Siêu tiêu chuẩn kép Mỹ: Kẻ nhờ vả cấm cửa…người giúp đỡ

NASA đã thông báo cho Roscosmos về việc hủy lời mời ông Rogozin đến Mỹ, trong bối cảnh cơ quan Mỹ đang cần gặp ông để bàn về việc hợp tác.

Mỹ cấm cựu Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin sang Mỹ

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) chính thức thông báo cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) về việc hủy bỏ lời mời Giám đốc Roscosmos là ông Dmitry Rogozin (cựu Phó Thủ tướng phụ trách các Công nghiệp quốc phòng và Hàng không-Vũ trụ Nga) đến Hoa Kỳ.

Đại diện chính thức của tập đoàn nhà nước Nga nói rằng, thông báo được đưa ra dưới hình thức một bức thư từ Giám đốc NASA Jim Bridenstine đã được gửi tới ông Dmitry Rogozin.

Ông Jim Bridenstine cũng nói rõ rằng, trong khi thời gian và địa điểm dự kiến của cuộc gặp giữa hai ông được xác định, các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai cơ quan sẽ vẫn được tiếp tục.

Trước đó, ông Jim Bridenstine nói trong cuộc phỏng vấn với Washington Post rằng, NASA đã hủy lời mời ông Rogozin đến Hoa Kỳ, nhượng bộ yêu sách của các thượng nghị sĩ Mỹ phản đối chuyến thăm này.

Roscosmos cũng ra thông báo cho biết, các phó giám đốc của Roscosmos và NASA về hoạt động quốc tế là các ông Sergey Saveliev và Al Condes, đã thảo luận về việc hủy bỏ chuyến công tác.

Theo ông Jim Bridenstine, nhiều Thượng nghị sĩ tin rằng việc mời ông Rogozin sang thăm Mỹ "không phải là ý kiến hay". Ông nhấn mạnh rằng, NASA đã buộc phải đưa ra quyết định dựa trên yêu cầu "điều chỉnh" của Quốc hội.

Trước đó, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã cho phép ông Rogozin, người đã bị trừng phạt cá nhân từ năm 2014 (với tư cách cựu Phó Thủ tướng phụ trách các Công nghiệp quốc phòng và Hàng không-Vũ trụ Nga), đến Mỹ để thảo luận về việc mở rộng hợp tác với NASA.

Nhận được lời mời này, nhà lãnh đạo Roscosmos đã công bố kế hoạch gặp gỡ các quan chức cấp cao của NASA, các đại diện công ty Boeing, cũng như đến thăm trụ sở của Tập đoàn vận hành việc phóng tên lửa Proton và Rokot International Launch Services (ILS).

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Robert Menendez đã đệ trình nghị quyết chống lại việc dỡ bỏ tạm thời các biện pháp trừng phạt đối với Rogozin. Do đó, NASA đã buộc phải hủy bỏ lời mời vị cựu Phó Thủ tướng Nga đến Mỹ, trong khi họ đang rất cần phải gặp ông để bàn bạc về việc hợp tác với ngành hàng không vũ trụ của Nga.

Mỹ trừng phạt Nga nhưng vẫn không thể sống thiếu Nga

Vừa qua, Hoa Kỳ đã gửi đề nghị tới Roscosmos về việc tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa các phi hành gia nước này lên Trạm vũ trụ quốc tế trên tàu vũ trụ Soyuz.

Nga-Mỹ đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ

Phát ngôn viên của NASA là bà Stephanie Schirholz cho biết rằng, sau khi hết hạn hợp đồng giữa Nga và Hoa Kỳ vào năm 2019, NASA dự định rằng, ngay cả vào giai đoạn sau năm 2019, họ vẫn sẽ tiếp tục đưa các thành viên phi hành đoàn Mỹ lên Trạm vũ trụ Quốc tế (hay còn gọi là Trạm Không gian Quốc tế - ISS) bằng tàu vũ trụ Soyuz MS-10 (Liên hợp) của Nga.

Ngoài ra, hai bên còn những chương trình hợp tác dài hạn cần phải bàn bạc như các hợp đồng cung cấp động cơ RD-180 của NPO Enerermoash-Nga, sử dụng trên tầng thứ nhất của tên lửa đẩy vũ trụ Atlas-V của Mỹ và động cơ RD-181 để sử dụng trên các tên lửa đẩy Antares, vốn thường dùng cho đưa tàu hàng Cygnus lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

NASA cũng đang đàm phán với Roscosmos về các vấn đề nghiên cứu chung trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS và nhờ Nga sản xuất cho trạm không gian gần Mặt Trăng Gateway một modul cửa dành cho phi hành đoàn bước ra ngoài không gian. Modul này được yêu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn kĩ thuật của Mỹ.

Do đó, hai bên sẽ tiếp tục thương thảo một kế hoạch hợp tác mới cho giai đoạn từ năm 2020 trở đi, với rất nhiều hạng mục hợp tác mà Mỹ không thể thực hiện được nếu thiếu Nga. Tuy nhiên, điều ngược đời là “kẻ nhờ vả” lại đi cấm cửa “người giúp đỡ”.

Một số chuyên gia nhận định rằng, việc Mỹ cấm nhập cảnh đối với nhà lãnh đạo Roscosmos có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán về việc mời Nga tham gia vào việc xây dựng trạm không gian gần Mặt Trăng, cũng như tiến hành nghiên cứu chung trên Trạm vũ trụ quốc tế.

Thậm chí, một số ý kiến bi quan còn cho biết, Nga có thể sẽ hủy bỏ các thỏa thuận đã đạt được, ngừng cung cấp các động cơ RD-180 và RD-181 cho các cơ sở phóng tên lửa đẩy của Mỹ; đồng thời không cho phép các nhà du hành vũ trụ Mỹ đi trên các tàu vũ trụ Soyuz lên trạm ISS.

Nếu Nga làm như vậy, NASA và toàn bộ ngành hàng không vũ trụ Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề từ chính “siêu tiêu chuẩn kép” của Mỹ. Tuy nhiên, điều này có lẽ sẽ không xảy ra, do Nga không bao giờ từ chối hợp tác trong các lĩnh vực phục vụ cho lợi ích của con người.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/sieu-tieu-chuan-kep-my-ke-nho-va-cam-cuanguoi-giup-do-3372781/