Sức lan tỏa của văn hóa đọc trước 'cơn sóng' mạng xã hội

Thời gian qua, nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức các phòng đọc sách miễn phí. Việc ra đời những 'thư viện' nhỏ không chỉ góp phần khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao dân trí mà còn tạo nên một nét văn hóa đẹp trong đời sống xã hội tại địa phương, hạn chế tệ nạn trong dịp hè.

Những người “nghiện” sách, báo

Đến với Nhà hội họp của Khu dân cư số 1, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cứ vào chiều thứ 3 và thứ 7 hằng tuần, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh cụ ông, cụ bà đeo kính, cặm cụi đọc, ghi chép thông tin của những tờ báo giấy. Đã thành thông lệ suốt nhiều năm qua, hơn 40 thành viên ở độ tuổi “xưa nay hiếm” U70, U80 của Câu lạc bộ (CLB) đọc sách, báo Khu dân cư số 1 chẳng nề hà trời nắng hay mưa, họ đến đây háo hức đón đợi những thông tin hấp dẫn, phản ánh nhiều mặt của đất nước và thành phố.

Bên cạnh những tiếng rì rầm trao đổi, thỉnh thoảng lại văng vẳng câu ngân nga của những thành viên: “Thứ 3, thứ 7 hằng tuần/Hội viên ta lại quây quần về đây/Cùng chung đọc báo hằng ngày/Khiến câu lạc bộ tràn đầy niềm vui/Trăm phương ngàn hữu muôn nơi/Châu Phi, Châu Mĩ xa xôi thêm gần…”

Câu lạc bộ đọc sách, báo Khu dân cư số 1 phường Kim Giang là điểm đến của những người thích đọc.

Trên chiếc bàn rộng giữa không gian thoáng đãng, mấy chục đầu báo được sắp xếp ngay ngắn. Mặc dù hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển rất đa dạng, có thể đọc, nghe, xem tại nhà nhưng với những thành viên CLB thì báo giấy là một món ăn tinh thần không thể thiếu. “Bây giờ nhà ai cũng có sách báo đủ đầy, nhưng mọi người vẫn thích đến đây đọc. Trời nắng các cụ đội nón, trời mưa che ô để đến điểm đọc báo như thường.

Tuy nhiên vừa rồi thời tiết nóng quá, tuổi già sức yếu các cụ ít ra ngoài nên số lượng có giảm đi đôi chút. Hầu hết các thành viên của CLB đều gắn bó từ những ngày đầu thành lập. Chúng tôi đến đây không chỉ vì những kiến thức có từ mỗi quyển sách, tờ báo mà chúng tôi vừa đọc vừa trao đổi các vấn đề thời sự, đôi khi lại là sinh hoạt chuyên đề sức khỏe, cùng đọc cho nhau những mẩu tư vấn bệnh cho người già. Vừa là thú vui tuổi già vừa là diễn đàn cho mọi người trao đổi”, ông Nguyễn Văn An (thành viên Câu lạc bộ) cho biết.

Nép mình trong không gian tĩnh lặng với diện tích chưa đầy 40m2, căn phòng trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết bởi những tấm bằng khen của các cấp, những bức ảnh lưu niệm của các hội viên qua hơn 15 năm hoạt động. Ông Nguyễn Văn Dậu, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “CLB được thành lập từ năm 2003 sau khi nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân muốn được thành lập CLB đọc sách, báo.

Tủ sách tại phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) thu hút đối tượng thanh thiếu niên.

Dần dần, hoạt động của phòng đọc phát triển, gây được sự lan tỏa rộng lớn tới hầu hết người dân trong khu dân cư. Với tuổi già hay quên như chúng tôi thì tờ báo giấy như một người bạn đồng hành. Những tờ báo giấy chúng tôi có thể đọc đi đọc lại, chi tiết nào hấp dẫn có thời gian suy ngẫm sâu sắc từ đó nắm vấn đề chặt chẽ hơn. Thậm chí đoạn nào hay chúng tôi còn mang cất để đến khi cần thiết lại lấy ra đọc lại”.

Một nội dung thu hút các thành viên CLB vào chiều thứ Ba hằng tuần đó là Chủ nhiệm CLB sẽ tổng hợp những thông tin nổi bật trong tuần, các vấn đề thời sự, những câu chuyện nóng bỏng đang được dư luận quan tâm. Cuốn hút hơn là các buổi sinh hoạt chuyên đề vào những dịp lễ lớn như Quốc khánh 2-9, Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10... Tại những buổi sinh hoạt này các chủ đề liên quan sẽ được thảo luận để cùng ôn lại những sự kiện lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc.

