"Lực lượng vũ trang Ukraine đã buộc phải ngừng sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1 Abrams do Mỹ viện trợ, bởi Kyiv lo ngại mối đe dọa từ máy bay không người lái Nga", trang Reporter cho biết.
Theo nhận xét, các xe tăng Abrams đã tạm thời được rút khỏi tiền tuyến để Mỹ và Ukraine lên kế hoạch nhằm thay đổi chiến thuật tác chiến sau khi chịu thiệt hại nặng nề.
Một quan chức Lầu Năm Góc trước đó cho biết: “Việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái trên chiến trường có nghĩa là không một địa hình rộng mở nào mà bạn có thể lái xe băng qua mà tránh khỏi bị phát hiện”.
Lô xe tăng M1 Abrams đầu tiên của Mỹ đã đến Ukraine vào cuối tháng 9/2023, thông tin này được Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng - ông John Kirby chia sẻ.
Washington hứa cung cấp cho Kyiv 31 phương tiện chiến đấu loại này và họ đã hoàn thành cam kết. Trong quá trình tham chiến, ước tính ít nhất 5 chiếc Abrams đã bị hư hại ở nhiều mức độ khác nhau.
Trong gói viện trợ mới nhất trị giá gần 61 tỷ USD, Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine thêm hàng trăm xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley cùng "một số lượng nhất định" xe tăng M1 Abrams bổ sung, nhưng con số cụ thể chưa được thông báo.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay đó là liệu những chiếc MBT tiếp theo Mỹ cung cấp sẽ thuộc phiên bản nào, chúng là biến thể M1A2 SEP Abrams tiên tiến, hay vẫn chỉ là M1A1 tương đối lạc hậu.
Nhưng ngay sau khi báo chí Nga đăng tải thông tin trên, Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 - đơn vị vận hành những chiếc Abrams đã phủ nhận hoàn toàn và cho rằng đây chỉ là đòn tâm lý chiến.
Binh sĩ của đơn vị cho biết những cỗ máy này đã chứng tỏ bản thân rất tốt trên chiến trường và sẽ không bao giờ lẩn trốn, đặc biệt họ cảm thấy có trách nhiệm để bộ binh luôn có sự yểm trợ hỏa lực tin cậy.
Đài Truyền hình Quân sự Ukraine mang tên Armiya TV vừa qua đã phát hành một đoạn phóng sự, trong đó họ nói chuyện với các lính tăng của Lữ đoàn 47 về ưu-nhược điểm của loại MBT này.
Một trưởng xe có biệt danh Dmytro đã nói về xe tăng M1A1 Abrams SA như sau: “Ưu điểm lớn nhất của nó là độ chính xác, sự ổn định tuyệt vời và khả năng cơ động, mặc dù có trọng lượng lớn”.
Trong số những thiếu sót lớn nhất, ông Dmytro nêu ra việc thiếu lớp giáp uranium nghèo nguyên bản và nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung giáp phản ứng nổ.
"Điều đầu tiên chúng tôi mong muốn từ đối tác Mỹ là cung cấp giáp phản ứng nổ phù hợp, để không chỉ bảo vệ được hai bên sườn mà còn cả tháp pháo, nhằm tăng khả năng sống sót của tổ lái".
"Thực tế cho thấy hệ thống giáp phản ứng nổ ARAT đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Nếu một tên lửa chống tăng như Korrnet hay một loại nào đó bay vào đây, ARAT thường hoạt động tốt và đẩy lùi nguy cơ", chỉ huy xe tăng nói về tính hiệu quả của bộ giáp này.
Đối với các nhiệm vụ do xe tăng Abrams thực hiện, quân đội Ukraine lưu ý rằng xe tăng được điều chỉnh để "tiến hành các trận chiến cả ban ngày lẫn ban đêm".
"Kính ngắm ảnh nhiệt chất lượng rất tốt, cho phép chúng tôi làm việc hiệu quả", chỉ huy xe tăng người Ukraine đồng thời cho biết thêm:
"Abrams có đạn xuyên giáp uranium nghèo, chúng hoạt động rất tốt, xuyên thủng mọi vỏ giáp. Một lần nữa, tôi muốn một loại đạn mạnh hơn từ các đối tác, đặc biệt là đạn nổ phân mảnh, nó sẽ cho phép thực hiện những nhiệm vụ rộng hơn".
Mới đây thậm chí còn xuất hiện hình ảnh xe tăng Abrams được binh sĩ Ukraine trang bị giáp bổ sung dạng lưới thép dày đặc quanh tháp pháo, cũng như tăng cường giáp phản ứng nổ xung quanh xe, cho thấy nó vẫn được sử dụng rộng rãi ngoài chiến tuyến.