Sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử

Sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng trong thương mại điện tử. Không giống như những hệ thống thương mại khác, thương mại điện tử thường liên quan đến việc bán các sản phẩm và dịch vụ dựa vào quyền sở hữu trí tuệ và li-xăng quyền sở hữu trí tuệ.

Sở hữu đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh thương mại điện tử (Ảnh: Doanh nhân Đất Việt)

Sở hữu đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh thương mại điện tử (Ảnh: Doanh nhân Đất Việt)

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với thương mại điện tử

Các bản nhạc, tranh, ảnh, phần mềm, kiểu dáng, mô đun đào tạo và các hệ thống... đều có thể được mua bán thông qua thương mại điện tử và quyền sở hữu trí tuệ là bộ phận cấu thành giá trị chủ yếu của những giao dịch này. Sở hữu trí tuệ rất quan trọng vì các sản phẩm có giá trị được mua bán trên Internet đều phải được bảo hộ bằng cách sử dụng những hệ thống bảo mật công nghệ và hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ, nếu không, chúng có thể bị ăn cắp hoặc sao chép trái phép. Và khi đó, tất cả các doanh nghiệp sẽ bị hủy hoại.

Sở hữu trí tuệ còn liên quan đến hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm của thương mại điện tử. Những hệ thống làm cho Internet hoạt động - như phần mềm, hệ thống mạng, thiết kế, vi mạch, thiết bị định tuyến và bộ phận kết nối, giao diện của người sử dụng..., cũng thường được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu là bộ phận quan trọng trong kinh doanh thương mại điện tử vì thương hiệu, sự công nhận của khách hàng và sự tín nhiệm - các yếu tố cơ bản của kinh doanh qua mạng - đều được bảo hộ bởi nhãn hiệu và luật chống cạnh tranh không lành mạnh.

Thương mại điện tử và kinh doanh trên Internet cũng có thể dựa vào các hợp đồng li-xăng sản phẩm hoặc sáng chế. Sở dĩ như vậy là vì để tạo ra một sản phẩm cần có nhiều công nghệ khác nhau. Chính vì vậy, các công ty thường thuê nguồn lực bên ngoài để phát triển một số bộ phận sản phẩm hoặc sử dụng các hợp đồng li-xăng để nhận những chia sẻ công nghệ. Nếu mọi công ty đều phải phát triển và sản xuất tất cả các bộ phận cấu thành công nghệ liên quan đến sản phẩm của họ một cách độc lập thì sẽ không có sự phát triển của những sản phẩm công nghệ cao. Nguyên lý kinh tế của thương mại điện tử đó là các công ty phối hợp với nhau để chia sẻ những cơ hội và rủi ro trong kinh doanh thông qua hợp đồng li-xăng. Phần lớn các công ty đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Và cuối cùng, phần lớn giá trị của những doanh nghiệp kinh doanh dựa vào thương mại điện tử thường tồn tại dưới hình thức sở hữu trí tuệ, vì vậy, việc định giá doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ bị ảnh hưởng bởi việc doanh nghiệp đó đã bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ của họ hay chưa. Giống như những công ty công nghệ khác, nhiều công ty thương mại điện tử có danh mục sáng chế, nhãn hiệu, tên miền, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu gốc có giá trị hơn rất nhiều so với những tài sản hữu hình có giá trị nhất của doanh nghiệp mình.

Sở hữu trí tuệ và đăng ký tên miền

Tên miền là những địa chỉ Internet được sử dụng một cách phổ biến để nhận diện và tìm các trang web. Ví dụ, tên miền ‘wipo.int’ được sử dụng để xác định trang web của WIPO tại địa chỉ www.wipo.int. Qua thời gian, tên miền đã trở thành “công cụ nhận diện” đối với doanh nghiệp, và chúng trở nên xung đột với nhãn hiệu. Do đó, điều quan trọng là phải lựa chọn một tên miền không phải là nhãn hiệu của một công ty khác hoặc một nhãn hiệu nổi tiếng.

Việc lựa chọn tên miền (hoặc địa chỉ Internet) đã trở thành một trong số những quyết định kinh doanh quan trọng nhất của một công ty. Tên miền doanh nghiệp đăng ký sẽ cho phép người sử dụng Internet có thể nhận diện được công ty trên mạng lưới toàn cầu (World Wide Web). Có thể đăng ký tên miền của công ty trong số những “mã tên miền cấp cao” (TLDs). Doanh nghiệp có thể lựa chọn từ các “mã tên miền cấp cao nhất dùng chung” (gTLDs), như .com, .org và .info. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn tên miền từ những mã tên miền cấp cao chuyên ngành và có giới hạn nếu doanh nghiệp đạt đủ điều kiện để sử dụng chúng (ví dụ: .aero cho các doanh nghiệp vận tải và hàng không hoặc .biz cho các doanh nghiệp thương mại).

Doanh nghiệp cũng có thể đăng ký tên miền của mình theo “mã tên miền cao cấp nhất của quốc gia” (ccTLD), ví dụ: .vn cho Việt Nam, .bn cho Bungari, .cn cho Trung Quốc, .ch cho Thụy Sĩ.

Việc quản lý kỹ thuật đối với hệ thống tên miền thuộc về Cơ quan Quản lý tên miền quốc tế (ICANN). Tuy nhiên, việc đăng ký các tên miền gTLDs được thực hiện bởi một số Tổ chức đăng ký tên miền được ICANN ủy quyền. Có thể xem danh sách các tổ chức đăng ký được ICANN ủy quyền trên trang web của ICANN tại địa chỉ: www.icann.org. Doanh nghiệp cũng có thể kiểm tra xem liệu một tên miền nào đó đã được đăng ký hay chưa bằng cách tra cứu trên trang web của tổ chức đăng ký tên miền hoặc sử dụng công cụ tra cứu “Ai là” (Who is) tại địa chỉ www.uwhois.com.

Để đăng ký tên miền ccTLDs, doanh nghiệp phải liên hệ với Cơ quan đăng ký có thẩm quyền của mỗi ccTLD. Về vấn đề này, hãy tham khảo cơ sở dữ liệu ccTLD của WIPO được kết nối với trang web của 243 ccTLD. Tại đây, doanh nghiệp có thể tìm thấy thông tin về hợp đồng đăng ký ccTLD của họ, dịch vụ “Who is” và những thủ tục giải quyết tranh chấp.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/so-huu-tri-tue-va-thuong-mai-dien-tu-1658938918373.htm