Sự thành lập Giáo đoàn Ni Phật giáo

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của giới nữ trong tu tập, hộ quốc an dân và phát triển đạo pháp...

Tác giả: Thích nữ Hạnh Lý

1. SỰ KIỆN TRỞ VỀ CỦA ĐỨC PHẬT VÀ LỜI THỈNH CẦU XUẤT GIA CỦA DI MẪU

Đề cập đến việc thiết lập Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄), chúng ta không thể bỏ qua sự kiện lịch sử sau khi đức Phật giác ngộ thành đạo bốn năm và trở về Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) theo lời thỉnh cầu của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), sự kiện này được ghi lại trong Đại Phật Sử:

Vào hạ tuần trăng của tháng Phussa, năm thứ 103 của lịch Mahā Era, đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Velụvana tại Rājagaha, thuyết pháp cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đang câu hội ở quanh Ngài. Ngài đã tiếp độ cho nhiều chúng sinh, một số được an trú trong Tam quy, số khác chứng đắc các tầng Thánh, nhiều người ở hai nước Aṅga và Magadha được xuất gia trở thành Sa-môn và thành tựu các đạo quả.

Khi lễ hội Giải thoát vĩ đại đang diễn ra mỗi ngày, vua Suddhodana nghe tin con trai của mình đã chứng đắc Phật quả sau sáu năm khổ hạnh, thuyết bài pháp đầu tiên là kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka), hiện Ngài đang trú ngụ ở tịnh xá Velụvana, Ngài rực rỡ sáng chói như trăng rằm xuất hiện giữa các vì sao.

Sau khi nghe được những tin này, vua Suddhodana cho gọi một vị quan đến và nói với ông ta rằng: Này khanh, hãy dẫn theo một ngàn tùy tùng đến Rājagaha và nói với con trai của ta, bậc Chính đẳng giác bằng những lời như vầy: Bạch Đức Thế Tôn, phụ vương Suddhodana của Ngài muốn đảnh lễ Ngài, sau đó hãy thỉnh đức Phật về đây.[1]

Trong chuyến viếng thăm đó, “di mẫu của Phật, bà Mahāpajāpatī Gotamī [2] đã thể hiện mong muốn trở thành Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄). Bà cùng với một số nữ nhân trẻ đến gặp Phật cầu xin Ngài được phép xuất gia, nhưng đức Phật từ chối lời thỉnh cầu này, cho dù di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī cầu xin nhiều lần. Chỉ sau khi Tôn giả Ānada đứng ra xin giúp thì việc thành lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄) mới được phép.”[3] Sự kiện thỉnh cầu này được mô tả trong Luật tạng (Vinayapitạka) như sau:

Lúc bấy giờ, đức Phật ngự trong lãnh thổ của dòng Sakya ở thành Kapilavatthu, tu viện Nigrodha. Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn rồi đứng một bên và thưa với đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.” Đức Phật dạy: “Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Như Lai công bố nữa.” Đến lần thứ hai, bà Mahāpajāpatī Gotamī tiếp tục thưa với đức Thế Tôn như lời thưa thỉnh ở lần đầu tiên. Lần thứ ba cũng vậy, đức Thế Tôn cũng trả lời với Bà như lần đầu tiên. Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī nghĩ rằng đức Thế Tôn không cho phép người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Như Lai công bố nên khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, trong khi khóc lóc, đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh rồi đi ra.[4]

2. SỰ KIỆN DI MẪU DI MẪU VÀ NHỮNG NGƯỜI NỮ DÒNG HỌ SAKYA TỪ BỎ HOÀNG CUNG QUYẾT TÂM CẦU XUẤT GIA

Một năm sau khi vua Suddhodana băng hà, di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī và công chúa Yasodhara (Da Du Đà La)[5] cùng 498 người nữ của dòng họ Sakya tự cắt tóc, mặc y nhuộm bằng vỏ cây, lên đường đến thành Tỳ-xá-li (Vesāli) nơi đức Phật đang ngự tại tu viện Trùng Các (Kutagarasala) trong rừng Đại lâm (Mahavana) xin Phật xuất gia. Sự kiện này được ghi lại trong Luật tạng (Vinayapitạka) như sau: “Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nhờ người cạo tóc, khoác y phục màu ca-sa cùng với nhiều người nữ dòng Sakya đã ra đi về hướng Vesāli, tuần tự đi đến Vesāli, Mahāvana, giảng đường Kūtạ̄gāra. Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī với hai bàn chân sung vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở bên ngoài cổng ra vào.”[6] Sự kiện này đã làm cho dân chúng ngạc nhiên trong thán phục, bởi trước đó nhiều người cho rằng di mẫu của đức Phật muốn xuất gia nhưng đó có thể là một lời đồn đại. Xuất thân từ giai cấp cao nhất trong xã hội, nhưng di mẫu sẵn sàng từ bỏ đời sống vương giả để trở thành tu sĩ, mỗi ngày phải đi hành khất để truyền bá đạo giải thoát là điều khó có thể nghĩ bàn, quần chúng nghe đều thán phục, Tăng chúng nghe đều kính nể.

