Startup Việt khát người tài

Theo điều tra của Navigos, gần một nửa doanh nghiệp startup cho rằng, yếu tố lương là trở ngại lớn nhất khi tuyển dụng nhân sự. Ngân sách lương hạn chế khiến họ không thu hút được ứng viên phù hợp, đặc biệt là những ứng viên giỏi.

Tại Việt Nam, phần lớn công ty khởi nghiệp đều có nguy cơ phá sản trong 5 năm đầu hoạt động. Và dù có tồn tại được sau 5 năm, 90% không có khái niệm quản trị nhân sự trong thời gian này.

Nhiều người nghĩ bài toán nhân sự chỉ là vấn đề của các công ty lớn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Quản trị nhân sự có vai trò rất quan trọng đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vì con người chính là yếu tố tạo ra đột phá cho doanh nghiệp.

Bài toán nhân sự có thể là thách thức lớn với các startup, đặc biệt khi không có bộ phận nhân sự để dựa vào. Lúc này, CEO chính là người làm nhân sự, còn nhân viên phụ trách nhân sự chỉ thiên về mảng hành chính nên doanh nghiệp nhìn chung còn yếu và thiếu về các hoạt động quản trị nhân sự bài bản.

Sau gần 5 năm khởi nghiệp, câu chuyện nhân sự vẫn luôn khiến cho ông Đào Xuân Hoàng - nhà sáng lập Monkey Junior phải đau đầu: "Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyển dụng các vị trí để làm sao tạo ra được sản phẩm và đưa sản phẩm đến với người dùng. Đó là quá trình khó nhất để kiếm được đúng những người vừa có năng lực vừa có phẩm chất phù hợp với môi trường khởi nghiệp".

Theo ông Hoàng, đây là bài toán khó với tất cả các đơn vị khởi nghiệp hiện nay. Thực tế, các startup càng mới càng khó tuyển dụng. Bởi quy mô nhỏ, chưa có vốn, thậm chí chưa có sản phẩm hay thị trường, vì vậy mà mức đãi ngộ cũng chưa cao.

"Cùng với đó, tâm lý của người lao động hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển dụng của những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo", nhà sáng lập Monkey Junior chia sẻ.

Ông Lâm Hữu Khánh Phương, nhà sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator cho rằng, hầu hết startup Việt Nam đều gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, nhất là các nhân sự có trình độ, kỹ năng. Lý do là đa số người có năng lực làm việc tốt lại muốn phát triển tại những doanh nghiệp lớn thay vì chịu rủi ro cùng startup.

Một người có năng lực tốt bao giờ cũng yêu cầu mức thu nhập tương xứng, họ chỉ chấp nhận mức lương bình thường khi có một số điều kiện khác thúc đẩy họ như: lãnh đạo là người giỏi, sản phẩm có tiềm năng lớn hoặc họ có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp.

"Công ty khi còn nhỏ, tài chính ít không đủ khả năng tuyển người giỏi về làm với mức lương cao. Hầu hết doanh nghiệp startup tuyển sinh viên mới ra trường. Kỹ năng họ còn kém, về phải đào tạo, nhưng khi đào tạo xong, họ trưởng thành thì lại nhảy sang công ty khác, doanh nghiệp startup mất nhân sự. Đó là thực tế, là nỗi đau mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay gặp phải", ông Phương chia sẻ.

Bài toán nhân sự là thách thức lớn với các startup

Bài toán nhân sự là thách thức lớn với các startup

Theo điều tra của Navigos, gần một nửa doanh nghiệp startup cho rằng, yếu tố lương là trở ngại lớn nhất khi tuyển dụng nhân sự. Ngân sách lương hạn chế khiến họ không thu hút được ứng viên phù hợp, đặc biệt là những ứng viên giỏi. Trong khi đó, ứng viên thường chú trọng vào lương, thưởng chứ ít coi trọng các cơ hội học hỏi, phát triển sự nghiệp.

TS. Hoàng Trung Dũng - Giám đốc Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman cho biết, với các startup, ngoài quản trị về vốn, đối tác thì vấn đề quản trị nguồn nhân sự là rất quan trọng. Rất nhiều startup đã không thành công do không giải quyết được vấn đề này.

Chia sẻ về cách quản trị nhân sự, ông Dũng cho rằng, trong giai đoạn công nghệ số, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định được đội ngũ nhân sự từ vạch xuất phát, có những hành động cụ thể về nuôi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự.

Còn theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, để thu hút và giữ chân người tài, lãnh đạo startup phải có tâm, có tầm. Ở CMC, ban lãnh đạo có quan điểm thế giới mở nên văn phòng mở và tư duy cũng phải mở. Do đó, CMC giữ chân người tài bằng cách đề cao tính cá nhân, qua đó kích thích sáng tạo, phát huy quyền tự do suy nghĩ, quyền biểu đạt ở mức cao nhất.

Theo đó, CMC đã từ xuất phát điểm chỉ là một siêu thị bán lẻ máy tính ở phố Hàm Long, theo mô hình của Trần Anh hay Thegioididong hồi năm 1998, đến nay đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu ở Việt Nam.

Theo Chủ tịch CMC, để có một hành trình khởi nghiệp suôn sẻ và thuận lợi, ngoài tiềm lực kinh tế và trình độ, công nghệ sản xuất... các startup cũng rất cần chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức về quản trị nhân sự; tích lũy kinh nghiệm từ các tình huống thực tế cũng như biết vận dụng cách thức quản lý sao cho linh hoạt và hiệu quả.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/startup-viet-khat-nguoi-tai-1578798324993.htm