Sinh viên ngại chọn ngành Nông học vì nghĩ ra trường sẽ làm nông dân

Để cung cấp nguồn nhân lực ngành Nông học phù hợp với nhu cầu xã hội, việc cập nhật và cải tiến chương trình đào tạo một cách thường xuyên là điều cần thiết.

Trong bối cảnh nền nông nghiệp toàn cầu đang trải qua những thay đổi đột phá, ngành Nông học không chỉ trở thành nền tảng cung cấp kiến thức sâu rộng về khoa học cây trồng và đất đai, mà còn chứng minh vai trò thiết yếu trong việc áp dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn nông nghiệp.

Vai trò của ngành Nông học trong nền nông nghiệp hiện đại

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn cho biết: Theo Hiệp hội Nông học Hoa Kỳ, Nông học là một ngành khoa học tổng hợp, toàn diện về khoa học cây trồng và đất đai cũng như sinh thái học.

Ngành này ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực sinh học, hóa học, kinh tế, sinh thái, khoa học đất, khoa học nước, quản lý dịch hại và di truyền vào việc cải tiến và quản lý các loại cây lương thực.

Nhưng tuyển sinh ngành Nông học hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vì dưới góc nhìn của xã hội, nhiều gia đình chưa hiểu về bản chất ngành Nông học mà có suy nghĩ học ngành này ra trường sẽ đi làm nông như bao đời cha ông mình trước đây.

Để giải quyết vấn đề này, các tổ chức cần định hướng và truyền thông rộng rãi cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ bản chất ngành học, cũng như hình thành các chính sách lớn cho ngành Nông học.

Sinh viên ngành Nông học, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn đang thực tập trong Nhà nuôi trồng nấm tại Trường. Ảnh: NTCC

Nhận định về vai trò của ngành Nông học, Phó giáo sư Nguyễn Thị Mộng Điệp nói thêm: Ngày nay, để sản xuất được một sản phẩm “sạch”, doanh nghiệp, nhà máy cần thực hiện nhiều hoạt động như: chọn giống, cung cấp nguyên vật liệu, nghiên cứu công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản,…

Đặc biệt, khi các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm “sạch” giúp đảm bảo sức khỏe con người thì nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và đổi mới công nghệ ngày một cần thiết hơn.

Chính vì vậy, xã hội hiện nay và tương lai sẽ có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Nông học nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Mộng Điệp, ngành Nông học không chỉ đòi hỏi kiến thức sâu rộng về khoa học và công nghệ trong canh tác, mà còn cần linh hoạt cập nhật theo nhu cầu thay đổi của thị trường lao động. Vì vậy, với mục tiêu cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành Nông học tại Trường Đại học Quy Nhơn thường xuyên được cải tiến chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu từ cả doanh nghiệp lẫn xã hội.

Cô Điệp cho biết, những ưu thế về Chương trình đào tạo ngành Nông học của Trường Đại học Quy Nhơn có thể tóm lược qua 4 điểm sau:

Thứ nhất, khi rà soát, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo, nhà trường đã tổ chức khảo sát nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng để từ đó định hướng xây dựng lại mục tiêu, chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế, đặc biệt đáp ứng nhu cầu nhân sự của nhiều tập đoàn lớn.

Thứ hai, chương trình đào tạo ngành Nông học được thiết kế và tổ chức đào tạo người học có khả năng sáng tạo công nghệ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Kỹ năng ứng dụng khoa học và công nghệ từ các lĩnh vực sinh học, hóa học, kinh tế, sinh thái, khoa học đất, khoa học nước, quản lý dịch hại và di truyền vào việc cải tiến và quản lý các loại cây lương thực một cách hiệu quả và sinh lợi, đồng thời bảo tồn và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, nhà trường có hệ thống cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm/thực hành, nhà lưới hiện đại tạo điều kiện cho sinh viên học tập, thực tập 1 cách sáng tạo.

Thứ tư, nhà trường có lợi thế lớn là đội ngũ cựu sinh viên hiện nay đang giữ những vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp về công nghệ sinh học, nông nghiệp, bảo tồn gen các giống quý hiếm, vv... Các cựu sinh viên luôn sẵn lòng giúp đỡ để nhà trường có môi trường đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thêm vào đó, các hoạt động cụ thể của trường và khoa giúp trực tiếp định hướng nghề nghiệp cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp, nâng cao cơ hội việc làm đa dạng.

Ngay từ khi sinh viên vào trường, các bạn đã được học những môn học nhập môn về ngành nghề, kết hợp đi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp liên quan đến nghề nghiệp.