Có người cho rằng di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī muốn xuất gia vì quá đau buồn khi vua Suddhodana qua đời. Về phương diện logic trong lẽ sống, trong tình cảm và trong mối quan hệ giữa vợ và chồng thì điều này có thể phù hợp.

Nhưng nếu nói theo cách thức đạo lý vô thường của đạo Phật, khi nhận thức con người có thể tạo ra những đột biến thì rõ ràng sự xuất gia đó không phải vì cô đơn trước nỗi đau mất mát người thân, mà là sự thức tỉnh, thấy được những giá trị vương quyền của thế gian cũng chỉ tạm bợ trong một giai đoạn nhất định nào đó, vấn đề còn lại là tự thân phải tìm kiếm những giá trị tâm linh cao hơn những giá trị của đời sống thế gian.

Do đó, sự từ bỏ thế tục, xuất gia tìm cầu giải thoát giác ngộ không hẳn là do những biến cố trong cuộc đời làm chúng ta đổi mới hoàn toàn chính mình như sự kiện diễn ra với di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī.

Khi nhìn thấy những hình ảnh di mẫu và đoàn người của bà đến Vesāli và đứng trước sảnh đường, Ngài Ānada cảm nhận được đó là những hình ảnh đánh động đến lòng người. Ngài đã nghe được nỗi lòng khao khát, mong muốn xuất gia của di mẫu: “Thưa ngài Ānada, như thế này bởi vì đức Thế Tôn không cho phép người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.”[7] Ngài Ānada liền nói: “Này bà Gotamī, chính vì điều ấy nên bà hãy ở ngay tại đây trong chốc lát chờ tôi thỉnh cầu đức Thế Tôn.”[8] Sau đó, Ngài Ānada đã đi đến gặp đức Thế Tôn và thưa lên Ngài sự việc mong cầu được xuất gia của di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī.

3. ĐỨC PHẬT BA LẦN TỪ CHỐI LỜI THỈNH CẦU XUẤT GIA CỦA DI MẪU?

Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn Ngài Ānada đã thưa: “Bạch đức Thế Tôn, bà Mahāpajāpatī Gotamī này với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt đầm đìa nước mắt, đang khóc lóc, đứng ở ngoài cổng ra vào, nghĩ rằng đức Thế Tôn không cho phép người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Như Lai công bố. Bạch Ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Như Lai công bố. Đức Phật dạy: Này Ānada, thôi đi! Ngươi chớ có quan tâm đến việc người nữ xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Như Lai công bố nữa.”[9] Ngữ cảnh cuộc đối thoại thỉnh cầu giữa đức Phật và Ngài Ānada diễn ra ba lần nhưng đức Phật vẫn từ chối lời thỉnh cầu và giữ vững lập trường của mình.

4. ĐỨC PHẬT CHẤP THUẬN CHO NỮ GIỚI XUẤT GIA VỚI ĐIỀU KIỆN THỰC HÀNH BÁT KỈNH PHÁP?

Khi đức Phật từ chối ba lần lời thỉnh cầu cho di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī được xuất gia, lúc này Ngài Ānada nghĩ rằng nên thưa thỉnh đức Phật bằng một phương thức khác. Nội dung thứ nhất Ngài Ānada thưa thỉnh đó là tiềm năng đạo đức và tâm linh của Ni giới. “Bạch đức Thế Tôn, người nữ sau khi xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả Nhập lưu, hoặc quả vị Nhất lai, hoặc quả vị Bất lai hoặc phẩm vị A-la-hán hay không? Này Ānada, người nữ sau khi xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập lưu, quả vị Nhất lai, quả vị Bất lai, luôn cả phẩm vị A-la-hán quả.” Nội dung thưa thỉnh thứ hai Ngài Ānada nêu ra là: “Bạch đức Thế Tôn, di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī đã giúp đỡ Thế Tôn rất nhiều trong vai trò người dì, người vú, người kế mẫu, khi mẹ của Thế Tôn mệnh chung, lại cho Thế Tôn bú sữa. Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.” Với nội dung thưa thỉnh này, Ngài Ānada đã đánh động vào tâm điểm của lòng thương tưởng, hiếu kính, làm cho đức Phật không biết giải quyết như thế nào, đây là nói theo ngôn ngữ con người dựa trên tình tiết lịch sử. Và đức Phật đã bảo Ngài Ānada: “Này Ānada, nếu Mahāpajāpatī Gotamī chấp nhận Bát kỉnh pháp (gurudharma), thời Gotamī có thể được thọ Cụ túc giới.”[10] Đây chính là sự kiện để chúng ta tham khảo, nhận định, đánh giá về bản chất của học thuyết bình đẳng và lòng từ bi, tuệ giác của đức Phật.

