Siro trị ho và những ca tử vong đáng tiếc

Indonesia đang nỗ lực điều tra nguyên nhân ít nhất 133 trẻ em nước này tử vong do tổn thương thận cấp tính (AKI) sau khi dùng siro trị ho.

Các loại thuốc bị đình chỉ được phát hiện có chứa Ethylene Glycol với lượng vượt quá giới hạn an toàn. (Ảnh: Reuters)

Các loại thuốc bị đình chỉ được phát hiện có chứa Ethylene Glycol với lượng vượt quá giới hạn an toàn. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đã yêu cầu các nhà sản xuất tạm dừng bán và tiêu hủy năm loại siro trị sốt, ho và cúm.

Các sản phẩm bị cấm gồm Termorex Sirup, Flurin DMP Syrup, Unibebi Cough Syrup, Unibebi Fever Syrup và Unibebi Fever Drops.

Ethylene Glycol gây nguy hiểm

Theo BPOM, các loại siro bị đình chỉ được phát hiện có chứa chất Ethylene Glycol với hàm lượng vượt quá giới hạn an toàn. Trước đó, các chất ethylene glycol cùng với diethylene glycol được tìm thấy trong bốn loại siro trị ho do Ấn Độ sản xuất, vốn là nguyên nhân khiến gần 70 trẻ em tại Gambia tử vong.

Tuy nhiên, BPOM cũng cho rằng, không thể kết luận các sản phẩm này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm gây ra tổn thương thận. Theo cơ quan này, các tổn thương thận có thể do các yếu tố khác như nhiễm trùng do virus và vi khuẩn góp phần gây ra.

Báo cáo của Bộ Y tế Indonesia công bố ngày 21/10 cho thấy, 133 trẻ em đã tử vong trong tổng số 241 ca AKI tại 22 tỉnh, thành trên cả nước trong 10 tháng qua.

Trước đó, ngày 19/10, Indonesia đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với tất cả các loại siro như một biện pháp phòng ngừa và tiến hành điều tra.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Dr Cipto Mangunkusumo ở Jakarta đã cấp thuốc giải độc mua từ Singapore cho 10 bệnh nhi đang được chăm sóc.

“Dựa trên tài liệu mà chúng tôi đã đọc, có một số chất trong thuốc có thể gây kết dính các chất độc trong cơ thể người. Chúng tôi đã tìm kiếm các loại thuốc để điều trị và tình cờ Singapore là một trong những nơi bán”, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Lies Dina Liastuti cho biết hôm 20/10.

“Chúng tôi vẫn đang chờ kết quả điều trị, tuy vẫn chưa thể chắc chắn, nhưng đã có sự cải thiện”, ông Lies thông tin.

Cũng theo bác sĩ này, bệnh viện đang tìm mua thêm thuốc giải độc từ nước ngoài, bao gồm Singapore và Australia.

Từ tháng Giêng đến ngày 20/10, bệnh viện này điều trị cho 49 trẻ em bị tổn thương thận cấp tính, trong đó 31 trẻ đã tử vong. Mặc dù bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân có các triệu chứng từ đầu năm, nhưng đầu tháng Tám, số ca bệnh mới bắt đầu gia tăng.

Ông Piprim Basarah Yanuarso thuộc Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI) cho biết, những bệnh nhi này có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, nôn mửa và tiêu chảy trước khi được chẩn đoán là tổn thương thận cấp tính.

Những ca sống sót sau tổn thương thận cấp tính cũng gặp tình trạng “giảm lượng nước tiểu”, ông Yanuarso cho biết.

IDAI kêu gọi người dân bình tĩnh và cảnh giác với các triệu chứng, đặc biệt là sự sụt giảm đột ngột lượng nước tiểu.

Tìm hướng giải quyết

Theo The Guardian, hiện Indonesia đang tìm nguyên nhân dẫn tới tình trạng các trường hợp mắc AKI tăng đột biến, chủ yếu ở trẻ em dưới năm tuổi.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho rằng, số trẻ tử vong do AKI ở nước này trên thực tế có thể cao gấp năm lần số liệu chính thức của chính phủ.

Bộ trưởng Budi cho biết: “Số ca tử vong không được phát hiện có thể cao gấp 3-5 lần so với dữ liệu của Bộ Y tế. Hiện có khoảng 35-40 ca tử vong mỗi tháng và con số này có thể tiếp tục tăng”.

Bộ Y tế Indonesia đã đặt mua 200 lọ thuốc điều trị AKI. Mỗi bệnh nhi dự kiến được dùng một lọ 1,5gr hoặc một liều tiêm 1,5ml.

Theo kế hoạch, 10 lọ thuốc điều trị AKI, có tên thương mại là Fomepizole, từ Singapore và 16 lọ từ Australia sẽ đến Indonesia vào ngày 30/10.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Y tế Angola ngày 11/10 đã cấm nhập khẩu và bán bốn loại siro do hãng dược phẩm Maiden Pharmaceuticals Limited của Ấn Độ sản xuất, do có chứa các chất nguy hiểm.

Chính quyền nước này cũng ra lệnh thu hồi khỏi thị trường và cấm sử dụng bốn sản phẩm siro gồm Promethazine Oral Solution BP, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip NCold Syrup.

Cơ quan Quản lý Thuốc và Công nghệ y tế Angola cảnh báo về sự tồn tại của Diethylene Glycol và Ethylene Glycol trong các lô sản phẩm nêu trên bởi đây là các chất độc hại đối với con người.

Cùng thời điểm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bốn loại siro trị ho và cảm lạnh do hãng Maiden Pharmaceuticals Ấn Độ sản xuất có khả năng gây tổn thương thận cấp tính khiến 66 trẻ nhỏ ở Gambia tử vong.

WHO dẫn thông tin của Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết, công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd chỉ mới cung cấp những thuốc trên đến Gambia.

Tuy nhiên, WHO không loại trừ khả năng những sản phẩm siro trên được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức. Do đó, WHO kêu gọi các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này để không gây tổn hại thêm.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Việt Nam cho biết, đã tiến hành rà soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam.

Kết quả rà soát cho thấy, Việt Nam chưa cấp số đăng ký cho Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd và chưa cấp số đăng ký cho bốn sản phẩm siro trị ho nói trên.

Đại diện Cục Quản lý dược khuyến cáo người dân chỉ nên mua các sản phẩm thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được cấp số đăng ký lưu hành, tránh mua, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, được rao bán trên các trang mạng.

Ethylene glycol và diethylene glycol chứa trong thuốc ho trẻ em sẽ tạo nên vị ngọt, giúp trẻ dễ uống, nhưng lại gây ngộ độc nguy hiểm. Khi vào cơ thể sẽ phân giải thành axit oxalic và axit glycolic. Hai chất này phản ứng với phân tử chứa calci trong máu, tạo ra các tinh thể canxi oxalat.

Sự kết hợp giữa sự nhiễm toan trong máu do chất axit oxalic và axit glycolic với tinh thể canxi, sẽ làm kết tủa canxi oxalat trong hệ thống thận, có thể dẫn đến hoại tử cục bộ của biểu mô ống thận, gây rối loạn chức năng thận và mất cân bằng điện giải. Tắc nghẽn ống thận bởi các tinh thể là một cơ chế chính gây tổn thương thận và suy thận cấp dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

(tổng hợp)

TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/siro-tri-ho-va-nhung-ca-tu-vong-dang-tiec-203591.html