Trong quá trình học tập, có rất nhiều những học phần thí nghiệm/thực hành/đồ án gắn với thực tiễn, và quan trọng hơn, nhà trường sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên tham gia các chương trình thực tập/chương trình trao đổi chuyên đề, từ đó sinh viên biết được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Đến học kỳ cuối cùng, sinh viên ngành Nông học tại Trường Đại học Quy Nhơn sẽ được tới doanh nghiệp để thực tập và làm đồ án tốt nghiệp. Ngay sau sinh viên tốt nghiệp, các bạn có thể làm việc ngay ở vị trí đã đảm nhiệm khi thực tập. Đây là lợi thế lớn của chương trình đào tạo hiện nay.

Bên cạnh đó, cô Điệp cũng dành vài lời khuyên cho sinh viên trước khi lựa chọn ngành – nghề: “Trước hết học sinh phải biết sở thích của mình là gì? Ví dụ thích làm việc ngoài trời, thích làm nông nghiệp sạch, thích làm về công nghệ chế biến thực phẩm hay bảo tồn gen cho thực vật quý, vv…

Các bạn cần xác định khả năng thích ứng, khả năng học tập của bản thân. Đôi khi sức học của chúng ta có hạn nhưng cha mẹ lại hướng chọn những trường đòi hỏi khả năng học tập, nghiên cứu cao mà ít người có thể theo được.

Khi có sở thích, đam mê và có khả năng thích ứng thì sẽ tạo động lực để bản thân có ý thức học tập, lập kế hoạch học tập và tìm hiểu nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ý thức đó hình thành ngay từ đầu sẽ giúp các bạn học tốt và thành công trong tương lai”.

Ngành Nông học sẽ học những kiến thức gì?

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ - Phó trưởng Khoa Di truyền và Chọn giống cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, ngành Nông học nổi bật so với các ngành nông nghiệp khác nhờ vào sự đa dạng và phong phú trong phạm vi kiến thức được cung cấp.

Trong khi các ngành chuyên biệt như ngành Khoa học cây trồng chỉ tập trung vào cây trồng và ngành chăn nuôi chỉ học về việc nuôi dưỡng gia súc, gia cầm, thì Nông học cung cấp một nền tảng toàn diện, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ - Phó trưởng Khoa Di truyền và Chọn giống cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Sự tích hợp này không chỉ mở rộng kiến thức chuyên môn cho sinh viên mà còn trang bị cho các bạn khả năng ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại.

“Trường Đại học Cần Thơ tọa lạc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất màu mỡ nhất Việt Nam, là trung tâm nông nghiệp quan trọng của cả nước, được mệnh danh là "vựa lúa" của Việt Nam.

Ngoài trồng lúa, khu vực này cũng phát triển mạnh trong trồng trọt các loại trái cây như xoài, sầu riêng và thanh long, cùng với sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản và ngành chăn nuôi.

Do đó, chương trình đào tạo ngành Nông học tại Trường Đại học Cần Thơ có rất nhiều thuận lợi. Trường là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh mong muốn con em mình theo đuổi sự nghiệp trong ngành nông nghiệp nói chung và ngành Nông học nói riêng”, thầy Kỳ chia sẻ.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, sinh viên ngành Nông học sẽ xây dựng được nền tảng vững chắc về 3 khối kiến thức.

Khối kiến thức trong lĩnh vực cây trồng: Ứng dụng kỹ thuật canh tác và chọn giống các loại cây trồng phổ biến thực tiễn sản xuất một cách hợp lý và hiệu quả; Phân biệt được các loại dịch hại cây trồng để có biện pháp và đề xuất hướng giải quyết hợp lý và hiệu quả; Thiết kế và xây dựng được các mô hình canh tác các loại cây trồng chủ yếu trên những vùng sinh thái khác nhau.

Khối kiến thức về lĩnh vực chăn nuôi thú y: Vận dụng kỹ thuật chăn nuôi và công tác tổ chức sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm ở quy mô trang trại và nông hộ; Giải quyết được các tình huống dịch bệnh ở gia súc và gia cầm một cách hiệu quả và kinh tế; Quản lý và tổ chức được các trang trại chăn nuôi ở các qui mô khác nhau.

Sinh viên ngành Nông học, Đại học Cần Thơ trong chuyến đi thực tập giáo trình tại vườn Thanh Long Vietgap (Bắc Bình, Bình Thuận). Ảnh: NTCC

Khối kiến thức về lĩnh vực thủy sản: Áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, về những vấn đề cơ bản trong tổ chức nuôi trồng thủy sản ở quy mô trang trại và nông hộ; Dự đoán được các tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản; Xây dựng được các mô hình và trang trại nuôi trồng thủy sản ở các qui mô khác nhau; Giải quyết và đề xuất được các mô hình/hệ thống sản xuất nông nghiệp tổng hợp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Không chỉ vậy, sinh viên còn được rèn luyện khả năng làm việc tập thể, phương pháp làm việc khoa học, có kỹ năng tư duy, phân tích và lập luận để giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn ngành nông nghiệp.