Sau đó, Ngài Ānada đã báo lại với di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī về Bát kỉnh pháp (gurudharma) đức Phật nêu ra. Di mẫu vui mừng chấp thuận: “Thưa Tôn giả Ānada, ví như một người đàn bà hay một người đàn ông, còn đang tuổi trẻ, tính ưa trang sức, sau khi gội đầu xong, sau khi được một vòng hoa sen xanh hay một vòng vũ quý hoa, hay một vòng thiên tư hoa, dùng hai tay cầm lấy vòng hoa ấy và đặt lên đỉnh đầu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, tôi xin chấp nhận Bát kỉnh pháp (gurudharma) này cho đến trọn đời không có vượt qua.”[11]

Sự kiện thứ ba trong ngữ cảnh này rất quan trọng, khi đức Phật chấp nhận cho di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī và Yasodhara cùng 498 người nữ dòng họ Sakya xuất gia thì theo Ngài, “để đảm bảo tính chất tôn nghiêm của giáo pháp và sự thanh tịnh của Tăng đoàn, người nữ muốn xuất gia thọ giới, trước hết phải tuân thủ Bát kỉnh pháp (gurudharma) mà Phật quy định.”[12] Và Ngài đã nói một câu đặc biệt, câu nói này đã gắn liền với dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển Ni đoàn Phật giáo, về sau đã trở thành cơ sở lý luận cho rất nhiều truyền thống không chấp nhận Ni giới.

Này Ānada, nếu nữ nhân không được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, thời này Ānada, Phạm hạnh được an trú lâu dài và Diệu pháp được tồn tại đến một ngàn năm. Vì rằng, này Ānada, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nên này Ānada, Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài, và này Ānada, Diệu pháp được tồn tại năm trăm năm. Ví như, này Ānada, những gia đình nào có nhiều phụ nữ, ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm cắp não hại. Cũng vậy, này Ānada, vì rằng nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, nên Phạm hạnh không được an trú lâu dài... Ví như, này Ānada, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua; cũng vậy, này Ānada, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành Bát kỉnh pháp (gurudharma) này cho các Tỳ-kheo-ni, cho đến trọn đời không vượt qua.[13]

Sau khi xuất gia, được yết kiến đức Phật và nghe lời giảng dạy của Ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī nỗ lực, tinh cần tinh tấn và chứng được quả A-la-hán. Năm trăm Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄), sau khi nghe Tôn giả Nandaka giáo giới, chứng được Sáu thắng trí.[14]

5. NHỮNG LÝ GIẢI XUNG QUANH VẤN ĐỀ XUẤT GIA CỦA NỮ GIỚI

Có những nghi vấn đặt ra xung quanh vấn đề, tại sao đức Phật một mặt thừa nhận phụ nữ có khả năng thành tựu về mặt tinh thần như nam giới, nhưng mặt khác Ngài cố ý trì hoãn việc cho họ xuất gia? Nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau, người ta có thể đưa ra những lời giải thích hợp lý cho thái độ miễn cưỡng của đức Phật trong việc thành lập Ni đoàn.

Thứ nhất, đó là quan niệm xã hội đối với người phụ nữ trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Theo Luật Manu:[15] “Người phụ nữ khi còn bé người cha sẽ bảo vệ họ, khi lấy chồng, người chồng sẽ bảo vệ họ, khi về già, con trai sẽ bảo vệ họ, người phụ nữ không bao giời có quyền tự chủ hay độc lập.”[16] Xã hội thời đức Phật ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm này. Do đó, nếu cho người nữ xuất gia, “Đức Phật hiển nhiên sợ cộng đồng có khả năng mang lại đàm tiếu cho toàn thể Tăng-già và làm cho Phật giáo nhanh suy yếu. Ngài hy vọng, đề phòng nguy hiểm này bằng cách đưa ra một số quy định để giúp họ chế ngự mình và nghiêm túc dựa vào sự chỉ giáo của cộng đồng Tỳ-kheo Tăng.”[17] Vì thế, đức Phật đã thực hiện việc cho người nữ xuất gia theo cách tính toán riêng của Ngài nhằm trấn an dư luận xã hội, bởi họ không dễ gì có thể chấp nhận sự cải cách này.

