh Gia Lai. Vì vậy, sau Hai Riêng, Ea Ly là đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Sông Hinh và khu vực phía tây nam của tỉnh.

Từ những con số không

Ea Ly có diện tích tự nhiên hơn 80km2, dân số hơn 7.000 người, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 5 thôn: Tân Yên, Tân Lập, Tân Bình, Tân Sơn, 2/4 và buôn Zô. Trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 50%.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, nhớ lại: Trước đây, Ea Ly là một trong những xã vùng cao nghèo khó nhất tỉnh. Sau ngày đất nước thống nhất, người dân bắt tay xây dựng lại cuộc sống mới từ những con số không: không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế, không chợ, không trụ sở…

Thời điểm thành lập xã Ea Ly trên cơ sở tách ra từ xã Ea Bar vào tháng 10/2003, lúc này toàn xã chỉ có vài chục hộ dân là người bản địa và dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp; sau đó dần dần hình thành những làng mới của người Dao, Tày, Nùng...

Ea Ly là xã giáp ranh với Tây Nguyên (Đắk Lắk và Gia Lai), trên địa bàn có tới 12 DTTS sinh sống với những tập tục sinh hoạt khác biệt, trình độ học vấn và nhận thức pháp luật chênh lệch, có mặt hạn chế, nên một số đối tượng xấu lợi dụng, núp dưới chiêu bài tôn giáo và dân tộc, từ Gia Lai, Đắk Lắk xuống tìm cách lôi kéo, kích động phá hoại chính sách đoàn kết.

Mặt khác, Ea Ly cũng là cửa ngõ gỗ lậu từ Tây Nguyên theo quốc lộ 29 xuôi về đồng bằng với những mánh khóe tinh vi. Tình trạng một số thanh niên tụ tập uống rượu say, gây rối trật tự công cộng và đánh nhau bằng hung khí cũng thường xảy ra. Một thời gian, tại đây nổi lên tình trạng dân di cư tự do dựng lán trại, xây nhà ở trái phép, phá rừng làm rẫy, tự tạo súng trường và một số công cụ khác để săn bắt thú rừng… làm cho tình hình an ninh trật tự vốn phức tạp càng phức tạp hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Sương, Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: Cùng với thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã Ea Ly đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn kết cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống ở khu dân cư. Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, thực hiện đa dạng hóa, chú trọng cây trồng, vật nuôi, cho năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó, nhiều gia đình vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho người dân địa phương. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,84%. Cùng với đó, nhiều mô hình an ninh trật tự đã được xây dựng, hoạt động hiệu quả như “Tự phòng, tự quản”, “Phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS”, “Quản lý giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư”..., góp phần ổn định và giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện để kinh tế phát triển.

Thị tứ tuổi 20

Chuẩn bị bước vào tuổi 20, diện mạo của Ea Ly ngày càng khác xa với khi mới thành lập. Năm 2016, Ea Ly được công nhận là xã nông thôn mới và đang hướng tới đô thị loại 5 với nhiều khu dân cư sầm uất, khang trang. Từ trung tâm thị tứ Tân Lập đến các thôn buôn, những con đường bê tông rộng thoáng cùng với hệ thống điện lưới quốc gia, điện mặt trời sáng rực vào ban đêm; những đồi mía, sắn, rừng cao su, vườn cây ăn trái (sầu riêng, bơ…) trĩu quả, xanh tươi ngút ngàn.

Ea Ly là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của Sông Hinh. Huyện đang đẩy mạnh đầu tư để xã Ea Ly được công nhận đô thị loại V và đổi tên thành thị trấn Tân Lập trước năm 2025.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

Đinh Ngọc Dạn

Bên cạnh lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, toàn xã có 11 doanh nghiệp; 44 cơ sở chế biến, chế tạo; 2 cơ sở xây dựng. Tổng giá trị ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 52,5 tỉ đồng/năm. Về thương mại - dịch vụ, Ea Ly có một chợ đầu mối, 272 cơ sở buôn bán, kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề.

Tổng giá trị ngành Thương mại - Dịch vụ năm 2021 đạt 175,2 tỉ đồng, đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch kinh tế của địa phương. Trước kia, học sinh cấp THCS, THPT phải ngược xuống Hai Riêng để học; khi bệnh đau người dân chỉ biết vái lạy tứ phương. Hiện nay, trên địa bàn, từ trường tiểu học đến THPT đều đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Phòng khám, trạm y tế có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ, nữ hộ sinh luôn tận tụy chăm sóc người bệnh…

Góc phố Ea Ly. Ảnh: MA HINH

Chủ tịch UBND xã Ea Ly Nguyễn Thị Minh Sương phấn khởi nói: Trong năm 2022, nhờ tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã và sự đoàn kết, quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Ea Ly cơ bản ổn định và có hướng phát triển.

9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Ea Ly đều đạt xấp xỉ 82% trở lên; một số chỉ tiêu như thu ngân sách, giao quân, giữ vững ổn định an ninh trật tự, phát triển đàn bò và tỉ lệ bò lai đạt và vượt kế hoạch năm. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Xã có thêm 53 tuyến đường bê tông nông thôn với chiều dài hơn 15,3km được hoàn thành. Hiện tại, Ea Ly giữ vững 19/19 tiêu chí và xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao.

Theo bà Trương Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ly, diện mạo của Ea Ly có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, mặt trận địa phương và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng 13 dân tộc anh em ruột thịt, quyết tâm vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương ngày một phát triển.

“Tuy nhiên, để xây dựng Ea Ly trở thành đô thị loại V vẫn còn nhiều khó khăn, như nguồn vốn cho chương trình phát triển đô thị còn hạn chế; một số danh mục, chương trình, dự án hạ tầng kỹ thuật khung, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được ưu tiên đầu tư... Bên cạnh tự thân vận động, phát huy nội lực, Ea Ly rất cần sự quan tâm, giúp sức của các cấp, ngành”, bà Hà nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, Ea Ly là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Sông Hinh. Theo Chương trình phát triển đô thị Ea Ly, huyện Sông Hinh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt, khu vực phát triển đô thị của xã này có diện tích 228ha. Khu vực phát triển đô thị tại vị trí trung tâm xã cũ, mở rộng không gian phát triển dọc theo quốc lộ 29 về phía tây, đến đường Đông Trường Sơn. Hiện Sông Hinh đang đẩy mạnh đầu tư để xã Ea Ly được công nhận đô thị loại V và đổi tên thành thị trấn Tân Lập trước năm 2025.

MA HINH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/291625/suc-song-ea-ly-%C2%A0.html