Sức hút từ điểm bán hàng: 'Tự hào hàng Việt Nam'

Nhằm tăng cường thực hiện cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng về hàng Việt và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi 'Tự hào hàng Việt Nam'.

Người dân mua sắm tại điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” được xây dựng tại Siêu thị Miền núi Như Thanh.

Theo đó, tại các điểm kinh doanh này, hàng hóa phải đa dạng về chủng loại, 100% là hàng trong nước sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Trong đó, ưu tiên các mặt hàng là đặc sản của tỉnh và sản xuất trong tỉnh. Các mặt hàng này cũng phải đáp ứng, chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Năm 2016, Công ty CP Tập đoàn Thương mại Miền núi Thanh Hóa là đơn vị đã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình này tại 7 siêu thị ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân. Đại diện công ty, cho biết: Được lựa chọn xây dựng 7 điểm bán hàng Việt, đơn vị đã bố trí diện tích từ 65m2 đến 300m2/siêu thị để xây dựng khu vực riêng dành cho hàng Việt. Ở đây, các gian hàng Việt được đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ điểm bán hàng, như: Lắp đặt kệ, tủ, giá trưng bày hàng hóa, tủ mát bảo quản các loại hàng tươi sống, biển hiệu, băng zôn... Để đáp ứng đa dạng hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho bà con, doanh nghiệp luôn chủ động nghiên cứu thị trường, liên kết và hợp tác với các nhà sản xuất uy tín trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Tại Siêu thị Miền núi Như Thanh, khu vực thí điểm xây dựng mô hình rộng tới 300m2. Với không gian rộng rãi, văn minh, sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú và 100% là hàng Việt Nam chất lượng cao, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn huyện tham quan và mua sắm. Ông Lê Bá Dũng, Giám đốc Chi nhánh Siêu thị Miền núi Như Thanh, cho biết: Doanh số bán hàng tại siêu thị ngày một tăng, bình quân từ 35 - 40 triệu đồng/ngày, tăng khoảng 40% so với trước thời điểm khai trương điểm bán hàng Việt.

Năm 2017, 3 đơn vị là Công ty CP Tập đoàn Thương mại Miền núi Thanh Hóa, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thắng Chung (Cẩm Thủy), hộ kinh doanh Dương Thị Thắng (Ngọc Lặc) cũng đã được lựa chọn xây dựng mô hình với tổng 10 điểm bán hàng Việt. Hiện nay, Sở Công Thương đang chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các địa phương hướng dẫn các đơn vị xây dựng mô hình và tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt”.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, các điểm bán hàng mang tên gọi “Tự hào hàng Việt” đã góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn các địa phương có xây dựng mô hình, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, là địa chỉ mua sắm tin cậy nhất của người tiêu dùng trên địa bàn các địa phương. Việc xây dựng gian hàng thí điểm với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” không chỉ nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng mà còn giúp người dân được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng điểm bán hàng hóa cố định do Việt Nam sản xuất có uy tín, chất lượng cũng sẽ góp phần kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nhất là những mặt hàng, sản phẩm do các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất.

.Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/kinh-te/n178333/suc-hut-tu-diem-ban-hang:-%E2%80%9Ctu-hao-hang-viet-nam%E2%80%9D