Thứ hai, chính là để người dân nhìn thấy hình ảnh đáng thương của những người phụ nữ trong hoàng tộc họ Thích đến cầu xin xuất gia nhưng đức Phật đã từ chối, như vậy thì có lẽ sẽ thuận với quy luật xã hội đương thời đối với người nữ. Và khi dân chúng đã có cái nhìn thiện cảm đối với việc đi bộ một quãng đường dài để cầu xin xuất gia của quý bà dòng họ Thích-ca, thì đó chính là cơ hội tốt để đức Phật cho phép thành lập Ni đoàn. Các nhà nghiên cứu về xã hội học khi tìm hiểu động cơ khiến đức Phật ba lần từ chối cho phụ nữ xuất gia cũng đã thấy rằng sự từ chối của đức Phật sẽ khiến họ càng thêm quyết tâm thực hiện hành trình cầu xuất gia, và chính hành trình đó đã gây thiện cảm, thúc đẩy sự hưởng ứng công khai và tích cực từ người dân. Đó là ba sự kiện quan trọng liên hệ đến việc thiết lập Giáo đoàn Ni.

Di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī chấp nhận Bát kỉnh pháp (gurudharma) một cách không lưỡng lự, bà rất vui mừng vì nỗi khao khát được xuất gia theo Phật đã thành tựu. Những điều kiện đức Phật thiết lập di mẫu xem đó là phương tiện hỗ trợ cho đời sống tu tập. Mục đích cuối cùng mà bà muốn đạt đến chính là giải thoát khỏi vòng lưu chuyển của sinh tử. Và chính pháp mới là gia tài tâm linh, là báu vật quý nhất trên cuộc đời, là kim chỉ nam giúp bà thành tựu được lý tưởng giải thoát tối hậu.

6. GIÁO ĐOÀN NI ĐƯỢC THÀNH LẬP

Về cơ bản, Giáo đoàn Ni được tổ chức cùng cách với Giáo đoàn Tăng. Tuy nhiên, Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄) nhận sự hướng dẫn về Pháp và Luật từ Tỳ-kheo Tăng. Để tránh tình trạng sự gia nhập của Ni giới trong Tăng đoàn có thể tạo cơ hội phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tính cách phạm hạnh thanh tịnh của Tăng chúng, nên Bát kỉnh pháp (gurudharma) được đức Phật thiết lập là “những hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến sự tương tác và kiểm soát những liên hệ giữa tăng và ni, ngăn chặn vấn đề luyến ái có thể xảy ra, đồng thời hỗ trợ chính pháp không bị tình trạng suy thoái và giảm thọ.”[18]

Như vậy, Giáo đoàn Ni đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī, đã trở thành một phần chính yếu của Giáo đoàn Phật giáo. Đó là lần đầu tiên nữ giới được Phật độ vào hàng đệ tử xuất gia.[19] Sau khi lãnh thọ Bát kỉnh pháp (gurudharma), Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī đến gặp Đức Thế Tôn xin được lãnh thọ Ngài về phương pháp tu học cho Ni đoàn: “Bạch Thế Tôn, con thực hành như thế nào đối với các người nữ dòng Sakya này. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpati Gotamī bằng bài pháp thoại rồi bảo các Tỳ-kheo rằng này các Tỳ-kheo, Ta cho phép các Tỳ-kheo được ban phép tu lên bậc trên đến các Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄).”[20] Về các điều học (giới), bên cạnh những điều học được quy định chung với Tỳ-kheo còn có những điều học riêng của Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄). Về các pháp tu học, để giúp vị Tỳ-kheo có thể sống một mình, cách ly, không biếng nhác, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm, đức Phật dạy rõ:

Này Gotamī, các Pháp nào mà bà có thể biết rằng các pháp này đưa đến tham ái mà không đưa đến sự không xa lìa tham ái, đưa đến sự ràng buộc mà không đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc, đưa đến sự tích lũy mà không đưa đến sự không tích lũy, đưa đến sự ham muốn nhiều mà không đưa đến sụ ham muốn ít, đưa đến sự bực bội mà không đưa đến sự hoan hỉ, đưa đến sự tụ hội mà không đưa đến sự đơn độc, đưa đến sự biếng nhác mà không đưa đến sự khởi công tinh tấn, đưa đến sự khó nuôi dưỡng mà không đưa đến sự dễ nuôi dưỡng; này Gotamī, bà có thể xác định dứt khoát rằng: Điều này không phải là pháp, điều này không phải là luật, điều này không phải là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Này Gotamī, các Pháp nào mà bà có thể biết rằng các pháp này đưa đến sự xa lìa tham ái mà không đưa đến tham ái, đưa đến sự giải thoát khỏi ràng buộc mà không đưa đến sự ràng buộc, đưa đến sự không tích lũy mà không đưa đến sự tích lũy, đưa đến sự ham muốn ít mà không đưa đến sự ham muốn nhiều, đưa đến sự hoan hỉ mà không đưa đến sự bực bội, đưa đến sự đơn độc mà không đưa đến sự tụ hội, đưa đến sự khởi công tinh tấn mà không đưa đến sự biếng nhác, đưa đến sự dễ nuôi dưỡng mà không đưa đến sự khó nuôi dưỡng; này Gotamī, bà có thể xác định dứt khoát rằng: Điều này là Pháp, điều này là Luật, điều này là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.[21]

