Siêu chiến đấu cơ XF-108 đi trước thời đại của Mỹ vì sao nằm đất?

Vốc độ cực cao lên tới Mach 2,6 cùng tên lửa đối không có tầm bắn lên tới 160km, XF-108 hứa hẹn sẽ là dòng chiến đấu cơ hiện đại và mạnh nhất thời điểm thập niên 1950.

Sau Thế chiến thứ 2, thời đại hoàng kim của chiến đấu cơ cánh quạt đã kết thúc, thay vào đó là sự phát triển của các dòng máy bay chiến đấu sử dụng động cơ phản lực. Hình ảnh P-51 Mustang, loại chiến đấu cơ thành công nhất của Mỹ trong Thế chiến thứ 2.

Từ những chiếc máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên trên thế giói Me 262 thu được của Đức quốc xã, cả Mỹ và Liên Xô đểu bắt tay vào việc phát triển các dòng chiến đấu cơ với tốc độ và uy lực vượt trội.

Với nền tảng công nghệ cùng sức mạnh kinh tế, Mỹ đã nhanh chóng tạo ra các dòng chiến đấu cơ phản lực hiện đại.

Trong số này tiêm kích đánh chặn XF-108 được coi là có sức mạnh khủng khiếp nhất thời điểm chúng ra đời, vượt xa các đối thủ cùng loại của Liên Xô.

Dự án XF-108 bắt đầu vào tháng 7/1955, khi không quân Mỹ thông qua dự án LRI-X với mục tiêu chế tạo một mẫu tiêm kích đánh chặn tầm xa hiệu suất cao.

Chiến đấu cơ này dự kiến thay thế tiêm kích F-102 Delta Dagger và F-106 Delta Dart trong biên chế.

Trong các công ty tham gia đấu thầu, Tập đoàn Hàng không Bắc Mỹ (NAA), nhà sản xuất tiêm kích P-51 Mustang rất thành công trong Thế chiến II, đề xuất dự án chiến đấu cơ XF-108 Rapier với tốc độ vượt trội.

XF-108 có khả năng hoạt động tầm xa với tốc độ gấp 2,6 lần âm thanh, đảm nhận nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt máy bay ném bom hạt nhân Liên Xô nếu xảy ra chiến tranh giữa hai siêu cường.

Tiêm kích XF-108 sẽ hỗ trợ oanh tạc cơ XB-70 Valkyrie vốn có khả năng đạt tốc độ hơn 3.700 km/h (Mach 3). Bộ đôi này có thể tận dụng tốc độ cao để xuyên qua hệ thống phòng không Liên Xô, trong đó tiêm kích XF-108 sẽ đối phó chiến đấu cơ đánh chặn của đối phương.

NAA trang bị cho XF-108 radar Hughes AN/ASG-18 kèm hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại để tăng tối đa khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa với độ chính xác cao.

Vũ khí chủ lực của XF-108 là 4 khẩu pháo 20mm và tên lửa GAR-9 có tầm bắn trên 160 km và tốc độ gần 7.000 km/h. Siêu tiêm kích này có thể mang bốn quả đạn GAR-9 gắn vào bệ phóng dạng ổ xoay trong thân.

XF-108 đạt tốc độ lớn nhờ trang bị hai động cơ phản lực J93-GE-3AR với tổng lực đẩy hơn 26 tấn. Trong khi đó, hai động cơ phản lực GE F414 trên tiêm kích F/A-18E/F hiện đại cũng chỉ đạt lực đẩy gần 19 tấn ở chế độ tăng lực.

Với hai động cơ cực mạnh này giúp cho chiếc XF-108 vốn có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 46 tấn (tương đương xe tăng T-90A) đạt vận tốc Mach 2,6 tức 3.190km/h.

Tầm bay tối đa 4.000 km, trần bay 24.400. Có thể nói rằng một số thông số của XF-108 thậm chí còn vượt cả một số dòng chiến đấu cơ hiện đại ngày nay. Điều này làm giới quân sự Liên Xô lo ngại.

Tuy nhiên, tiêm kích XF-108 không có cơ hội cất cánh. Sự ra đời của tên lửa hành trình dẫn đường và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khiến nhiệm vụ của nó không còn cần thiết. Mặt khác chi phí phát triển cũng rất cao cùng với một số yếu tố kỹ thuật chưa thể khắc phục đã khiến giới quân sự Mỹ phải suy xét lại.

Cuối năm 1959, chương trình XF-108 bị hủy khi mới đến giai đoạn chế tạo mô hình. Máy bay ném bom XB-70 cũng chịu chung số phận sau khi gây tai nạn chết người trong quá trình bay thử nghiệm.

Tuy bị hủy bỏ nhưng số công nghệ và kinh nghiệm trong thiết kế siêu tiêm kích XF-108 được tập đoàn NAA áp dụng cho oanh tạc cơ siêu thanh trên hạm A-5/RA-5 Vigilante.

Còn tên lửa GAR-9 của loại máy bay này tiếp tục được phát triển tiếp thành tên lửa AIM-47 Falcon và AIM-54 Phoenix lừng danh trang bị cho tiêm kích F-14 Tomcat.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-sieu-chien-dau-co-xf-108-di-truoc-thoi-dai-cua-my-vi-sao-nam-dat-post471967.antd