Có thể nói, hình ảnh những thành viên tuổi U70, U80, có người đã bước qua tuổi 90, vẫn say sưa đến nhà hội họp đọc sách báo đã có sự lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng dân cư. Số lượng độc giả nhỏ tuổi ở địa phương tới đọc sách báo cũng tăng dần lên, nhất là trong dịp hè này. CLB đọc sách báo khu dân cư số 1 là một mô hình thực sự văn minh và cần thiết, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự cũng như văn hóa đời sống của từng người dân. Do đó, từ năm 2013, CLB đọc báo đã được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mô hình thư viện đọc sách báo hiệu quả.

Bồi đắp, lan tỏa tình yêu đọc cho giới trẻ

Không chỉ là “điểm hẹn” dành cho những người cao tuổi, mô hình đọc sách công cộng còn được lan rộng trong độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên. Trong giai đoạn hiện nay, khi sự xuất hiện đa dạng các loại hình giải trí và phương tiện thông tin hiện đại thì những tủ sách dành cho thanh thiếu nhi, nhân dân ngay tại địa phương giúp các bạn có môi trường lành mạnh, sân chơi bổ ích, tránh những cám dỗ từ mạng internet hay những thói hư tật xấu.

Để góp phần giữ gìn, phát triển văn hóa đọc rộng rãi trong thanh thiếu nhi, Đoàn Thanh niên phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) đã triển khai thực hiện công trình Tủ sách thanh thiếu niên, đặt tại Nhà văn hóa tổ dân phố 6 Hòe Thị, phường Phương Canh duy trì mở cửa vào thứ Tư và tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Khánh thành từ tháng 4/2019 với hơn 2000 đầu sách phong phú về lĩnh vực, tủ sách phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Thư viện nhỏ này là địa điểm thu hút thanh niên, thiếu nhi đến tìm hiểu, khám phá vào ngày thứ Tư và tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuầnđặc biệt trong dịp hè. Đặc biệt trong những ngày cao điểm, có đến hàng chục bạn nhỏ cùng tham gia đọc sách.

Đã hơn 1 tháng nay, em Trần Ngọc Linh đã quen với việc cứ cuối tuần lại cùng bạn đến đọc sách tại Nhà văn hóa Tổ dân phố số 6, phường Phương Canh (Quận Nam Từ Liêm). Cầm trên tay cuốn sách hấp dẫn, Trần Ngọc Linh tươi cười chia sẻ: “Mỗi cuốn sách như một người bạn mang đến cho em thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa. Hè này thay vì xem ti vi hay chơi game trên điện thoại thì em dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách. Vì vậy 3 buổi/tuần, em lại cùng các bạn ra đây”.

Không chỉ thanh thiếu nhi, người dân trong khu dân cư cũng hứng thú khi tủ sách được xây dựng. Bà Nguyễn Thị Minh (phường Phương Canh) hào hứng: “Từ lâu, chúng tôi đã muốn xây dựng phòng đọc để nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng. Việc xây dựng tủ sách thanh thiếu nhi rất thiết thực, ý nghĩa, nhất là đối với việc giáo dục trẻ em trong cuộc sống hiện đại, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Từ khi có tủ sách, bà con trong khu dân cư rất tích cực đến hưởng ứng”.

Theo Anh Bùi Công Thành, Bí thư Đoàn phường Phương Canh: Tủ sách ở đây chủ yếu được quyên góp từ thanh thiếu nhi và nhân dân trên địa bàn phường, bao gồm những loại sách về chính trị - văn hóa - xã hội, pháp luật đời sống, chủ yếu là những cuốn sách về Bác Hồ. Ngoài ra còn có sách về kỹ năng sống, truyện thiếu nhi và góc tìm hiểu về tuổi mới lớn, các tài liệu chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. “Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ. Một trong những vấn đề nổi lên là văn hóa đọc sách ngày càng bị thờ ơ. Có thể nói trong vài năm trước hoạt động hè sôi nổi hơn, hiện nay môi trường công nghệ tác động nhiều lên các bạn thiếu nhi nên chúng tôi muốn xây dựng một môi trường lành mạnh cho các bạn nhỏ.

Sau khi có tủ sách này các bạn nhỏ trên địa bàn phường rất thích thú. Đặc biệt chúng tôi sưu tầm được quyển “Lịch sử nước ta” là cuốn rất quý do chính Bác Hồ viết bằng thơ lục bát. Cuốn đó thu hút được rất nhiều bạn đọc nhí và cả các bác nhiều tuổi, chúng tôi phải phô-tô ra để cho mọi người mượn. Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn xây dựng được thêm 1 điểm nữa và xây dựng thành thư viện của phường chứ không chỉ trong cụm dân cư nữa”, anh Thành bộc bạch.

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/suc-lan-toa-cua-van-hoa-doc-truoc-con-song-mang-xa-hoi-93260.html