'Soi' máy đo thân nhiệt cả tỷ đồng lắp đặt ở khắp các sân bay Việt Nam
Khi hành khách đi ngang qua máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay, nếu có nhiệt độ cao hơn bình thường thì máy sẽ phát ra tín hiệu báo động (đèn đỏ)...
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi do virus corona gây ra và chủ động trong phòng chống dịch bệnh, ngày ngày 1/2, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh này đã đồng ý mua một máy đo thân nhiệt đặt ở sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) trị giá 1 tỷ đồng để theo dõi, đo thân nhiệt các hành khách khi xuống sân bay này.
Theo ông Hai, trong thời gian sớm nhất, máy đo thân nhiệt sẽ được vận chuyển đến sân bay Chu Lai.
Trước đó, cũng nhằm tăng cường phòng chống dịch viêm phổi do virus corona, tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đã lắp đặt thêm 3 máy đo thân nhiệt từ xa bằng hồng ngoại ở khu vực xuất và nhập cảnh với khách nước ngoài.
Trong khi, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) mới chỉ hai máy đo thân nhiệt được bố trí ở cửa vào khu vực nhập cảnh của nhà ga quốc tế T2. Riêng ở nhà ga T1, hiện chưa bố trí máy đo thân nhiệt do chỉ phục vụ khách nội địa. Tuy nhiên, đại diện Cảng hàng không Nội Bài cho biết sẽ sớm bố trí phòng cách ly ở nhà ga T1.
Tại ga quốc ngoại của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), do lượng du khách từ nhiều nước đổ về hỗn tạp, nhà ga đã trang bị hai máy đo thân nhiệt. Trong ca trực của mình, nhân viên làm việc tại đây không rời mắt khỏi máy đo thân nhiệt để kiểm tra nhiệt độ của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo tìm hiểu của PV, các máy đo thân nhiệt được đặt ở khắp các sân bay Việt Nam có giá cả tỷ đồng chủ yếu sử dụng công nghệ đo hồng ngoại; độ nhạy nhiệt 0.05oC; dải đo nhiệt độ -20 đến 50oC…
Khi hành khách đi ngang qua máy, nếu có nhiệt độ cao hơn bình thường (tức thân nhiệt trên 38 độ C) thì máy sẽ phát ra tín hiệu báo động (đèn đỏ), từ đó ngành chức năng sẽ kiểm tra sâu hơn về sức khỏe để đảm bảo an toàn.
Đối với những hành khách có thân nhiệt bình thường, máy sẽ hiển thị màu xanh, không phát tín báo động.
Theo các cơ quan chức năng, corona là chủng virus chưa từng biết đến gây bệnh hô hấp, hiện chưa có phác đồ điều trị và chưa có vắc xin phòng ngừa. Virus corona đã khởi phát từ ngày 31/12/2019 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lây lan đến Hong Kong, Đài Loan và các quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines...
Đến rạng sáng ngày 31/1/2020 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới từ Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC). WHO xác định tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu như vậy là một "sự kiện khác thường", được đánh giá "nghiêm trọng, không mong đợi".