Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam

Bộ Y tế đã nhiều lần có văn bản chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ với quan điểm nhất quán là không vì mục đích kinh tế mà cho phép sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Giới chuyên gia nhìn nhận, trước mắt khi chưa có đủ điều kiện thì chưa cho phép sản phẩm thuốc lá mới được sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu vào Việt Nam.

Thuộc top 15 quốc gia có người hút thuốc lá cao nhất thế giới

Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành và trong thanh thiếu niên giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 42,3% vào năm 2020.

Tuy vậy, Bộ Y tế cho biết, nước ta vẫn nằm trong số 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong mỗi năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện kịp thời.

Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… WHO cảnh báo đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe; đồng thời cũng chưa có bằng chứng thuốc lá điện tử giúp cai thuốc. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới này ở nước ta hiện rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Hút thuốc lá ngày càng gia tăng ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Nguồn: ITN

Hút thuốc lá ngày càng gia tăng ở giới trẻ, học sinh, sinh viên. Nguồn: ITN

Nhận diện đúng để quản lý

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sau nhiều năm đã tồn tại một số bất cập. Theo đó, thời điểm Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì trên thị trường của Việt Nam chưa có các sản phẩm thuốc lá mới này và tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này hầu như chưa có ý nghĩa thống kê và chưa thống kê được tỷ lệ sử dụng vào thời điểm đó. Do đó, Luật Phòng, chống tại của thuốc lá cũng chưa hề quy định khái niệm dành cho hai sản phẩm thuốc lá mới điển hình vào thời điểm hiện nay là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một sản phẩm gây nghiện độc hại và là một nhóm sản phẩm mới. Do đó, theo bà Trần Thị Trang, để có được các cơ chế pháp lý đối với sản phẩm này chúng ta phải nhận diện và có quan điểm rõ ràng đối với sản phẩm. Nếu như những sản phẩm có hại thì đầu tiên không thể thí điểm một sản phẩm có hại cho sức khỏe đối với người dân và thanh thiếu niên.

Còn đối với một số quan điểm cần có cơ chế pháp lý đối với sản phẩm này, cấm hay áp dụng luật thì lại phụ thuộc vào một số cơ sở. Cụ thể, có cần thiết đến mức phải cho các sản phẩm thuốc lá mới vào sử dụng tại Việt Nam khi mà tác hại cũng như nguy cơ sức khỏe và đặc biệt là làm tăng tỷ lệ tiêu thụ ở thanh, thiếu niên và trẻ em hay không.

Mặt khác, phải đặt lên bàn cân về khía cạnh kinh tế là khi đưa sản phẩm này vào, phải đánh thuế ở mức nào? Cùng với đó là tác hại và hệ lụy về mặt xã hội khi thời gian vừa qua, trẻ em cũng bị ngộ độc bởi thuốc lá điện tử. Ít nhất dưới khía cạnh sức khỏe, rõ ràng cần phải được ưu tiên, trong khi nỗ lực phòng, chống lại thuốc lá thông thường của nước ta chưa đạt được. "Trong 10 năm vừa qua, nước ta mới giảm được khoảng 5% thì thuốc lá điện tử đã làm tăng lên 3,6%", Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Trần Thị Trang cho hay.

Việt Nam nằm trong số 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Nguồn: ITN

Việt Nam nằm trong số 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Nguồn: ITN

Không đánh đổi sức khỏe vì mục đích kinh tế

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Nho Huy đề xuất, để ngăn chặn thuốc lá điện tử, cần phải kiểm soát chặt chẽ được nguồn cung. Theo quy định của pháp luật thì sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn chưa được phép tại Việt Nam. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập lậu từ nước ngoài, để học sinh, sinh viên cũng như giới trẻ không thể dễ dàng mua thuốc lá điện tử như là thuốc lá truyền thống. Sẽ rất khó khăn nếu nhà trường gắng sức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhưng các em lại có thể mua và sử dụng sản phẩm rất dễ dàng ở ngoài cổng trường.

Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với quan điểm của Bộ Y tế, đó là ủng hộ việc không vì mục đích kinh tế hay những mục đích khác mà cho phép sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ở tại Việt Nam. Bởi loại thuốc này rất có nguy hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần và các mặt khác của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhìn nhận, để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ cần có những biện pháp mạnh mẽ. Một là, thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm thuốc lá, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên. Hai là, cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi. Ba là, tăng cường thực thi các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ dưới mọi hình thức. Bốn là, tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng ngày càng gia tăng thuốc lá điện tử. Năm là, theo dõi và giám sát việc sử dụng thuốc lá thông qua các công cụ điều tra giám sát số liệu.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/som-hoan-thien-khung-phap-ly-cho-cac-san-pham-thuoc-la-moi-tai-viet-nam-i313180/