Sức mạnh nào giúp chống được tin giả trên không gian ảo?
Một trong số nguy cơ phi truyền thống hiện nay chính là thông tin giả, trên không gian ảo làm bất ổn về chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 7 trên thế giới về số lượng người dùng mạng xã hội Facebook với trên 50 triệu người sử dụng, đó là chưa kể các tài khoản trên các nền tảng mạng khác. Không gian mạng trở thành một kênh quan trọng phổ biến để tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh sự tiện ích không thể phủ nhận, không gian mạng cũng đang là địa bàn lý tưởng để phát tán tin tức giả. Ai cũng có thể dễ dàng lập một trang web, blog, tài khoản fanpage trên mạng xã hội bằng tên của mình, thậm chí giả danh tên của lãnh đạo đảng, nhà nước với chi phí bằng không, và ai cũng có thể đăng tải các thông tin mình muốn. Đây là công cụ lý tưởng cho việc phát tán tin tức nói chung và tin tức giả nói riêng nhanh gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng.
Anh Nguyễn Văn Hải, đoàn viên thanh niên quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết “Thông tin trên mạng nhiều khi không biết thật giả thế nào. Có những thông tin không đúng, có ý đồ, nhưng được lan truyền, like, share chóng mặt. Rồi tin giả thành thật, làm cho người ta sai trong nhận thức, dẫn tới sai cả về suy nghĩ và hành động. Thực sự là nguy hiểm”.
Thông tin giả càng có môi trường phát tán khi không ít người chỉ thấy tít giật gân, quan điểm khác lạ, chưa biết đúng sai thế nào cũng bấm like, chia sẻ với mục đích câu view hoặc chỉ để đưa thông tin mới nhất đến người thân. Hành động này góp phần gia tăng tốc độ phát tán tin tức giả.
Năm 2018 vừa qua, một loạt các bài viết tiêu đề “Hãy phủ quyết luật an ninh mạng”; “đề xuất lạnh người của luật an ninh mạng”, luật đặc khu kinh tế là mất nước... nhanh chóng lan truyền trên mạng. Có cá nhân đã lợi dụng không gian mạng, gửi nhiều email kêu gọi biểu tình. Với những thông tin xuyên tạc sự thật, thổi phồng nguy cơ mất nước, mất quyền tự do, lợi dụng lòng yêu nước mù quáng của người dân để kích động biểu tình, gây rối, chống phá.
Với sự thiếu tỉnh táo, nhiều cá nhân đã vô tình tiếp tay lan truyền những thông tin giả, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Lấy cớ phản đối Luật Đặc khu, và Luật an ninh mạng, trong 2 ngày 10 và 11/6/2018 tình hình gây rối đã xảy ra nghiêm trọng ở Bình Thuận khi hàng trăm người biểu tình đập phá các trụ sở công quyền, tấn công cảnh sát.
Tại thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa cũng xảy ra tình trạng đông người tụ tập tuần hành. Lực lượng chức năng các địa phương đã tạm giữ nhiều người về hành vi Phá rối an ninh, Gây rối trật tự công cộng... khởi tố hàng chục người về tội Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản và Chống người thi hành công vụ, nhiều người trong số đó bị xử lý hình sự.
Đó chỉ là một số vụ việc trong rất nhiều vụ việc mà các đối tượng cơ hội, các thế lực thù địch sử dụng tin tức giả, nhưng lại dẫn tới hậu quả thật. Những thông tin giả có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào, thường xuất hiện cao điểm vào các dịp chuẩn bị bầu cử hoặc các sự kiện lớn của đất nước.
Đây là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc các vấn đề, trà trộn giữa đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái, thù địch.
Không phải thông tin giả nào cũng gây ra hậu quả tức thì, mà còn ngấm ngầm làm mất lòng tin, gây chia rẽ khối đại đoàn kết, chia rẽ quân đội với nhân dân, phương hại tới chủ quyền quốc gia, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, thiếu niềm tin đối với chế độ.
Bên cạnh các giải pháp về quản lý, kỹ thuật của các bộ, ngành chức năng và sự nghiêm khắc của luật pháp, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải pháp căn cơ nhất vẫn là từ chính mỗi người dân: “Rất nhiều quốc gia coi câu chuyện mỗi người dân có khả năng phân biệt trên không gian mạng tin xấu tin tốt, có khả năng phản biện đấu tranh với các thông tin tiêu cực thì đó là giải pháp căn cơ. Một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng, Tôi nghĩ rằng phải đưa vào từ giáo dục phổ thông, phải biết phân biệt. Nếu chúng ta phân biệt được nó là tin giả thì nó không có giá trị gì nữa”.
Trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, thâm nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng thì hơn lúc nào hết rất cần triệu trái tim ấm nồng tình yêu nước song hành với sự tỉnh táo của trí óc để nhận diện những luận điệu “diễn biến hòa bình”, âm mưu chống phá Đảng, nhà nước, chia rẽ quân đội với nhân dân, để mỗi cá nhân thực sự là một cột mốc tư tưởng vững vàng, kiên định với lý tưởng mà đảng và nhân dân đã lựa chọn. Đó chính là thế trận lòng dân trong thời đại công nghệ số.