Sơn La: Không để tà đạo chia cách lòng dân

Lấy dân làm điểm tựa và trở thành điểm tựa của lòng dân – đó là phương châm mà Công an Sơn La đồng lòng thực hiện, để xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc, vận động quần chúng góp sức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược, trọng yếu phía Tây Bắc của Tổ quốc. Điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều... những năm qua, ở Sơn La nổi lên một số hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp.

Công an Sơn La thực hiện "3 bám, 4 cùng, 5 có", vận động nhân dân từ bỏ tà đạo "Bà cô Dợ"

Lấy dân làm điểm tựa và trở thành điểm tựa của lòng dân – đó là phương châm mà Công an Sơn La đồng lòng thực hiện, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, vận động quần chúng góp sức bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và gắn kết, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.

Loạt bài “Điểm tựa lòng dân” gồm 3 kỳ của nhóm phóng viên VOV Tây Bắc đề cập những cách làm hay, kinh nghiệm của Công an Sơn La trong công tác “dân vận”, làm sao để dân hiểu, dân tin và nghe theo, cùng chung tay với lực lượng công an bảo vệ, dựng xây và phát triển vùng phên dậu cực Tây của Tổ quốc.

Bài 1: Không để tà đạo chia cách lòng dân

Lợi dụng đời sống của bà con người Mông ở các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều… Vừ Thị Dợ, đối tượng cầm đầu đã tuyên truyền về tà đạo “Bà cô Dợ”, dưới hình thức biến tướng của tôn giáo. Mục đích của đối tượng là lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của quần chúng để phát triển lực lượng; tuyên truyền các nội dung chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, kêu gọi thành lập “Nhà nước riêng”…

Từng là một trong những địa bàn phức tạp về hoạt động của tà đạo “Bà cô Dợ”, đến nay, tỉnh Sơn La đã xóa bỏ hoàn toàn tổ chức này trên địa bàn; tất cả các trường hợp từng tham gia đã ký cam kết đã từ bỏ tổ chức này. Các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an Sơn La xác định công tác vận động quần chúng là một trong những biện pháp công tác gốc rễ trong bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, cũng như trong đấu tranh với tà đạo “Bà cô Dợ”.

Phía sau chiếc mặt nạ “Bà cô Dợ”

Ngỡ ngàng, hoang mang, bức xúc... đó là những cảm xúc của người thân, gia đình khi biết chị Mùa Thị S, ở bản Phát Nam, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn (Sơn La) tham gia Tà đạo Bà Cô Dợ.

Anh Giàng A Dơ, chú của chị Mùa Thị S kể lại: "Gia đình có bữa cơm hoặc công việc cháu cứ trốn tránh, lánh đi, không tham gia với gia đình nữa, rất khác thường. Trong giờ học đạo là đóng cửa, anh em trong nhà gọi không thưa. Gia đình rất là bức xúc, nhiều lần động viên nhưng cháu không hiểu..."

Những thay đổi trong suy nghĩ, hành động của chị Mùa Thị S đã khiến cuộc sống gia đình ít nhiều bị xáo trộn. Đó cũng là điều mà Giàng A Dếnh, con trai của chị nhận ra. "Khoảng thời gian mẹ theo tà đạo ảnh hưởng đến công việc của mẹ, đến tâm lý của cả bố mẹ, khoảng thời gian gần như mà không quan tâm đến nhau nữa..." - Dếnh nói.

Đạo Bà Cô Dợ do Vừ Thị Dợ, sinh năm 1977, người Mông, gốc Lào, quốc tịch Mỹ, hiện đang sinh sống tại bang Wiscosin, Mỹ lập ra và làm Hội trưởng từ cuối năm 2016.

Không có hiến chương, điều lệ rõ ràng, Đạo “Bà cô Dợ” chỉ “cóp nhặt”, trích dẫn, xuyên tạc Kinh thánh Tân ước, Cựu ước của đạo Tin lành để sinh hoạt và truyền đạo trái phép; khẳng định đạo “Bà Cô Dợ” là tôn giáo chính thống của người Mông... Nhưng, theo pháp luật Việt Nam “Bà cô Dợ” không phải là một tôn giáo.

Gỡ “nút thắt” lòng dân

Những ngày tháng khó khăn trong câu chuyện của gia đình chị Mùa Thị S đang dần qua đi, khi chiếc “mặt nạ” của tà đạo “Bà cô Dợ” dần được bóc gỡ. Đặc biệt là sau một hành trình dài thực hiện phong trào “3 bám, 4 cùng, 5 có” của lực lượng Công an Sơn La.

