Sóc Trăng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Qua 3 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân từng bước nâng lên…

Những kết quả tích cực

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương đúng theo quy định và phù hợp điều kiện thực tế, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp. Đặc biệt là việc triển khai 6 chương trình chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã huy động hơn 8.300 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp chiếm từ 3 - 5%; vốn lồng ghép và vốn tín dụng chiếm 35 - 45%. Các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện xây dựng nông thôn mới được quan tâm ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tổng thể tiến trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn đang phát triển đúng định hướng trong giai đoạn hiện tại là “toàn diện, nâng cao và bền vững”.

Trong 3 năm, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496m với tổng kinh phí trên 351 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 96% đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 83% đường ngõ, xóm sạch, 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Có 4.846 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng đã được bàn giao cho hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn.

Đoàn công tác tỉnh Sóc Trăng khảo sát tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Châu Thành. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Đoàn công tác tỉnh Sóc Trăng khảo sát tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Châu Thành. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường, dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển. Chất lượng hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. Nhiều phong trào được kế thừa, bổ sung và phát triển, như: “Dân vận khéo” của ban dân vận; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch” của hội liên hiệp phụ nữ; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” của hội nông dân, “Tuổi trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ Nhật xanh” của đoàn thanh niên; “Cựu chiến binh Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” của hội cựu chiến binh, “Tuổi cao gương sáng” của hội người cao tuổi…

Khẳng định thêm những chuyển biến tích cực từ chương trình, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Nhìn tổng thể, tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh 3 năm qua đã vượt qua bối cảnh khó khăn chung, cơ bản duy trì được môi trường triển khai thông suốt từ tỉnh đến cơ sở theo đúng định hướng toàn diện, nâng cao và bền vững. Qua 3 năm thực hiện chương trình, nhận thức, tư duy của người dân có nhiều thay đổi, tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn, kinh tế nông thôn đến nay có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hằng năm. Cụ thể là đến cuối năm 2022 đạt hơn 45,6 triệu đồng/người/năm,tăng gấp 3 lần so năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2% mỗi năm, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3% mỗi năm. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện còn 15.139 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54% tổng số hộ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên”.

Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Trên nền tảng đoàn kết, trách nhiệm, tập trung của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (số tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân là 18,53 tiêu chí/xã), 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn huyện nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên; phấn đấu cuối năm 2023, có thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới là Châu Thành và Cù Lao Dung.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, hạn chế. Kết quả chương trình còn có sự chênh lệch giữa các địa phương, các lĩnh vực, còn nhiều chỉ tiêu đạt thấp, một số tiêu chí đã được công nhận đạt chuẩn nhưng thiếu tính bền vững. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Kinh tế nông thôn có phát triển nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp. Vấn đề ô nhiễm môi trường trên các kênh, rạch có chiều hướng gia tăng, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế...

 Phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phân tích kỹ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về cơ chế, chính sách thực hiện tiêu chí trong lĩnh vực môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, quan tâm đến khó khăn mang tính đặc thù của từng ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương cùng đề xuất các giải pháp, định hướng khắc phục, tháo gỡ.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, phát huy mọi nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường, phổ biến các mô hình, sáng kiến, triển khai các hoạt động hướng về môi trường, triển khai các đề án quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải trong sản xuất, sinh hoạt… Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh xác định phát triển nông nghiệp du lịch là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Theo đó, cần phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, chủ đạo của từng địa phương. Sản phẩm du lịch phải gắn với Chương trình OCOP, tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh cao dựa trên thế mạnh nông nghiệp…

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nói rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển nông thôn toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, bảo đảm hoàn thành tốt nhất mục tiêu “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng phải quán triệt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, phải huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình phải huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo không chồng chéo, không lãng phí, không chạy theo chỉ tiêu, thành tích…

Đồng chí Trần Văn Lâu chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Qua hơn 10 năm triển khai, nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về xây dựng nông thôn mới đã chuyển biến rõ rệt, người dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia, hưởng ứng chương trình, tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh. Với sự quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục gặt hái những thành công mới, thắng lợi mới”.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xay-dung-nong-thon-moi/soc-trang-chung-suc-dong-long-xay-dung-nong-thon-moi-68149.html