Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cải cách thủ tục, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Theo đó, dự án luật này sẽ đề xuất sửa đổi nhiều quy định cho phù hợp thực tiễn, đồng thời cải cách thủ tục, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.
Cần sửa đổi Luật để thu hẹp đối tượng không chịu thuế
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) được thông qua ngày 3/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XII có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005. Luật Thuế GTGT đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như: góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ phát triển. Chính sách thuế này đã tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT hiện hành đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.
Các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi như: cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT; nghiên cứu sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT cho phù hợp với thực tế; thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% theo định hướng nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nghiên cứu điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông (10%) cho phù hợp trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế; nghiên cứu sửa đổi quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cho minh bạch, thống nhất cách hiểu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế; sửa đổi quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào để tăng cường ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.
Đồng thời, một số thủ tục hoàn thuế cần tiếp tục sửa đổi để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Những vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi nêu trên là yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT để giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và quản lý thuế, phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư.
Tiến tới áp dụng một mức thuế suất
Mục tiêu đặt ra đối với sửa luật lần này đó là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc sửa luật cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế và đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Theo đó, sẽ mở rộng cơ sở thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế thông qua việc giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 5%. Các chính sách nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật Thuế GTGT để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đa số các nước (47,6%) áp dụng thuế GTGT có biểu thuế suất gồm một mức (không tính mức thuế suất 0% cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); 31,7% số nước áp dụng biểu thuế suất thuế GTGT với hai mức thuế suất và số còn lại là nhiều hơn hai mức. Phần lớn các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, chỉ áp dụng một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%.
Theo đó, để phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.
Luật thuế GTGT hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công (như hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;…) thuộc đối tượng chịu thuế 5% (ưu đãi hơn mức thuế suất phổ biến 10%). Tuy nhiên, các dịch vụ công này đã và đang tiếp tục được xã hội hóa mạnh mẽ. Theo đó, cần thiết nghiên cứu sửa đổi quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 5% đối với các dịch vụ công đã được xã hội hóa.
Ngoài việc sửa đổi về mức thuế, tại dự thảo luật này sẽ sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều có liên quan để sửa đổi, bổ sung một số quy định về: đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất, điều kiện khấu trừ thuế đầu vào và hoàn thuế để có cơ sở pháp lý giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian qua…
Cần thiết rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%
Để phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế và nhằm thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết rà soát để thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.