Số hóa hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, nhiều quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang từng bước chuyển mình để không bị bỏ lại phía sau. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đang mở ra cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh và khẳng định vị thế là TCTD 'gần dân, sát dân', góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ
Những năm gần đây, hệ thống QTDND ở khu vực miền Trung đã phát huy rõ vai trò là “kênh” dẫn vốn hiệu quả cho người dân, nhất là khu vực nông thôn. Không chỉ giúp thành viên tiếp cận vốn dễ dàng hơn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, các QTDND còn góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, đứng trước làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng, các QTDND cũng không đứng ngoài cuộc. Nhiều đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp số hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu mới.
Ông Trần Đình Thi, Chủ tịch HĐQT QTDND Quảng Thọ (Quảng Trị) cho biết, để thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN và các quy định liên quan, QTDND Quảng Thọ đã xây dựng quy trình nội bộ về quản lý an toàn thông tin, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, đồng thời phổ biến rộng rãi đến toàn thể cán bộ nhân viên.
Đến nay, quỹ đã thực hiện phân loại hệ thống thông tin theo 3 cấp độ an toàn, lập danh mục tài sản phần cứng, phần mềm và phân giao quản lý rõ ràng. Đặc biệt, hệ thống máy chủ chính và máy chủ dự phòng được đặt trong phòng riêng biệt, có đầy đủ thiết bị hỗ trợ kỹ thuật. Quỹ cũng áp dụng xác thực đa yếu tố trong các giao dịch điện tử và thực hiện sao lưu dữ liệu tự động...

Chuyển đổi số trong các QTDND đang là xu thế tất yếu.
Tương tự, tại QTDND Vạn Trạch (Quảng Trị), ông Hoàng Thế Sơn, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, đơn vị đã tích cực đầu tư máy móc hiện đại, khuyến khích cán bộ nhân viên tham gia các lớp đào tạo về chuyển đổi số.
“Chúng tôi sử dụng dịch vụ từ các nhà cung cấp phần mềm để áp dụng vào thực tiễn hoạt động hàng ngày. Đến nay, hơn 70% thành viên của QTDND đã thực hiện các giao dịch gửi vốn, trả nợ và trả lãi thông qua hình thức chuyển khoản”, ông Sơn chia sẻ.
Nhờ áp dụng chuyển đổi số, hoạt động của QTDND Vạn Trạch những năm gần đây đạt nhiều kết quả tích cực. Quỹ không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp người dân giao dịch nhanh chóng, thuận tiện hơn mà còn góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen tại địa bàn nông thôn, củng cố niềm tin và sự gắn bó của thành viên với đơn vị.
Chuyển đổi số vẫn còn nhiều rào cản
Mặc dù, đã có những bước tiến đáng kể, song trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số tại nhiều QTDND ở khu vực miền Trung vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân lớn là nhận thức chưa đầy đủ của một số đơn vị về tầm quan trọng và vai trò sống còn của chuyển đổi số trong bối cảnh mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ góp phần để các QTDND nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhiều QTDND hiện vẫn chưa xây dựng được chiến lược hay kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng, dẫn đến việc triển khai còn mang tính cục bộ, rời rạc, thiếu tính đồng bộ và lâu dài. Một số nơi chỉ dừng ở việc số hóa các quy trình đơn lẻ hoặc áp dụng phần mềm kế toán, chưa phát triển được hệ sinh thái số toàn diện để quản lý, vận hành và phục vụ khách hàng một cách tối ưu.
Vấn đề tài chính cũng là rào cản không nhỏ. Do quy mô tài sản và nguồn vốn còn khiêm tốn, nhiều QTDND không thể dành nguồn ngân sách riêng để đầu tư cho công nghệ thông tin. Chi phí để xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc, đào tạo nhân lực, triển khai hệ thống phần mềm lõi (Core Banking) thường rất cao, điều này vượt quá khả năng của các quỹ nhỏ, hoạt động độc lập.
Theo đại diện QTDND liên xã Cương Gián (Hà Tĩnh), công tác kiểm tra, giám sát nội bộ tại một số đơn vị còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn, làm giảm hiệu quả quản lý hệ thống số. Nhiều QTDND chưa có công cụ giám sát hiệu quả, trong khi yêu cầu bảo mật ngày càng cao, các hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi.
Ông Trần Đình Thi cũng nhìn nhận, đầu tư vào công nghệ thông tin và nhân lực chuyên trách là một thách thức không nhỏ với các QTDND hiện nay. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, thành viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về rủi ro an toàn thông tin, dễ dẫn đến những sai sót hoặc vi phạm trong vận hành.

QTDND cần được hỗ trợ trong việc chuyển đổi số, để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Để tháo gỡ khó khăn, đại diện nhiều QTDND ở miền Trung kiến nghị, NHNN, Hiệp hội QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kiểm soát nội bộ, đặc biệt với cán bộ mới. Đồng thời, cần xây dựng bộ chỉ số rủi ro cảnh báo sớm dành riêng cho hệ thống QTDND; hỗ trợ công cụ số hoặc phần mềm thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, báo cáo.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị rằng, yếu tố con người - đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, mang tính quyết định trong hành trình chuyển đổi số. Lãnh đạo các QTDND cần xây dựng tư duy đổi mới, truyền cảm hứng và quyết tâm chuyển mình đến toàn thể đội ngũ. Chuyển đổi số không phải việc của riêng bộ phận công nghệ, mà là trách nhiệm chung của toàn bộ cán bộ, nhân viên và thành viên của quỹ.
Theo đó, mỗi QTDND cần chủ động xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số riêng, phù hợp với đặc điểm quy mô và điều kiện thực tế tại đơn vị. Cần xác định rõ trạng thái hiện tại, mục tiêu kỳ vọng và từng bước hoàn thiện theo từng giai đoạn, có kế hoạch đầu tư, triển khai cụ thể, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/so-hoa-hoat-dong-cua-quy-tin-dung-nhan-dan-167679.html