"Nga đang phát triển một siêu vũ khí bí ẩn và nó trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận sôi nổi ở phương Tây", tờ Newsweek đăng tải bài phân tích của nhà báo người Mỹ Brendan Cole.
Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu một số loại siêu vũ khí thế hệ mới của nước này trước cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm 3M22 Zircon.
Theo nhà báo Brendan Cole, Quân đội Nga gần đây đã hoàn thành việc thử nghiệm tên lửa Zircon và chúng sẽ được đưa vào trang bị từ cuối năm nay. Trong bối cảnh đó, các tranh cãi bắt đầu nổi lên ở phương Tây về khả năng của loại vũ khí mới nói trên.
"Vụ thử tên lửa hành trình 3M22 Zircon của Nga trong tuần này khiến phương Tây băn khoăn, đó là thông báo của Moskva rằng vũ khí siêu thanh sẽ được triển khai vào cuối năm 2022 là sự khoe khoang hay một mối đe dọa thực sự", tờ Newsweek đặt câu hỏi.
Phương Tây chủ yếu lo ngại về việc liệu tên lửa Zircons có tác động đến cuộc khủng hoảng Ukraine hay không? Nhiều nhà phân tích tin rằng vũ khí mới sẽ có giới hạn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Thực tế cho thấy vai trò chính của Zircon chủ yếu là một tên lửa hành trình chống hạm và nhiệm vụ số một của nó sẽ là răn đe Hải quân Mỹ hoặc các nước NATO khác ở trên Biển Đen.
Tuy nhiên, còn xuất hiện một ý kiến khác: “Nga đã sử dụng một số tên lửa chống hạm của mình (ví dụ như Kh-22 và Kh-32) để tấn công các mục tiêu trên bộ trong đất Ukraine, chẳng hạn như những cây cầu hoặc kho vũ khí phương Tây viện trợ".
"Chính vì vậy, tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon có thể được Nga triển khai sớm nhất trong năm nay để mang lại những đòn tấn công chính xác với tốc độ cực cao mà đối phương chẳng thể nào ngăn chặn”, tác giả của bài viết trên tờ Newsweek cho biết.
Cần nhắc lại, kể từ tháng 1 năm 2020, Nga đã tiến hành một số vụ thử nghiệm đối với 3M22 Zircon - loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 1.000 km với tốc độ Mach 9.
Đây là một loại vũ khí rất nhanh, cực kỳ khó bị đánh chặn đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa, kể cả những tổ hợp tiên tiến nhất, đã trực chiến hoặc dự kiến sẽ được phương Tây cho ra đời trong tương lai trước mắt.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Mỹ chỉ có một cách duy nhất để chống lại mối đe dọa này - đó là việc triển khai tên lửa đánh chặn tại căn cứ không quân Incirlik trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên việc dùng tên lửa siêu thanh như Zircon để bắn mục tiêu mặt đất thay vì tàu chiến mặt nước như thiết kế ban đầu đặt ra rất nhiều câu hỏi về tính hữu dụng, nhất là khi thực tế chiến trường đã cho cái nhìn sơ lược.
Những tên lửa chống hạm siêu âm như Oniks, Kh-22 hay Kh-32 có độ chính xác rất kém khi tấn công mục tiêu mặt đất, bởi đầu dò radar chủ động của chúng không tối ưu hóa cho đối tượng như vậy. Tốc độ nhanh trong trường hợp này lại là điểm yếu khi không đủ thời gian nhắm kỹ.
Chính vì vậy, đối với một quả tên lửa siêu thanh đắt tiền như Zircon, sẽ là quá lãng phí khi bắt nó phải đi làm nhiệm vụ "tay trái" như ví dụ đã nêu ở trên.
Bạch Dương