Sở TN-MT TP.HCM nói gì về thực trạng ô nhiễm không khí?

Ngày 9.10, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã tổ chức một cuộc họp báo thông báo về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.HCM cũng như đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay trong thành phố.

Buổi họp báo thông tin về chất lượng không khí, diễn biến hiện tượng mù quang hóa được tổ chức chiều 9.10.2019 - Ảnh: Vân Anh

Buổi họp báo thông tin về chất lượng không khí, diễn biến hiện tượng mù quang hóa được tổ chức chiều 9.10.2019 - Ảnh: Vân Anh

Theo Sở TN-MT TP.HCM, trong thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18.9.2019 đến ngày 25.9.2019, xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trên khu vực thành phố.

Cụ thể, từ các số liệu quan trắc tại 30 điểm quan trắc trong thành phố trong 9 tháng qua cho thấy, Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn.

Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.

Cũng theo Sở TN-MT TP.HCM thì nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018. Như vậy tính hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM đang có dấu hiệu tăng cao, năm sau cao hơn năm trước.

Theo TN-MT TP.HCM hiện tượng mù quang hóa xuất hiện từ ngày 18.9.2019 đến ngày 25.9.2019 trên địa bàn thành phố là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TP.HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.

Theo đó, trong những ngày xảy ra hiện tượng này có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5) trong các ngày 18.9.2019 - 20.9.2019, cao nhất là ngày 20.09, với mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: Bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20.9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%.

Chính vì tình hình ô nhiễm không khí mấy ngày qua Sở TN-MT TP.HCM khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa:

- Hạn chế: Ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm;

- Khi tham gia giao thông đặc biệt là trên các đường xa lộ, cao tốc người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù… để đảm bảo an toàn giao thông;

- Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý;

- Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống;

- Hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa;

Tác nhân gây ra ô nhiễm không khí tại TP.HCM chủ yếu đến từ 3 nguồn chính là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.

Chính từ những nguyên nhân này, Sở TN-MT TP.HCM đưa ra 5 đề xuất nhằm giảm ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.

- Kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông.

- Kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp.

- Kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng.- Quan trắc chất lượng môi trường không khí.

Chi tiết 5 đề xuất của Sở TN-MT TP.HCM

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí:

- Xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí của người dân, đặc biệt là khối doanh nghiệp. Khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, metro.

- Đưa giáo dục môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng vào các cấp học với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi.

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.

Kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông:

- Tăng cường mật độ đường, tỷ lệ đất dành cho giao thông; tăng cường vận tải hành khách công cộng, nâng số lượng xe buýt.

- Đầu tư, xây dựng, mở rộng các tuyến hướng tâm, tuyến vành đai, đường cao tốc, đường xuyên tâm và tuyến đường sắt đô thị, BRT.

- Đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến metro, tuyến đường trên cao nhằm giảm lượng xe cá nhân và giãn mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường; tăng cường hệ thống bến bãi, các bãi đậu xe ngầm và nhà đậu xe cao tầng.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý giao thông và đô thị theo định hướng thành phố thông minh.

Kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp:

- Kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ.

- Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.

- Tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải mà đặc biệt là các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

- Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường. Xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường không khí.

Kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng:

- Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các công trình, dự án xây dựng.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng.

- Khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đảm bảo mật độ cây xanh trong xây dựng và quy hoạch.

- Thực hiện giãn mật độ dân số; tăng cường các mảng xanh, hồ nước… nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào ban đêm.

Quan trắc chất lượng môi trường không khí:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả “Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

- Tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Trong đó, đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 01 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động.

- Tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động liên tục không khí từ nay đến 2030.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Thành phố.

Thiên Hà

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/so-tn-mt-tphcm-noi-gi-ve-thuc-trang-o-nhiem-khong-khi-123035.html