Sớm sửa đổi Quy chế Phối hợp giữa Thanh tra và Kiểm toán

Nhằm xử lý tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, ngày 13/11, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã có buổi làm việc với các cục, vụ đơn vị Thanh tra Chính phủ (TTCP) về kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán. Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đều cho rằng, cần sớm sửa đổi Quy chế Phối hợp giữa Thanh tra và Kiểm toán.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

Theo báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán, hiện nay các quy định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công.

Hoạt động của kiểm toán là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.

Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá và xử lý theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hoạt động thanh tra còn xác định rõ tính chất, nguyên nhân mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; đưa ra các biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị biện pháp xử lý.

Tuy nhiên, với nội dung kiểm toán quy định trong Luật Kiểm toán quá rộng, dẫn tới môt số cuộc kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đang có sự giao thoa với nội dung thanh tra chuyên ngành và nhiều bộ, ngành.

Nhiều quy định của pháp luật về chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền giữa KTNN và TTCP vẫn còn có những bất cập, chưa phân định rõ ràng ranh giới về thẩm quyền của hai cơ quan này như: Văn bản Quyết định 02/2017/QĐ-KTNN ban hành quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình thì hầu hết quy trình kiểm toán trùng lắp với quy trình một đoàn thanh tra chuyên ngành xây dựng hoặc đoàn thanh tra toàn diện đối với một dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Hay như tại Quyết định 204/QĐ-KTNN về việc ban hành đề cương hướng dẫn kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị, trong đó nội dung kiểm toán bao gồm cả các nội dung liên quan đến quy hoạch, xây dựng như: Cơ sở thẩm định phê duyệt quy hoạch kiến trúc các dự án cấp tỉnh phê duyệt, việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập thẩm định, thẩm quyền phê duyệt... là những nội dung không thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý Nhà nước của cơ quan kiểm toán, chồng chéo với thanh tra chuyên ngành xây dựng.

Mặt khác, thanh tra và kiểm toán cũng trùng lắp về đối tượng, đó là doanh nghiệp Nhà nước.

Kế hoạch của KTNN thường không nêu rõ chi tiết đối tượng được kiểm toán, chỉ nêu bộ ngành, địa phương được kiểm toán. Bên cạnh đó một số cuộc thanh ra cũng chưa nêu rõ đối tượng được thanh tra...

Qua rà soát cũng cho thấy, pháp luật KTNN hiện nay chưa có quy định rõ ràng trong việc xử lý trình trạng chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian kiểm toán và chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra.

Để khắc phục tình trạng này, TTCP và KTNN đã ban hành Quy chế Phối hợp ngày 10/3/2013, trong đó quy định cụ thể về phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra; phối hợp xử lý trùng lặp về đơn vị được kiểm toán, đối tượng thanh tra, việc sử dụng kết quả kiểm toán, thanh tra...

Điểm hạn chế của quy chế này mới chỉ dừng lại ở quy định về trách nhiệm của 2 cơ quan trong việc phối hợp thống nhất phương án xử lý mà chưa đưa ra được nguyên tắc xử lý, phương thức xử lý cụ thể trong những trường hợp xảy ra chồng chéo, trùng lắp.

Hoạt động thanh tra và kiểm toán vẫn còn những chồng chéo, trùng lặp; sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra với KTNN, nhất là ở địa phương; việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan có liên quan chưa thực sự quyết liệt; thiếu chủ động, thường xuyên và chưa hiệu quả, nhất là trong xây dựng thực hiện kế hoạch thanh tra nhằm hạn chế chồng chéo, trùng lắp; các quy định hiện hành về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán hiện nay còn chưa đầy đủ, chưa xử lý được triệt để tình trạng chồng chéo và những vướng mắc trong thực tiễn, chưa xác định được trách nhiệm cụ thể của các cơ quan khi để xảy ra chồng chéo, trùng lặp...

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho rằng, để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra và kiểm toán, trước mắt cần sửa đổi Quy chế Phối hợp; khắc phục kịp thời một số bất cập hiện nay như: Sửa đổi về thời điểm gửi dự kiến kế hoạch kiểm toán và kế hoạch thanh tra giữa 2 cơ quan để trao đổi ý kiến cho phù hợp; bổ sung quy định cụ thể về cách thức xử lý khi xảy ra sự chồng chéo trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của TTCP, kế hoạch kiểm toán năm của KTNN; quy định cụ thể việc kế thừa kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán của các đoàn thanh tra, kiểm toán trước đã làm; bổ sung quy định xử lý trong trường hợp xảy ra chồng chéo giữa KTNN và thanh tra bộ ngành, địa phương; xây dựng các quy chế phối hợp giữa kiểm toán khu vực với thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Về lâu dài, cần sửa đổi đồng thời 2 luật là Luật KTNN và Luật Thanh tra, trong đó có những quy định phân định rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra và KTNN. Đối với kiểm soát tài sản công KTNN làm thì thanh tra không làm; hoặc KTNN chỉ tập trung vào kiểm tra báo cáo tài chính.

Đồng thời, cần quy định rõ các nguyên tắc cơ bản trong việc xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán: Nếu có sự chồng chéo, trùng lặp thời gian, đối tượng thì trường hợp nào dừng lại, trường hợp nào được tiếp tục làm; nếu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, nội dung thì quy định rõ việc kế thừa, nội dung kế thừa, trách nhiệm của cơ quan ban hành kết luận và cơ quan kế thừa kết luận (để hạn chế việc phải xem xét, kiểm tra lại các nội dung đã có kết luận chính thức của cơ quan thanh tra, kiểm toán trước đó nên quy định cơ quan quan thanh tra, kiểm toán đã có kết luận phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của kết luận đó); khi có chồng chéo, trùng lặp quy định rõ thẩm quyền (cơ quan nào sẽ tiếp tục làm, cơ quan nào có thẩm quyền xử lý...).

Nếu giữ nguyên 2 luật thì KTNN phải đi trước mấy tháng và xây dựng kế hoạch còn lại thì thanh tra sẽ làm...

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/som-sua-doi-quy-che-phoi-hop-giua-thanh-tra-va-kiem-toan_t114c1059n141144