“Đức Phật là vị Giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại cho thành lập một Ni đoàn với đầy đủ giới luật và uy nghi. Ba-la-môn giáo và các tôn giáo khác đương thời ở Ấn Độ đều không có đoàn thể phụ nữ tu hành như vậy.”[22] Được đức Phật trực tiếp giảng dạy về phương pháp tu học, Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī đã truyền dạy lại cho Ni chúng, hướng dẫn Ni đoàn về những sinh hoạt căn bản buổi đầu của đời sống xuất gia. “Vượt qua những hạn chế về yêu cầu tuân giữ Bát kỉnh pháp (gurudharma), điều khiến họ phụ thuộc vào giáo đoàn Tăng, nhiều Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄) lúc này đã tu tập tinh tấn và thể hiện những khả năng đặc biệt của họ. Nếu đọc vào tác phẩm Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā) chúng ta thấy rõ là tuệ giác của chư Ni được mô tả ngang bằng với tuệ giác của chư Tăng trong Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā). Ksẹma và Dharmadinnā nổi tiếng nhờ trí tuệ và thuyết giảng trôi chảy cho nam giới. Utpalavarṇ bị giết chết trong việc sử dụng thần thông của mình, Kṛsá̄gautamī đạt được tầm mức giác ngộ rất thâm sâu,... và nhiều Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄) khác được chép lại trong văn học Phật giáo sơ kỳ.”[23]

7. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO ĐOÀN NI

Phát triển về mặt tuệ giác: Ta có thể nhìn thấy những ấn tượng sâu sắc về bầu không khí trong lành buổi sơ khai của Giáo đoàn Ni qua Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā).[24] Một Giáo đoàn bao gồm những con người với những thân phận đặc biệt, xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội nhưng khi xuất gia trong hàng ngũ Giáo đoàn Phật giáo, họ đã vượt lên trên số phận mà xã hội đương thời đặt để, nỗ lực tu học theo phương pháp đức Phật giảng dạy, niềm hân hoan về thực chứng tâm linh và niềm duyệt hỷ về giải thoát, tất cả mọi tâm trạng ấy đều được ghi lại rất linh động ở đây.[25] Mỗi bài kệ trong Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā) là một minh chứng của sự hỷ lạc tràn đầy, đến độ chư vị cảm thấy cần phải diễn tả tâm trạng chứng đắc thắng trí (añnã̄) qua các giai điệu trữ tình đầy thi vị vào trong mỗi bài kệ. Trong “Lời giới thiệu Trưởng lão Ni kệ” HT. Thích Minh Châu đã ghi:

Những bài kệ này được cho là do các Tỳ-kheo-ni nói lên, hoặc nói lên quả chứng của mình, hoặc nói lên sự sung sướng phấn khởi của mình khi chứng được đạo quả, hoặc nói lên những phương pháp tu hành mình đã tự thực hành để được giác ngộ, giải thoát. Bài kệ cũng nói lên những khó khăn đã được vượt qua, những khó khăn cần phải đối trị, để cuối cùng được giác ngộ, giải thoát. Bảy mươi ba vị Tỳ-kheo này đều là những vị đã chứng quả A-la-hán do các nghiệp lành đời trước, do sự tinh tấn tu hành hiện tại, và đánh đổ thành kiến cho rằng nữ nhân không thể chứng được quả vị A-la-hán. Mỗi Tỳ-kheo là một hình ảnh tích cực tu hành, tinh tấn, đối trị với những cám dỗ của dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu; đối trị với các thành kiến xã hội đè nặng lên giới nữ, làm nổi bật thành quả các nữ nhân vẫn có thể giác ngộ, giải thoát, nếu các vị này kiên trì tu hành, cương quyết đi theo con đường Giới-Định-Tuệ của đạo Phật.[26]

Trong số 10 vị Thánh Ni lớn của đức Phật, Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā) chỉ có 9 vị, không đề cập nữ Tôn giả Yasodharā , mẹ của Tôn giả Rāhula.[27] Đây là những bậc Thánh Ni kiệt xuất, với những công hạnh đặc biệt được đức Phật ấn chứng:

1. Trưởng lão Ni Mahāpajāpati Gotamī là vị Ni Kinh nghiệm đệ nhất.

2. Trưởng lão Ni Khemā là vị Trí tuệ đệ nhất.

3. Trưởng lão Ni Uppalavaṇnạ̄ (Liên Hoa Sắc) là vị Thần thông đệ nhất.

4. Trưởng lão Ni Dhammadinnā (Pháp Lạc) là vị Thuyết pháp đệ nhất.

5. Trưởng lão Ni Patạ̄cārā là vị Trì luật đệ nhất.

6. Trưởng lão Ni Kisā Gotamī là vị có hạnh Mặc thô y đệ nhất.

7. Trưởng lão Ni Bhaddā Kuṇdạlakesā là vị Lĩnh hội ý pháp đệ nhất.

8. Trưởng lão Ni Somā là vị Tinh tấn đệ nhất.

9. Trưởng lão Ni Sundarī Nandā là vị Thiền định đệ nhất.

Mỗi vị Ni trong giáo đoàn là một tấm gương sáng chói về sự nỗ lực vượt qua những giới hạn của bản thân, những định kiến của xã hội để xuất gia, trải nghiệm đời sống tu tập, chuyển hóa khổ đau, phát triển ba giá trị cao quý (giới, định, tuệ) và chứng đạt quả vị A-la-hán.

