Sự thật kế hoạch đánh cắp dữ liệu tên lửa Liên Xô

Trong thời kỳ chiến tranh 'leo thang' phá hoại miền Bắc bằng không quân, tên lửa SA-2 của Việt Nam đã khiến không quân Mỹ điên đảo.

Nhân sự kiện này, CIA đã âm thầm thực hiện kế hoạch tuyệt mật, đánh cắp dữ liệu tên lửa SAM của Liên Xô, tạp chí PMC của Mỹ vừa cập nhật.

Kế hoạch 200 mili giây

Với nhan đề The 200 Millisecond Mission: Inside the Secret CIA Plan to Steal Soviet Missile Data (Nhiệm vụ 200 mili giây: Bên trong Kế hoạch tuyệt mật đánh cắp dữ liệu tên lửa Liên Xô của CIA), tạp chí Cơ khí phổ thông Mỹ (PMC) đã xới lại kế hoạch này sau khi hồ sơ được giải mật.

Theo đó, vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước, CIA đã lên kế hoạch và chuẩn bị nhiệm vụ đặc biệt bằng máy bay không người lái cảm tử với hy vọng thu thập dữ liệu tên lửa Liên Xô mà không máy bay có người lái nào có được, nhưng thực tế kế hoạch này đã bị thất bại.

Tên lửa SA-2 của Việt Nam hạ gục tiêm kích F-105 của Mỹ năm 1966.

Theo PMC, tên lửa đất đối không dẫn đường bằng radar, hoặc SAM (Radar-guided surface-to-air missiles), trong đó có SA-2 là mối đe dọa ngày càng tăng đối với không quân Mỹ Mỹ tại Việt Nam.

SAM-2 được trang bị cho lực lượng phòng không Việt Nam từ đầu năm 1965 và trở thành một trong những vũ khí chủ lực để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trước sự tấn công của máy bay Mỹ.

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B-52. Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để đánh thắng máy bay ném bom chiến lược hay pháo đài bay B-52 của không lực Hoa Kỳ.

Tên lửa dẫn đường SA-2, còn được gọi là S-75 Dvina (tên gọi một dòng sông ở Nga) là hệ thống phòng không được sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử, và nổi tiếng đã tung đòn nổ hạ gục chiếc U-2 của Francis Gary Power vào năm 1960.

Đôi khi được gọi là “cột điện bay” vì kích thước khổng lồ, dài 35 feet (10,7m) và đường kính hơn 3 feet (trên 90 cm). Nó cũng mang một đầu đạn phân mảnh nặng 400 pound (181 kg) và di chuyển với tốc độ trên Mach 3 (3.704 km).

Tên lửa đất đối không SA-2 của Không quân Việt Nam

Điều khiến SA-2 trở nên hiệu quả là vì nó không cần phải bắn trúng máy bay mà chỉ cần bay trong vòng vài chục mét sát mục tiêu rồi mảnh đạn bắn ra cũng đủ sức tiêu diệt máy bay đối phương.

Nhưng dường như không hề hay biết, nhóm thiết kế tên lửa Liên Xô đã tạo ra một lỗ hổng mà CIA nghĩ rằng họ có thể khai thác. SA-2 kích hoạt đầu đạn khi phát hiện một máy bay gần đó bằng phản xạ vô tuyến.

Nếu CIA tìm được bí quyết, ắt hẳn đội ngũ kỹ sư điện tử Mỹ có thể xây dựng các biện pháp đối phó để gây nhiễu hoặc kích nổ đầu đạn ở khoảng cách an toàn. Nhưng hoạt động gián điệp và các nỗ lực ban đầu để thu thập dữ liệu quan trọng này đã thất bại.

Để làm được, máy bay cần bay gần vị trí radar mới có thể thu thập được những thông tin cần thiết.

Vì sao 200 mili giây lại thất bại ?

Với mật danh United Effort, CIA đã âm thầm lên kế hoạch và chuẩn bị trong ba năm với hy vọng thu được dữ liệu mà không máy bay có người lái nào có được.

Trước đó, một số máy bay không người lái đã cố gắng khám phá bí mật của SA-2 nhưng đều thất bại. Mục tiêu của chiến dịch này, tình báo Mỹ muốn có được một phiên bản dạng cẩm nang huấn luyện SA-2.

Làm thế nào để nắm bắt được sóng vô tuyến được thiết kế để tiêu diệt máy bay đối phương với thời gian cực ngắn, vì vậy CIA đã quyết định dùng máy bay không người lái cảm tử (drone).

Thực tế, CIA có rất nhiều thiết bị thu thập thông tin tình báo điện tử (ELINT) lắp trên các máy bay như SR-71 Blackbird và U-2, nhưng không có thiết bị nào đủ gọn nên cuối cùng đã phải dùng hệ System X thu nhỏ, từ trên 181,4kg nay cải tiến chỉ còn gần 80kg.

Máy bay vận tải chiến lược hạng nặng DC-130 chở 2 chiếc drone Ryan Model 147SC

Ngày 13/2/1966, máy bay không người lái tầm cao của CIA đã thực hiện nhiệm vụ trinh sát tối mật trên vùng trời Việt Nam. Lực lượng phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được hình ảnh của máy bay U-2 khi nó xâm nhập vào không phận Hà Nội.

Và ngay lập tức, một tên lửa dẫn đường SAM-2 xuất hiện lao thẳng vào chiếc U-2, biến nó thành đốm lửa và sắt vụn.

