Sở VHTT&DL Đồng Nai nói gì về cuộc thi Miss Eco Teen Vietnam 2023?
Thông tin về cuộc thi Hoa hậu sinh thái Thiếu niên Việt Nam 2023, thí sinh từ 14-19 tuổi có thể dự thi xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.
Độ tuổi và danh hiệu “hoa hậu” của thiếu niên không thuộc nội dung bị cấm?
Ngày 13/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng ký ban hành văn bản số: 3484/UBND-KGVX, chấp thuận cho Công ty TNHH giải trí Huyền Diệu - Bellalove tổ chức cuộc thi “Hoa hậu sinh thái thiếu niên Việt Nam 2023”, tên tiếng Anh là "Miss Eco Teen Vietnam 2023", theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai (VHTT&DL), tại tờ trình số 852/TTr-SVHTTDL, ngày 6/4.
Theo đó, vòng thi tuyển online dự kiến từ 1/4 - 31/5, vòng chung kết dự kiến tháng 6/2023. Địa điểm tổ chức đêm chung kết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Nhiều bạn đọc sau đó có phản ánh về việc UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cuộc thi sắc đẹp cho lứa tuổi vị thành niên, nội dung cuộc thi có phần trình diễn trang phục áo tắm (bikini), có đúng luật? Và có vi phạm bản quyền của một công ty truyền thông đã đăng ký trước đó?
Ngày 21/4, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đến đăng ký làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai và Sở VHTT&DL, nhưng tại đây PV được hướng dẫn, yêu cầu gửi lại câu hỏi để cơ quan chức năng trả lời sau.
Đến 4/5, PV liên hệ qua điện thoại với bà Lê Thị Ngọc Loan - Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Nai. Bà Loan thông tin: Hiện tại, Sở đã báo cáo UBND tỉnh có thông báo chính thức tạm dừng cuộc thi “Hoa hậu sinh thái thiếu niên Việt Nam năm 2023”.
Đồng thời, giao Phó giám đốc Sở Nguyễn Hồng Ân gửi văn bản trả lời thông tin đến Báo Tri thức và Cuộc sống về cuộc thi “Hoa hậu sinh thái thiếu niên Việt Nam năm 2023”.
Ngày 8/5, PV nhận được văn bản trả lời chính thức của Sở này về một số nội dung liên quan cuộc thi “Hoa hậu sinh thái thiếu niên Việt Nam năm 2023”.
Văn bản khẳng định: Quá trình xử lý hồ sơ đề nghị tổ chức cuộc thi là đúng trình tự thủ tục quy định về hoạt động biểu diễn; về ý nghĩa cuộc thi là sự kiện văn hóa, truyền thông nhằm tôn vinh vẻ đẹp thể chất, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của nữ thanh thiếu niên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế...;
Về độ tuổi người dự thi, Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về nghệ thuật biểu diễn không quy định cụ thể điều kiện về độ tuổi cũng như điều kiện khác khi tham gia các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Độ tuổi và danh hiệu “hoa hậu” của thiếu niên không thuộc nội dung bị cấm...
Tuy nhiên, tại văn bản số: 4060/UBNDKGVX, ngày 26/4, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã ký chấp thuận tạm ngưng tổ chức cuộc thi “Hoa hậu sinh thái thiếu niên Việt Nam năm 2023”, theo đề nghị của Sở VHTT&DL tại văn bản số 1097/SVHTTDL-VH, ngày 25/4.
Có quá sớm để đưa trẻ em lên sàn diễn hình thể?
Nhiều ý kiến xung quanh thông tin cuộc thi “Hoa hậu sinh thái thiếu niên Việt Nam”, cho rằng việc các em nhỏ phải trình diễn áo tắm trước ban giám khảo và khán giả, để người ta soi xét hình thể của mình là điều không nên.
Dù là "nhí", các bé vẫn tô son trát phấn, thậm chí khoác lên mình những bộ cánh hở hang, những trang phục bikini không hề thuộc về tuổi ấy trên sàn diễn...
Có quá sớm để đưa trẻ em lên sàn diễn đua tranh giá trị của hình thể? Việc đưa con trẻ đến các cuộc chơi này, có phải là quyết định phù hợp với “thuần phong mỹ tục” Việt Nam?
Từng chia sẻ trên tờ Giáo dục Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), với tư cách một cán bộ nhiều năm làm công tác bảo vệ trẻ em, ông phản đối việc cho trẻ em đi thi hoa hậu, bởi có những dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em.
"Tôi đã nhiều lần phát biểu trên các diễn đàn về bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em phải được bảo vệ bởi người lớn và các cơ quan tổ chức, trẻ em không phải là công cụ kiếm tiền của người lớn. Tôi nói như vậy bởi cuộc thi có thí sinh độ tuổi là trẻ em của Việt Nam, quy định là dưới 16 tuổi. Vậy các em dưới 16 tuổi tham gia cuộc thi này các em được cái gì?
Các em có cần đến giải thưởng này, kia hay không? Các em cần là được vui chơi, được hưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc chứ không phải áp lực từ các cuộc thi, sự nổi tiếng... để rồi có những hậu quả chúng ta không thể lường hết được. Đặc biệt, là gần đây nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhất là các em học sinh nữ, nên cái chúng ta cần làm là bảo vệ trẻ em để các em yên tâm học hành, phát triển cá nhân…”, ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.
Tại mục 4 điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định các hành vi cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn: “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.
Phát biểu trên VOV.vn, ông Dương Kỳ Anh, nguyên TBT báo Tiền Phong - người tiên phong khởi xướng đưa cuộc thi sắc đẹp danh tiếng dành cho phụ nữ Việt Nam cho rằng: Trước đây có cuộc thi bé khỏe bé đẹp do báo Nhi Đồng tổ chức nghe còn được, chứ còn Hoa hậu thiếu niên nghe thấy hơi lạ, mình không nên để như thế.
Chính vì vậy, việc đầu tiên là thử đối chiếu lại với quy chế thi người đẹp Việt Nam xem có phạm quy không và theo tôi là không nên. Trước đây, Hội Thanh niên, Đoàn thanh niên cũng có tổ chức thi học sinh thanh lịch, những cuộc thi như thế lại rất hợp lý, còn Hoa hậu thiếu niên bây giờ là có xu hướng chạy theo loạt các cuộc thi Hoa hậu rồi.
Ngoài ra, nếu đổi tên là ‘Hoa khôi thiếu niên Việt Nam’ cũng không được bởi hoa khôi cũng là một dạng của Hoa hậu, cho nên nếu để tên cuộc thi là ‘bé khỏe bé đẹp’ hay ‘học sinh thanh lịch’ thì được. Chúng ta nên để tên cuộc thi như thế, chứ độ tuổi 13 -16 đều chưa phù hợp để thi Hoa hậu.