Các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên về cơ sở để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con

Con đường đến nhà chị Mùa Thị S dường như đã quen thuộc với các cán bộ, chiến sĩ công an từ tỉnh, huyện đến xã. Trong lao động thường ngày hay khi có việc lớn, nhỏ, gia đình chị S luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các cán bộ, chiến sĩ. Có lẽ từ đó mà thêm gần gũi, sẻ chia, thấu hiểu và dần tháo gỡ những “nút thắt” trong lòng...

Trung úy Sồng A Vừ, Công an xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La chia sẻ, qua nắm bắt tâm tư, được biết chị S nghe theo lời dụ dỗ rằng theo “Bà cô Dợ” sẽ được “lên thiên đàng”, hoặc có khó khăn gì thì bà sẽ giúp đỡ; mà gia đình chị S lại đang khó khăn, nên chị đã tin vào những điều ấy...

"Thuận lợi là tôi cũng là người Mông, cùng dân tộc thì cũng dễ gần gũi, dễ nói chuyện hơn. Chị S cũng không biết nhiều tiếng phổ thông nên tôi dùng ngôn ngữ dân tộc mình để nói chuyện, giải thích cho chị hiểu. Chúng tôi đã tìm hiểu điểm mấu chốt khiến chị S tin và theo tà đạo để tuyên truyền, vận động." - Anh Vừ cho biết.

Theo ông Tòng Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, điều khó khăn nhất và quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân hiểu được, vì nhận thức của bà con về tà đạo “Bà cô Dợ” chưa đúng nên mới tham gia và chìm sâu: "Phải nói là sự vào cuộc của các ban, ngành, đặc biệt là công an các cấp rất quyết liệt. Riêng xã đã giao cho 1 đồng chí công an chính quy của xã cùng với các lực lượng... thường xuyên thăm hỏi, động viên, gần như thăm người thân để vận động từ bỏ."

Thời gian gần đây, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Mùa Thị S đã dần ấm áp trở lại, với những bữa cơm quây quần, tiếng nói cười rộn rã, và những niềm vui giản dị...

Giàng A Dếnh, con trai chị S xúc động nói: "May mắn có sự quan tâm của các chú, các bác, đã động viên mẹ. Hiện tại thì tình cảm của gia đình đi lên rất nhiều. Các chú công an cũng đã dặn dò, tôi sẽ cố gắng cùng mọi người động viên mẹ."

Gia đình từng theo tà đạo "Bà cô Dợ" đã ký cam kết từ bỏ tổ chức này.

Hiện, chị Mùa Thị S. đã nhận thức được việc mình tham gia tà đạo “Bà cô Dợ” là sai và cam kết với cấp ủy, chính quyền địa phương từ bỏ tổ chức này. Tuy nhiên, lực lượng công an cho rằng, để chị S từ bỏ dứt điểm cũng cần có thời gian, bởi vì tà đạo đã ăn sâu vào tư tưởng của người tham gia. Do vậy lực lượng công an các cấp đang tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, tổ chức các biện pháp công tác để nắm tình hình, cùng với cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động.

Trung tá Lừ Văn Sáng, Phó Trưởng Công an huyện Mai Sơn cho biết, Công an huyện nhận định được rằng đây nằm trong âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi của các thế lực thù địch. Trong đó đặc biệt là họ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, nhận thức chưa đúng đắn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, công tác vận động quần chúng được Công an huyện ưu tiên hàng đầu.

"Chúng tôi đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường bám, nắm địa bàn, tham mưu với huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo tôn giáo huyện chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác dân vận, nắm bắt tâm tư nguyện vọng tư tưởng của nhân dân. Từ đó, có những biện pháp tác động, phân tích, vạch trần các âm mưu, ý đồ của các thế lực xấu, thông qua việc lợi dụng tà đạo “Bà cô Dợ” để tuyên truyền lôi kéo bà con, tập hợp lực lượng để thành lập nhà nước riêng của người Mông." - Trung tá Lừ Văn Sáng cho biết.

Lãnh đạo Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sơn La và lãnh đạo Công an huyện Mai Sơn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu của lực lượng Công an, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tuyên truyền, vận động, đấu tranh trực diện và tấn công chính trị với các đối tượng tham gia tổ chức “Bà cô Dợ”. Đến nay đã xóa bỏ hoàn toàn tổ chức này trên địa bàn; 5 hộ, 40 khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La đã kí cam kết không theo tổ chức “Bà cô Dợ”.