Mở rộng phạm vi hoạt động: Để nhân rộng mô hình tu tập và hoằng pháp, Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī đã mở rộng phạm vi hoạt động của Ni đoàn. Ni trưởng vận động các thí chủ cúng dường để xây cất các trung tâm tu học, với sức ảnh hưởng lớn của Ni trưởng nên không lâu sau đó các Ni viện đã lần lượt được tạo lập tại các nơi như Tỳ-xá-li, Ca-tỳ-la-vệ, Xá-vệ,... Ni trưởng đã dẫn dắt hàng ngàn những vị Ni vào nếp sống thiền môn, tinh cần tu học và rất đông trong số họ đã thành công trong sự nghiệp tu học. Sau đó không lâu, Ni trưởng đã chứng đắc A-la-hán quả, các vị xuất gia cùng với Ni trưởng cũng lần lượt đắc quả A-la-hán.

Sự nhập diệt của Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī và các vị Tỳ-kheo-ni

Khi Thế Tôn ở Tỳ-xá-ly (Vesāli) tuyên bố không quá ba tháng sau sẽ nhập Niết-bàn tại Ta-la song thọ, xứ Câu-thi-na (Kusinara), Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī nghĩ rằng: “Vậy thì ta sẽ Niết-bàn, ta chớ chứng kiến sự băng hoại ấy. Sau khi suy nghĩ như thế Ni trưởng đã diện kiến đức Phật, xin phép Phật nhập diệt trước và được Ngài dạy: Này Gotamī, bà hãy biết lấy thời điểm. Với sự cho phép của đức Phật, Ni trưởng đã quỳ xuống và đảnh lễ Ngài.”[28] Sau khi Ni trưởng Mahāpajāpati Gotamī công bố với Ni đoàn về quyết định nhập diệt của mình thì 500 vị Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄) buồn rầu. Họ đấm vào ngực bằng những bàn tay. Rồi giống như các dây leo bị chặt đứt gốc rễ, họ ngã xuống đất, nức nở khóc thương rằng: Hỡi người ban bố sự nương nhờ, hỡi người bảo hộ, xin người đừng từ bỏ chúng con mà đi đến nơi an tịnh. Toàn thể người nữ chúng con quỳ xuống đê đầu thỉnh người. Ni trưởng đã nói: Này các con, thôi đủ rồi bởi vì thất vọng là sự xoay vần theo mưu kế của Ma vương. Tất cả pháp hữu vi là vô thường, sự chia lìa và sự tử vong là không chừng đổi… Ở trong ngôi nhà mái nhọn cao quý đáng yêu, toàn bộ làm bằng vàng sáng chói, các vị cùng nhau sắp đặt chiếc giường nhỏ là nơi bà Gotamī an nghĩ. Toàn thể các vị Tỳ-kheo-ni cũng được đặt nằm trên những chiếc giường được nâng lên đặt ở vai của chư thiên rồi được tuần tự rước đi. Toàn bộ các vị Ni đệ tử của đức Phật đã tịch diệt là được rước đi ở phía trước, bà Gotamī, người đã nuôi dưỡng đức Phật, được kính trọng, đã được rước đi ở phía sau. Chư thiên và nhân loại cùng với các long vương, a-tu-la, Phạm thiên là ở phía trước, đức Phật cùng các vị Thinh văn đi phía sau nhằm mục đích tôn vinh người mẹ. Các giàn hỏa thiêu được làm bằng tất cả các loại vật thơm, được rải rắc các loại bột phấn thơm. Sau đó, được đức Phật khuyên bảo, Ngài Ānada đã dâng lên đấng Bảo Hộ các Xá-lợi của bà Gotamī đã được đặt vào trong bình bát của bà ấy. Xá-lợi của Ni trưởng Mahāpajāpati cùng 500 vị Tỳ-kheo-ni (bhiksụnị̄) được xây tháp phụng thờ.[29]

KẾT LUẬN

Với tám nội dung chính được trình bày trên đây, bài viết đã khái quát sự kiện lịch sử hình thành Giáo đoàn Ni. Chủ trương của đức Phật về việc thiết lập Ni đoàn lần đầu tiên, tiên phong trong lịch sử tư tưởng của nhân loại là chủ trương vượt lên trên thời đại, mang tính lịch sử và nhân văn với chủ thuyết bình đẳng giới.[30] Điều đáng nói ở đây là học thuyết bình đẳng giới đã mở ra cơ hội cho người nữ tại Ấn Độ trở thành một Tăng sĩ, có vai trò đạo đức, tâm linh ngang bằng với chư Tăng, đó là tiếng rống sư tử đầu tiên trong lịch sử tư tưởng của nhân loại.

