Sớm xây dựng phần mềm thực hiện quy trình liên thông

Một trong các đề xuất của nhiều địa phương đưa ra là các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng phần mềm thực hiện quy trình liên thông: đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Nếu quy trình này được liên thông (với 6 thủ tục hành chính) sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025.

Theo Văn bản số 3381/VPCP-KSTT ngày 1.6.2022 về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Văn bản số 3502/VPCP-KSTT ngày 6.6.2022 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển quy trình liên thông điện tử, thì trên cơ sở quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí (quy trình liên thông điện tử) do Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng, Bộ Công an được giao nhiệm vụ khẩn trương xây dựng phần mềm liên thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện triển khai thí điểm ở quy mô phù hợp để hoàn thiện trước khi triển khai quy mô toàn quốc bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Trên cơ sở các văn bản này, Bộ Công an đã họp thống nhất về nghiệp vụ và kỹ thuật để xây dựng phần mềm thực hiện quy trình liên thông điện tử với các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, tại Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 9.7.2022 của Chính phủ về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2022, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tư pháp, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng phần mềm dịch vụ cổng liên thông các thủ tục trên; triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 4.8.2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án liên thông thực hiện các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Ngày 8.10.2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1380/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

Như vậy, 2 nhóm thủ tục (đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí) đã được thực hiện liên thông theo nhóm từ năm 2014 và đã nhận được những kết quả đáng khích lệ, nhất là nhóm thủ tục đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế, đăng ký thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi. Vấn đề còn lại vẫn là việc chia sẻ, kết nối giữa các bộ, ngành liên quan (Bộ Tư pháp; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm Xã hội...) từ đó thống nhất các phương án kỹ thuật, phần mềm; đồng thời cần tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc phát sinh từ quá trình liên thông các nhóm thủ tục để vừa tạo điều kiện hơn nữa cho người dân, vừa không thêm quy trình cho cán bộ thụ lý cấp cơ sở.

Nguyễn Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/som-xay-dung-phan-mem-thuc-hien-quy-trinh-lien-thong-i298367/