Sớm về đích 8 triệu lượt khách quốc tế, du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi để bứt phá

Với việc sớm hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2023 khi mùa 'cao điểm' đón khách du lịch quốc tế còn chưa bắt đầu, du lịch Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng đón khách quốc tế giai đoạn cao điểm

Theo Cục Du lịch Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón trên 7,8 triệu khách quốc tế, phục vụ 86 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 482 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 đến thời điểm này coi như đã hoàn thành dù du lịch Việt Nam chưa bước bao thời kỳ "cao điểm" đón khách quốc tế.

Bước vào mùa du lịch quốc tế trong năm, cùng với những chính sách rất cởi mở, thông thoáng của Chính phủ, Quốc hội về tạo điều kiện cho khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian qua, sẽ là đòn bẩy để thu hút khách quốc tế, đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Đông đảo du khách nước ngoài đến Hà Nội trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), với tình hình khả quan như hiện nay, Việt Nam có thể nâng mục tiêu đón khách du lịch quốc tế lên ít nhất đón 10 - 12 triệu lượt khách trong năm 2023, mức tăng tương ứng với các nước trong khu vực.

Đầu năm 2023, Thái Lan đã tăng mục tiêu đón khách quốc tế từ 10 triệu lượt lên 30 triệu lượt khi nhìn thấy các điều kiện thuận lợi, Indonesia cũng có điều chỉnh tương tự khi nhận thấy số liệu dự báo đầu năm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, du lịch Việt Nam cũng có thể đặt mục tiêu cao hơn trong những tháng cuối năm.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc sớm hoàn thành mục tiêu đón khách du lịch quốc tế là kết quả của những nỗ lực xúc tiến, quảng bá của toàn ngành du lịch trong suốt thời gian qua.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, thời điểm "cao điểm" của khách du lịch quốc tế là vào tháng 10 đến tháng 4 năm sau, tuy nhiên trong thời gian qua, cùng nỗ lực mở cửa cũng như công tác xúc tiến, kết nối lại thị trường của các doanh nghiệp, lượng khách du lịch đến Việt Nam ngay ở thời điểm "thấp điểm" vẫn được duy trì và tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Điều này thể hiện hình ảnh, điểm đến cũng như công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, song song với đó các sản phẩm du lịch cũng đã được cải thiện phù hợp hơn với nhu cầu của các thị trường khách mục tiêu.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nhấn mạnh, chuẩn bị bước vào thời gian "cao điểm" khách quốc tế, các doanh nghiệp du lịch cần có sự chuẩn bị kịp thời, kỹ lưỡng để thu hút khách du lịch, đặc biệt là nâng cao công tác quảng bá.

"Đối với thị trường khách châu Âu, đây là thị trường khách có tốc độ tăng trưởng rất ổn định và là đối tượng khách du lịch có nhiều kinh nghiệm, thông thường họ sẽ đi du lịch đúng vào mùa "cao điểm" hằng năm. Và để đón được luồng khách này, các doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới và đẩy nhanh công tác xúc tiến quảng bá tới thị trường khách mục tiêu, đặc biệt là tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế lớn cũng như các hội chợ chuyên ngành", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Phát triển các sản phẩm du lịch

Về việc phát triển các sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, du lịch đêm là xu hướng du lịch rất thành công ở nhiều quốc gia nhưng đang còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, từ nay đến năm 2025, sẽ phát triển thí điểm du lịch đêm ở 12 địa phương trọng điểm du lịch của cả nước, theo hướng mỗi địa phương sẽ căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của mình để xây dựng sản phẩm mang nét đặc trưng riêng. Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung phát triển ở các trung tâm du lịch lớn của cả nước thành các tổ hợp dịch vụ mang tính chất của ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các hoạt động du lịch đêm có cơ hội phát triển, cùng với đó phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, muốn du lịch nước ta hấp dẫn hơn, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, tạo sức hút mạnh mẽ với khách quốc tế cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh.

Trong đó, phải có sự thay đổi tích cực trong sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch cũng cần phải được nghiên cứu để thay đổi, thích ứng. Đồng thời, phải chú trọng công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho du lịch.

Bên cạnh đó, thay đổi phương cách xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng một bài bản, chuyên nghiệp hơn, đi vào các nhánh phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Việc quản lý điểm đến, nhất là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng kiến nghị phải làm mới thương hiệu du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch phải luôn thay đổi, phù hợp với những giai đoạn nhất định.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ VHTTDL đang rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 để phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/som-ve-dich-8-trieu-luot-khach-quoc-te-du-lich-viet-nam-co-nhieu-thuan-loi-de-but-pha-20230926163250959.htm