Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua năm 2017, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác.

Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua 5 năm thực hiện, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân giao nộp 1.303 khẩu súng tự chế các loại, 5 khẩu súng quân dụng, 966 viên đạn, bom, đầu đạn, 243 vũ khí thô sơ, 119 công cụ hỗ trợ, 11 kíp nổ, 19 linh kiện súng; đấu tranh, xử lý 153 vụ/228 đối tượng, thu 131 khẩu súng các loại, 5.785 viên đạn các loại, 1 lựu đạn, 3 công cụ hỗ trợ, 91 vũ khí thô sơ, 20 linh kiện vũ khí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế hiện nay trong công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này như: Khái niệm và công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không còn phù hợp với thực tiễn. Thủ tục về cấp các loại giấy phép còn nhiều, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Luật hiện hành chưa tận dụng được nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ. Giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có thời hạn 5 năm là không phù hợp với quá trình sử dụng không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, số hiệu nên không cần thiết phải quy định thời hạn. Quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn.

Từ những bất cập trên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cấp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong tình hình mới.

Nội dung cơ bản và những chính sách mới của dự thảo Luật

Dự thảo Luật bao gồm 08 chương, 74 điều, như sau:

- Chương I gồm 17 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ; nguyên tắc; trách nhiệm của người đứng đầu; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý, sử dụng; quản lý, bảo quản, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mang vũ khí, công cụ hỗ trợ ra, vào khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; cho, tặng, viện trợ và giám định vũ khí, công cụ hỗ trợ.

- Chương II gồm 16 điều quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; đối tượng, thủ tục cấp giấy phép, loại vũ khí trang bị; nguyên tắc và các trường hợp nổ súng quân dụng; thủ tục khai báo vũ khí thô sơ và dao có tính sát thương cao trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu.

- Chương III, IV gồm 17 điều quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

- Chương V gồm 11 điều quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ; đối tượng trang bị, vận chuyển, sử dụng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

- Chương VI gồm 9 điều quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy.

- Chương VII, VIII gồm 5 điều quy định quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và điều khoản thi hành.

Một số chính sách mới của dự thảo Luật

- Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới.

- Chính sách 2: Cắt giảm giấy tờ trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

- Chính sách 3: Cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng.

- Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/su-can-thiet-phai-sua-doi-luat-quan-ly-su-dung-vu-khi-vat-lieu-no-va-cong-cu-ho-tro-210643.htm