Đến hơn mười thế kỷ sau, các trường phái Bà-la-môn tiến bộ đã mô phỏng theo cách thức của đức Phật, họ đã cho phép có nữ tu Bà-la-môn. Điều này cho thấy, tuệ giác của đức Phật vượt trội và Ngài đã có những chủ trương rất đúng đắn, đi trước thời đại trên hai mươi thế kỷ.

Kết quả của chủ trương này đã để lại cho chúng ta tác phẩm Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā), tuyển tập các bài thơ thiền chứng đạo của các vị tôn túc Ni.

Nếu đọc vào tác phẩm Trưởng lão Ni kệ chúng ta thấy tuệ giác của chư Ni không thua kém tuệ giác của chư Tăng trong tác phẩm Trưởng lão Tăng kệ (Theragāthā).

Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn (khoảng vài trăm năm), truyền thống Ni đoàn ở các nước Phật giáo Nam truyền bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia đã bị đứt đoạn. Với lý do là sự có mặt của Ni đoàn trong giáo đoàn Phật giáo làm cho tuổi thọ của chính pháp bị giảm đi vài trăm năm, nên ngày nay chư Ni tại các nước Phật giáo Nam truyền đã bị mất cơ hội được làm chư Ni như trong thời của đức Phật.

Nhưng tại các nước Phật giáo Đại thừa như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, truyền thống Ni đoàn chưa từng bị kết thúc và Việt Nam là nước có mô hình Ni đoàn được xem là lý tưởng.

Hơn hai nghìn năm Giáo đoàn Ni có mặt trên thế gian này, dù trải qua bao biến cố trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng những nữ tu sĩ Phật giáo vẫn luôn thể hiện khả năng xuất sắc của mình trong tu tập, hộ quốc an dân và phát triển đạo pháp, làm rạng danh cho Phật giáo. Học thuyết bình đẳng giới được đức Phật tuyên thuyết và những đóng góp của Ni giới cho Phật giáo, nhân sinh và xã hội vẫn luôn là điểm sáng ngời của giá trị Phật giáo.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Lý

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội.

2. Kinh Tiểu bộ, tập 5, Tỳ-khưu Indacanda dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội.

3. Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, Nguyên Tâm, Trần Phương Lan dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội.

4. Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.

5. A. K. Warder (2021), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Thiện Chánh dịch, NXB. Lao Động, Hà Nội.

6. Hirakawa Akira (2020), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, Thích Nguyên Hiệp dịch, NXB. Văn hóa – Văn Nghệ, TP. HCM.

7. H.W. Schumann (2000), Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, NXB. TP.HCM, TP.HCM.

8. Mingun Saya (2019), Đại Phật Sử, Tập 3, Minh Huệ biên dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội.

9. Nandasena Ratnapala (2012), Xã hội học Phật giáo, Thích Huệ Pháp dịch, NXB, Hồng Đức, Hà Nội.

10. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật của chúng ta, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.

11. Thích Thanh Kiểm (2021), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Lao Động, Hà Nội.

12. Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề giới luật, NXB. Phương Đông, TP.HCM.

CHÚ THÍCH:

[1] Mingun Saya (2019), Đại Phật Sử, Tập 3, Minh Huệ biên dịch. NXB. Hồng Đức, Hà Nội, Tr.18.

[2] Mahāpajāpatī Gotamī: phiên âm là Ma-ha Ba-xà-ba-đề, bà là em gái hoàng hậu Maya (Māyādevī). Sau khi hoàng hậu Maya qua đời (bảy ngày sau khi sinh Thái tử Siddhattha), bà Mahāpajāpatī Gotamī trở thành di mẫu, bảo bọc, thương yêu và chăm sóc Thái tử.

[3] Hirakawa Akira (2020), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, Thích Nguyên Hiệp dịch, NXB. Văn hóa – Văn Nghệ, TP. HCM, tr.55.

[4] Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.341-342.

[5] Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) thường được gọi là Rāhulamātā, Bimbā hay Bhaddakaccana, là con của vua Suppabuddha và Hoàng hậu Pamitā (em gái vua Suddhodana) trị vì dân tộc Koliya. Theo phong tục thời bấy giờ, năm 16 tuổi công chúa kết hôn. Thái tử Siddhattha được vua Suppabuddha chọn làm phò mã sau một cuộc biểu dương võ nghệ. Khi Thái tử rời bỏ hoàng cung để ra đi tìm con được giải thoát khổ đau cho nhân loại cũng là thời điểm công chúa Yasodhara hạ sinh hoàng nam Rāhula (La Hầu La).

