Sẽ cho đấu giá biển số xe ô tô: Tăng thu ngân sách, đáp ứng nguyện vọng người dân
Ngày 26/10, Quốc hội đã có phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây là vấn đề được đông đảo người dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí cho rằng, cần thiết ban hành nghị quyết để đáp ứng nhu cầu mua bán, sử dụng biển số đẹp của người dân và thu ngân sách nhà nước.
Khi bán xe vẫn được giữ lại biển số đã trúng đấu giá
Trước đó, trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đề nghị chọn một loại là biển số ô tô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen) là những biển số chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an. Người dân có thể mua biển số của bất cứ tỉnh, thành nào trên cả nước.
Người trúng đấu giá được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển số ô tô; được gắn vào phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức trong thời hạn 12 tháng. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của bản thân trong thời hạn 12 tháng.
Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe). Người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác mà phải cho/tặng/bán cả phương tiện có gắn biển số. 100% số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách nhà nước...
Mong mỏi được mua biển số đẹp
Năm 2008, một phiên đấu giá biển số phương tiện giao thông được người dân Nghệ An đặc biệt quan tâm bởi chỉ sau một đêm, với 10 biển số, Công an Nghệ An đã thu được 2,4 tỷ đồng, bổ sung vào quỹ vì người nghèo. Trong đó, biển số được đấu giá cao nhất là biển kiểm soát xe ô tô 37S[1]9999 được bán với giá 700 triệu đồng (cao gấp 14 lần so với giá sàn đưa ra là 50 triệu đồng). Người trúng đấu giá là ông Nguyễn Khắc Viện, ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An hân hoan khi mua được biển số đẹp đúng theo ý mình. Ông chia sẻ, mặc dù 700 triệu cũng là một gia tài nhưng được đi xe biển đẹp là mong ước nhiều năm qua của ông. Vì vậy, mua được biển số trên, ông rất vui và thấy số tiền mình bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.
Cùng với ông Viện, 9 người khác cũng đã mua được biển số đẹp đúng theo ý mình với giá cũng khá cao. Như biển số 37S-8888 được người trúng mua với giá 430 triệu đồng, biển 37S-7777 giá 310 triệu đồng, biển 37S[1]6868 giá 290 triệu đồng, biển 37S-6666 giá 260 triệu đồng... Biển kiểm soát xe ôtô được mua với giá thấp nhất là 37S-5699 (24 triệu đồng). Biển kiểm soát xe môtô 37N5- 9999 được bán với giá 60 triệu đồng, biển 37N5-7777 giá 17,5 triệu đồng và biển 37N5-2222 giá 80 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau phiên đấu giá trên, mặc dù mục đích rất tốt đẹp, được đông đảo người dân ủng hộ nhưng do vướng quy định pháp luật nên Công an Nghệ An không dám tiếp tục đấu giá biển số xe nữa, khiến nhiều người dân tiếc nuối. Trước Nghệ An, Công an Hải Phòng cũng từng tổ chức bán đấu giá biển số xe nhưng sau đó cũng phải dừng lại vì vướng luật. Anh Hoàng Văn Mạnh, chủ gara ô tô Tiến Mạnh cho biết, nhu cầu mua biển số đẹp hiện nay rất là nhiều, nhất là ở giới chơi xe và đặc biệt ở nhóm khách đi xe hạng sang và có điều kiện về tài chính.
Việc mua bán biển số không được phép nhưng việc mua bán xe là hợp pháp nên để sở hữu một biển số đẹp, một sốngười bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đứt cả xe lẫn biển để hợp quy định của Nhà nước.
“Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua biển đẹp, họ nhờ tôi “quan hệ” giúp nhưng tôi không làm được, cũng không ai làm được. Vì vậy, khi biết Bộ Công an đề xuất phương án đấu giá biển số xe, chúng tôi mong ngóng từng ngày” – anh Mạnh cho biết.
Còn anh Hoàng Tiến Nam - người chơi xe cũng cho rằng, anh thích có biển số xe theo ngày sinh của vợ và biển số theo ngày sinh của bản thân.
“Theo tôi, "biển số đẹp" tùy theo quan niệm của từng người. Trên thực tế, mỗi người sẽ lựa chọn biển số theo sở thích cá nhân như, biển ngũ quý, tứ quý, tam hoa, biển có ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm” - anh cho biết.
Không cho phép đầu cơ, buôn bán biển số
Ở nghị trường Quốc hội, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Việc ban hành nghị quyết sẽ đáp ứng được nhu cầu có thật, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận không nhỏ người mua xe ô tô muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; đồng thời thông qua việc tổ chức đấu giá biển số xe ô tô sẽ giúp khai thác kho số một cách hiệu quả hơn, tăng thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện giao thông đường bộ, công khai, minh bạch trong cấp quyền sử sụng biển số ô tô.
