Sẽ ít cảnh 'Chí Phèo' trên phim
Uống rượu, bia trong đời sống xã hội bị cấm là điều đương nhiên. Đó là thực hiện theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhưng ngày 24/2/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2020/NĐ-CP.
Theo Nghị định này, sẽ hạn chế việc hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình… Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định phải bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Trong 27 điều của Nghị định số 24/2020/NĐ-CP thì Điều 4 và Điều 21 liên quan đến trách nhiệm của Bộ VHTTDL và của các cơ quan chức năng quản lý. Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Ví như trong tác phẩm điện ảnh thì cảnh diễn viên uống rượu, bia phải được Hội đồng thẩm định chấp nhận theo quy định của Luật Điện ảnh. Với loại hình biểu diễn nghệ thuật (trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu), cảnh diễn viên uống rượu, bia phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ.
Theo Điều 4 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP, việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải bảo đảm các yêu cầu: Không thể hiện hành vi uống rượu, bia dành cho người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này. Nội dung tác phẩm không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia.
Nội dung quy định: Việc sử dụng rượu, bia chỉ được thực hiện “trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định…” có thể sẽ khiến những người trong hội đồng duyệt tác phẩm nghệ thuật hiểu sai quy định. Trên thực tế, các nhân vật trong phim, hay sân khấu khi diễn cảnh uống rượu, bia có khi lại khiến người xem “thèm” rượu, bia hơn là nhân vật thường. Do đó, nếu Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng của mình khi xây dựng quy chế duyệt tác phẩm và triển khai nên tính toán kỹ các mức độ hình ảnh. Bộ VHTTDL không nên phân biệt nếu là nhân vật lịch sử, ví như vua Lý Thái Tổ, vua Hồ Quý Ly, vua Lê Thái Tổ, vua Mạc Đăng Dung, vua Lê Thánh Tông, vua Quang Trung, vua Gia Long, hay các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát… thì “được phép” uống rượu nhiều hơn các nhân vật bình thường như quân lính, dân thường…
Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, có lẽ hình ảnh uống rượu được sử dụng nhiều nhất là trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1982, đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa). Vai Chí Phèo đã làm nên tên tuổi cho diễn viên chính, NSND Bùi Cường. Khán giả nhớ mãi hình ảnh nhân vật Chí Phèo luôn cầm chai rượu ngật ngưỡng lảo đảo khắp chốn quê. Ánh mắt nhân vật diễn tả nội tâm hết sức phức tạp: Khi căm phẫn, khi chán đời, khi mù mờ giác quan, khi hy vọng… Nhân vật Chí Phèo này không phải là nhân vật lịch sử, chỉ là nhân vật được hư cấu trong văn chương của nhà văn Nam Cao rồi được nhà biên kịch Đoàn Lê chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Đặt giả sử, nếu vẫn trên chất liệu kịch bản của nhà văn Đoàn Lê mà bây giờ đạo diễn khác làm lại sẽ ra sao? Nếu nhân vật Chí Phèo chỉ “tu rượu” một lần mà “say” suốt cả phim thì hiệu ứng nghệ thuật sẽ ra sao?.
Tuy Nghị định đặt ra quy định về việc hạn chế sử dụng rượu, bia trong các loại hình nghệ thuật nhưng cũng quy định việc xét duyệt của các hội đồng thẩm định phải bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục hành chính. Quy định này đồng nghĩa với việc các hội đồng thẩm định không được tách riêng vấn đề duyệt cảnh diễn viên sử dụng rượu, bia ra khỏi cuộc làm việc khi xét duyệt tổng thể tác phẩm nói chung.
Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định: “Mức độ xuất hiện cảnh diễn viên uống rượu, bia trong các trường hợp quy định tại Điểm c, điểm d Khoản 1 Điều này là tiêu chí phân loại phim để phổ biến phim theo lứa tuổi phù hợp, được lồng ghép trong tiêu chí phân loại phim theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Theo Khoản 2 Điều 21 của nghị định thì Bộ VHTTDL có trách nhiệm “hướng dẫn, kiểm tra thực hiện việc hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình”. Như vậy, tiếp sau Nghị định này, Bộ VHTTDL phải xây dựng được tiêu chí để thẩm định. Với phim cho khán giả dưới 18 tuổi thì nên có hay không cảnh uống rượu, bia?. Với những phim dành cho người trên 18 tuổi thì tổng số thời gian có cảnh uống rượu, bia chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm so với độ dài cả tác phẩm?. Và phải chi tiết được mỗi cảnh uống rượu, bia chỉ được bao nhiêu giây? Thậm chí, có những cảnh rất ngắn về thời gian uống rượu, bia, nhưng mức độ hình ảnh lại rất phản cảm thì sao?... Tất cả những vấn đề đặt ra với Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng khác đều phải được xây dựng thành quy chế. Việc xét duyệt các hình ảnh diễn xuất này phải được định lượng, chứ không nên định tính theo chủ quan của các cá nhân trong hội đồng duyệt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh/se-it-canh-chi-pheo-tren-phim-tintuc460086