[6] Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.342.

[7] Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.342.

[8] Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.342.

[9] Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1003.

[10] Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1004.

[11] Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1005.

[12] Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề giới luật, NXB. Phương Đông, TP. HCM, tr.36.

[13] Kinh Tăng Chi Bộ, Thích Minh Châu dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1005.

[14] Kinh Tiểu bộ, Tập 1, HT.Thích Minh Châu, Nguyên Tâm, Trần Phương Lan dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1117.

[15] Luật Manu là một bách khoa toàn thư về xã hội Ấn Độ, được viết vào khoảng từ TK II TCN đến cuối TK II SCN. Đây là một trong những sử liệu quan trọng nhất về xã hội và nhà nước Ấn Độ cổ đại, toàn bộ Đạo luật bao gồm 12 chương với 2.685 điều. Đây là những điều răn của Thánh Manu về thờ cúng, thực thi luật pháp, giữ gìn đạo đức, hành vi, lẽ sống, các mối quan hệ,...

[16] Nandasena Ratnapala (2012), Xã hội học Phật giáo, Thích Huệ Pháp dịch, NXB, Hồng Đức, Hà Nội, tr.84.

[17] A. K. Warder (2021), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Thích Thiện Chánh dịch, NXB. Lao Động, Hà Nội, tr.100.

[18] Hirakawa Akira (2020), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, Thích Nguyên Hiệp dịch, NXB. Văn hóa – Văn Nghệ, TP. HCM, tr.55.

[19] Thích Thanh Kiểm (2021), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Lao Động, Hà Nội, tr.51.

[20] Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.348.

[21] Tiểu phẩm, tập 2, Nguyên tác Tam Tạng Pālị, Indacanda dịch (2017), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.351-352.

[22] Thích Minh Châu (2005), Đức Phật của chúng ta, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.79.

[23] Hirakawa Akira (2020), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ Đức Phật Thích Ca đến Đại thừa sơ kỳ, Thích Nguyên Hiệp dịch, NXB. Văn hóa – Văn Nghệ, TP. HCM, tr.55.

[24] Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā) là bản văn thứ 9 của Kinh Tiểu bộ (Khuddaka Nikāya) thuộc hệ thống Kinh tạng Pālị, là hợp tuyển thi ca gồm 524 bài thi kệ tu tập và chứng đắc của 73 Trưởng lão Ni. Trưởng lão Ni kệ được xem là tuyển tập thi ca bằng văn bản sớm nhất của cộng đồng phụ nữ Ấn Độ trong thời cổ đại. Gọi là 73 Trưởng lão Ni chỉ là cách nói tượng trưng. Trên thực tế, số lượng các Trưởng lão Ni trong Trưởng lão Ni kệ có hơn 600 vị, vì có những kệ ngôn theo nhóm Tỳ-kheo-ni của nữ Tôn giả Patạ̄cārā 30 vị (Thīg. V: 117-21), có nhóm 500 vị (Thīg. VI: 127-32). Có một số Trưởng lão Ni không rõ danh tính, khác với Trưởng lão Tăng kệ, các kệ ngôn đều được xác định danh tính của người nói. (Trích từ “Dẫn luận Trưởng lão Ni kệ” trong Kinh Tiểu bộ, HT. Thích Minh Châu, Nguyên Tâm, Trần Phương Lan dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội).

[25] H.W. Schumann (2000), Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, NXB. TP.HCM, TP.HCM, tr.415.

[26] Kinh Tiểu bộ, Tập 1, HT.Thích Minh Châu, Nguyên Tâm, Trần Phương Lan dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1071.

[27] Kinh Tiểu bộ, Tập 1, HT.Thích Minh Châu, Nguyên Tâm, Trần Phương Lan dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.1074-1075.

[28] Kinh Tiểu bộ, Tập 5, Tỳ-khưu Indacanda dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.552-1075.

[29] Kinh Tiểu bộ, Tập 5, Tỳ-khưu Indacanda dịch (2021), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.558-559.

[30] Đây là học thuyết quan trọng nhất của đức Phật được Ngài tuyên thuyết tại Tỳ-xá-ly, nơi có khu khảo cổ chùa khỉ. Nơi đây đức Phật có hai mùa an cư kiết hạ, mùa thứ nhất vào năm thứ 6 sau khi Đức Phật giác ngộ và mùa thứ hai vào năm Ngài 80 tuổi trước khi nhập Niết-bàn. Theo lịch sử, vua Asoka (thế kỷ III TTL) khi đi chiêm bái các Phật tích đã cho sắc dựng các trụ đá để đánh dấu các Phật tích, trong đó có học thuyết quan trọng nhất của đức Phật là bình đẳng giới được đức Phật tuyên thuyết tại vị trí lịch sử này.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-thanh-lap-giao-doan-ni-phat-giao.html