Trong 200 mili giây ngắn ngủi trước khi bị bắn hạ, các thiết bị điện trên chiếc máy bay không người lái này, nếu đúng theo kế hoạch, sẽ ghi lại toàn bộ thông tin chi tiết về hệ thống ra-đa theo dõi, hệ thống dẫn đường, đầu đạn của tên lửa và truyền thông tin này đi trước khi quá muộn.

Năm 1964, ngay khi Mỹ tham gia vào cuộc chiến, Việt Nam chỉ có 6 ra-đa và đến năm 1967, con số đã lên đến 500 ra-đa. Mỹ đã cố gắng để tìm ra những bí mật đằng sau tên lửa và hệ thống ra-đa dẫn đường mà quân đội Việt Nam sử dụng.

Tuy nhiên, chúng được vận hành một cách thông minh và giảm thiểu tối đa khả năng lộ vị trí.

Đôi lúc, ra-đa chỉ được bật lên khi có mục tiêu và cũng có lúc quân đội Việt Nam theo dõi mục tiêu bằng một ra-đa thuộc loại khác trước khi kích hoạt ra-đa thứ hai để dẫn đường cho tên lửa vào phút cuối. Khu vực bố trí ra-đa được ngụy trang và thường xuyên di chuyển nên khiến chúng khó bị phát hiện và tấn công hơn.

Ngay từ năm 1960, quân đội Mỹ đã sử dụng các máy bay không người lái Firebee do Tập đoàn Teledyne-Ryan chế tạo để định vị các bệ phóng tên lửa đất đối không SAM-2.

Trong suốt cuộc chiến, Mỹ đã thực hiện khoảng 3500 phi vụ. Nhưng đây là lần đầu tiên máy bay không người lái được sử dụng quy mô lớn trên chiến trường. Kể từ đó, máy bay không người lái ngày càng xuất hiện nhiều trong các vùng xung đột và chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu trong các chiến dịch quân sự.

Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mỹ đã sử dụng drone cho nhiều cuộc chiến khác như chiến tranh vùng Vịnh 1991, cuộc xung đột Nam Tư, chiến tranh I-rắc lần hai năm 2003. Gần đây, một số loại còn được trang bị tên lửa và bom có laser dẫn đường để đưa vào hoạt động thường xuyên tại Afghanistan, Pakistan, Yemen, Somalia...

Steve Miller, chuyên gia từng làm việc với những chiếc máy bay không người lái cho Phi đội Trinh sát 99 tại Việt Nam cho hay, việc cải tạo, thu nhỏ máy bay cần phải loại bỏ nhiều thứ.

Phiên bản máy bay mới phải mang nhiều máy thu sóng và ăng-ten để phủ sóng tần số rộng. Thứ duy nhất mà drone mang theo là một bộ thu sóng băng tần đơn và mạch điều hòa tín hiệu.

Sau thời gian nâng cấp, cải tiến, 3 chiếc drone đặc biệt có tên Ryan Model 147D ra đời, và được đặt tên là Long Arm. Những chiếc máy bay này đã trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo vẫn có thể bay dưới lực cản do các ăng-ten lớn cần cho ELINT.

Do những chiếc máy bay này được ví là “cảm tử quân” hay “tấm vé một chiều” cho nên cách tiếp cận thông thường của CIA là phân tích dữ liệu sau nhiệm vụ. Để truyền dữ liệu trong khoảng 200 mili giây, drone sẽ chia dữ liệu thành nhiều phần bằng cách sử dụng một quy trình gọi là “ghép kênh”.

Chưa hết, nếu bay ở độ cao thấp không cung cấp đủ thời gian cho các cảm biến, Long Arm sẽ phải bay cao hơn. Nhiều phi vụ do thám của CIA sống sót, nhưng thiết bị ELINT liên tục bị lỗi. Sau khi phân tích sâu hơn, các kỹ sư Mỹ phát hiện nhiều vấn đề kỹ thuật nan giải, trong đó có vấn đề quá nhiệt.

Điều khiển máy bay không người lái từ xa bằng công nghệ những năm 60 không hề đơn giản. Riêng quạt làm mát liên tục bị sự cố quá nhiệt, còn quy trình xác định vị trí thiết bị gặp sự cố lại quá rườm rà, phức tạp.

Sự cố này có thể khắc phục được bằng amoniac, nhưng môi chất này lại có rủi ro cháy nổ cao, khiến các nhân viên mặt đất cần phải nín thở và bỏ chạy mỗi khi có rò rỉ.

Những cố gắng của CIA tiếp tục được thực hiện khi “bộ phim Chiến tranh Lạnh” chưa kết thúc. Về phía Liên Xô, các kỹ sư tiếp tục nâng cấp hệ thống vũ khí của mình, sản xuất thêm nhiều phiên bản SA-2 mới.

Mỗi lần nâng cấp, khiến nỗ lực tình báo của CIA lại càng gặp nhiều khó khăn. Sau SA-2 là SA-3, SA-4... và ngày nay S-400 nối tiếp, gọi theo NATO là SA-21.

Về phía Mỹ, máy bay không người lái cảm tử Model 147D và E là dòng trinh sát đã được nâng cấp, nhưng so với sự “tiến hóa” của SAM thì vẫn còn chậm chạp. Mới đây, năm ngoái, một tên lửa của I-ran đã hạ gục một chiếc RQ-4 Global Hawk mới nhất của Không quân Mỹ.

Khắc Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/ho-so/su-that-ke-hoach-danh-cap-du-lieu-ten-lua-lien-xo-3429604/