Một vấn đề được nhiều bạn đọc cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là có cho phép mua bán biển số hay không. Nói về vấn đề này, đại biểu Pham Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho biết, hiện nay, có những quan điểm tranh cãi về có hay không có thị trường thứ cấp về trao đổi biển số sau khi đấu giá, tôi nhất trí với giải trình của cơ quan soạn thảo. Đây là một nghị quyết về thí điểm, nếu có mở ra một thị trường thứ cấp thì không phải không mở được.
Nhưng, theo đại biểu, có lẽ việc quản lý hành chính sẽ phức tạp hơn. Dó đó, tạm thời chúng ta chưa nên mở hoàn toàn thị trường thứ cấp cho việc trao đổi biển số.
Cũng liên quan tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, quy định không được chuyển nhượng, cho tặng biển số trúng đấu giá để tránh “đẻ ra” các nhóm cò mồi chuyên đi mua đấu giá biển số xong bán lại. Do đó, biển số đấu giá phải gắn với phương tiện để hạn chế bớt tiêu cực, tránh làm méo mó mục đích ban đầu là đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
Theo đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) thì dự thảo nghị quyết đã quy định tương đối rõ về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.
Trước ý kiến cho rằng đã đấu giá thành công thì người đấu giá có đầy đủ các quyền về tài sản theo quy định của pháp luật dân sự, đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng, để bảo đảm yêu cầu trong quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, hay phát sinh những biến tướng, không lành mạnh hay thương mại hóa hoạt động này thì những quyền của người trúng đấu giá biển số có giới hạn nhất định so với quyền dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
Đảm bảo an toàn, an ninh khi đấu giá trực tuyến
Trong dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá có đề cập việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tại khoản 2 điều 2 dự thảo nghị quyết quy định: Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điệntử đấu giá trực tuyến, kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định. Thảo luận về các nội dung khác của dự thảo nghị quyết, đa số đại biểu thống nhất với hình thức đấu giá biển số xe ô tô qua hình thức trực tuyến. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi đấu giá trực tuyến.
Theo đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang), do biển số xe là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước, biển số đưa ra đấu giá là biển số chưa được đăng ký, nằm trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an nên khi tổ chức đấu giá phải kết nối hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an với trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá và đăng ký biển số trúng đấu giá. Do đó, trong thời gian thực hiện thí điểm, để đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe khi kết nối cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm thời gian, đại biểu Vương Thị Hương đồng tình với phương án chỉ lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá biển số bằng hình thức trực tuyến. Đại biểu cho rằng, với phương án chỉ lựa chọn duy nhất một tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở, hình thức nào để lựa chọn ra một đơn vị tổ chức đấu giá. Đặc biệt là làm rõ các điều kiện, tiêu chí lựa chọn ra được tổ chức đấu giá; đồng thời công khai, minh bạch để kiểm soát, hạn chế rủi ro dẫn đến tiêu cực.
Phát biểu về nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Hữu (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cần lựa chọn tổ chức, nhà tư vấn đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải hội tụ đủ các điều kiện theo quy định.
Hướng tới cho phép “người tỉnh này đấu giá biển xe tỉnh khác”
Một vấn đề gây “nóng” nghị trường và dư luận xã hội đó là Bộ Công an kiến nghị cho phép người dân ở địa phương này được quyền đấu giá biển kiểm soát xe ô tô ở địa phương khác, nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó thì sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá. Nhiều đại biểu lo ngại về vấn đề quản lý, cho rằng sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp.
Giải trình về vấn đề này tại phiên thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thiếu tướngNguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhìn chung các nước trên thế giới đều quản lý biển số theo địa bàn, ký hiệu chỉ rõ xe theo địa bàn nào.
“Đây là vấn đề đặc thù nên cần có chính sách đặc thù, điều kiện đặc thù và phải có cách thức quản lý riêng. Hiện nay, Bộ Công an đang có 2 dịch vụ trong lĩnh vực quản lý TTATGT đang thực hiện trực tuyến là đăng ký phương tiện trực tuyến, xử lý vi phạm hành chính trực tuyến. Với cơ sở dữ liệu về công dân, hạ tầng của Bộ Công an hiện nay, việc này chắc chắn thực hiện được. Một trong những nguyên tắc then chốt khi xây dựng nghị quyết này là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe bất cứ tỉnh, thành phố nào trên lãnh thổ Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định.