Song song với những kiến thức và kỹ năng đó, nhà trường cũng mong muốn sinh viên được tiếp cận với khoa học công nghệ và môi trường giáo dục của các nước trong khu vực, bởi vậy Trường Đại học Cần Thơ luôn tích cực đẩy mạnh các chương trình trao đổi với sinh viên quốc tế và chương trình học bổng để tạo cơ hội cho sinh viên được ra nước ngoài học hỏi, tiếp cận với những công nghệ mới trên thế giới.

Trang Khương Duy, sinh viên năm 3 ngành Nông học, Khoa Di truyền và chọn giống cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ tâm sự: "Lý do chọn ngành Nông học thuộc Trường Đại học Cần Thơ là bởi từ nhỏ bản thân mình đã được tiếp xúc và hình thành tình yêu với lĩnh vực nông nghiệp.

Trong quá trình học tập từ năm nhất đến nay, mình vẫn thấy đây là một lựa chọn đúng đắn, vì mình được trang bị đầy đủ kiến thức về cây trồng, chăn nuôi, và thủy sản, lượng kiến thức đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, trong quá trình học mình được tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên đến từ nhiều ngành học khác nhau, đây là một cơ hội tốt để mở rộng mối quan hệ ở đa dạng lĩnh vực mà các ngành khác không có được".

Sinh viên Trang Khương Duy tham gia chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn tại trường IPB University, Indonesia. Ảnh: NVCC

Sinh viên cần có những yếu tố gì để đáp ứng nhà tuyển dụng?

Với khối lượng kiến thức đa dạng như vậy, thầy Kỳ chia sẻ, sinh viên ngành Nông học có nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm, bảo vệ thực vật, nghiên cứu khoa học,...tại các công ty đa quốc gia, trung tâm khối cây trồng, khối ngành nhà nước.

Không chỉ có thế mạnh trong phạm vi công việc, sinh viên ngành Nông học cũng có triển vọng phát triển lớn. Hiện nay rất nhiều các sinh viên ngành Nông học giữ chức vụ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Có cựu sinh viên của trường hiện đang là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang; có cựu sinh viên là Giám đốc công ty chuyên cung cấp các chế phẩm bảo vệ thực vật cho cây trồng.

Ngoài ra, thầy Kỳ cũng nhắn nhủ tới các bạn học sinh: “Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang có nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Lĩnh vực này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển dụng trong nước mà còn cả từ các quốc gia khác như Úc, Hàn Quốc, và Nhật Bản.

Chọn ngành Nông học không chỉ giúp bản thân mỗi cá nhân có được sự ổn định trong tương lai mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội”.

Anh Lê Trần Hoàng Vũ, cựu sinh viên (Khóa 32) Trường Đại học Cần Thơ, hiện là Giám đốc công ty An Phát Nông (công ty chuyên cung cấp các chế phẩm bảo vệ thực vật cho cây trồng) cho biết, nhân viên có xuất phát điểm từ ngành Nông học tại công ty hiện nay đang chiếm hơn một nửa, giữ nhiều vai trò quan trọng, từ giám đốc tới trưởng phòng,...

Được biết, công ty thường xuyên có các đợt thực tập dành cho sinh viên khối nông nghiệp. Tại đây, các bạn sẽ được trải nghiệm môi trường doanh nghiệp từ 1 đến 2 tháng. Công ty cũng luôn sẵn lòng chào đón các bạn tới làm việc sau khi tốt nghiệp.

Cơ hội việc làm rộng mở là thế, song không phải sinh viên nào sau khi ra trường cũng thuận lợi tìm kiếm được công việc phù hợp. Lý giải cho việc này, cô Điệp đưa ra hai lý do:

Đầu tiên, việc sinh viên tốt nghiệp không tìm được công việc phù hợp xuất phát từ việc nhân lực ngành nghề đó và chính ngành nghề đó đã dư thừa so với nhu cầu xã hội.

Tiếp theo, có thể ngành nghề này vẫn đang rất cần nhân lực, nhưng năng lực của sinh viên tốt nghiệp đôi khi không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Kiến thức – Kỹ năng – Thái độ luôn là 3 yếu tố vô cùng quan trọng trong mắt nhà tuyển dụng, doanh nghiệp. Cô Điệp nhắn nhủ các sinh viên hãy hình thành ý thức học tập ngay từ đầu, việc này sẽ giúp các bạn học tốt và thành công trong tương lai.

Đồng quan điểm, anh Vũ nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất dành cho sinh viên là phải nắm vững những kỹ thuật nông nghiệp như kỹ thuật trồng ruộng, kỹ thuật quan đến cây trồng,...Ngoài ra, những kỹ năng khác mà bất kỳ công ty nào cũng sẽ cần là giao tiếp, hòa nhập và dấn thân.

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sinh-vien-ngai-chon-nganh-nong-hoc-vi-nghi-ra-truong-se-lam-nong-dan-post242549.gd