Trung tá Trần Tuấn Anh, Phó trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sơn La cho biết: "Đây là một cuộc đấu trí giữa lực lượng công an với những người theo tà đạo “Bà cô Dợ”. Để có thể thành công, không thể trong ngày một ngày hai, mà là cả quá trình. Chúng tôi phải tìm hiểu rất nhiều vấn đề, kết tụ lại trong một phong trào rất có ý nghĩa mà chúng tôi triển khai hiệu quả trong nhiều năm nay đó là phong trào thi đua “3 bám, 4 cùng, 5 có”. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và thấu hiểu nhân dân, chủ động, trách nhiệm, tích cực tham mưu và áp dụng các biện pháp của lực lượng."

Dựa vào dân đẩy lùi tà đạo

Dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân là một trong những bí quyết đấu tranh với tà đạo "Bà cô Dợ", đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia của Công an Sơn La.

Theo lực lượng công an, trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ tà đạo "Bà cô Dợ", sự ủng hộ từ chính những người thân trong gia đình, dòng họ có ý nghĩa rất lớn. Đồng thời, cần phát huy vai trò của những già làng, trưởng bản, người có uy tín ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự ủng hộ, giúp đỡ từ gia đình, người thân của những người theo tà đạo có ý nghĩa rất lớn với lực lượng công an.

Minh chứng ở xã biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Sơn La, nơi từng có hàng chục người dân bản Huổi Luông theo tà đạo “Bà cô Dợ”, thế nhưng người dân bản Sam Quảng trong xã bao năm nay luôn giữ vững địa bàn, không để đạo lạ xâm nhập.

Ông Giàng Chứ Măng, già làng, người có uy tín ở bản Sam Quảng, xã Mường Lèo chia sẻ: "Hơn 30 năm nay, trong bản không xảy ra vấn đề gì lớn, bà con không ai theo đạo lạ, cùng nhau xây dựng làng bản tiến bộ. Tôi luôn vận động bà con bảo vệ đường biên mốc giới, chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước."

Bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Sơn La - nơi từng có hàng chục người dân theo tà đạo "Bà cô Dợ"

Họ đã đi trước, làm trước, cùng với các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe, không theo và tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Ông Tráng A Chơ, người có uy tín bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La chia sẻ: "Riêng bản này bà con rất tin tưởng và nghe theo lời của già làng, người có uy tín. Cả 4 dòng họ trong bản này thì không có con cháu nhà ai nghe và tin theo đạo lạ. Bà con thực hiện nếp sống mới, chung tay xây dựng bản làng tươi đẹp đón khách du lịch."

Lực lượng công an các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trung tá Trần Tuấn Anh, Phó trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sơn La cho biết: Cần có nhiều giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của những người có uy tín, già làng, trưởng bản, người có chức sắc trong các tôn giáo; góp phần giúp lực lượng công an trong quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

"Chúng tôi kiến nghị các cấp quan tâm tập huấn cho họ kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Vì trên thực tế có những việc rất nhỏ từ cơ sở, nhưng nếu không được giải quyết thì nó sẽ tích tụ và sẽ trở thành những vấn đề lớn, khó giải quyết và phải giải quyết trong thời gian dài. Nếu người có uy tín, già làng, trưởng bản có thể nhận diện và giải quyết ngay thì sẽ có ý nghĩa rất lớn..." - Trung tá Trần Tuấn Anh nói.

Với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động, những "nút thắt" trong lòng được tháo gỡ, nhân dân đã từ bỏ tà đạo...

Sức mạnh từ nhân dân đã trở thành nguồn lực lớn để giúp Công an Sơn La gỡ “mặt nạ” của tà đạo “Bà cô Dợ” cũng như đấu tranh với những luận điệu sai trái, tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, phản động... Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực không quản khó khăn tuyên truyền, vận động, xây dựng “thế trận lòng dân” của các cán bộ, chiến sĩ.

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La nhấn mạnh: "Công an để dân tin quan trọng là phải gần gũi với dân, điều gì dân chưa hiểu mình phải có phương pháp cụ thể, kể cả tư vấn về phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, để đảm bảo cuộc sống cho người dân, để cho dân thực sự gắn bó với lực lượng công an, cảnh giác các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, đặc biệt là ở tuyến biên giới..."

Lòng tin yêu của nhân dân là “thắng lợi” đầy tự hào và cũng là điểm tựa đặc biệt để Công an Sơn La hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

"Thế trận lòng dân” cũng được Công an Sơn La xây dựng, củng cố vững chắc để đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma túy, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy; cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng... Đó là nội dung của bài 2 trong loạt bài “Điểm tựa lòng dân” với nhan đề “Huy động sức dân đẩy lùi ma túy”.

Nhóm Phóng viên - VOV Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/son-la-khong-de-ta-dao-chia-cach-long-dan-post1048720.vov