Say đắm 'ốc đảo xanh' Cồn Chim

Cách TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 15km, khu sinh thái Cồn Chim nhìn từ trên cao trông như cánh quạt khổng lồ giữa sông nước mênh mông. Nơi đây mang vẻ đẹp thanh bình, yên ả được phủ bởi lớp áo xanh ngút ngàn của sóng nước, mây trời và cánh rừng ngập mặn.

Nằm giữa đầm Thị Nại, khu sinh thái Cồn Chim (thuộc các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có diện tích khoảng 480ha, được mệnh danh là “ốc đảo xanh” của Bình Định. Ở khu sinh thái này, duy nhất xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) có cư dân sinh sống, tạo nên “làng chài ốc đảo” độc đáo giữa đầm phá. Hiện nay, xóm có 260 hộ dân với khoảng trên 1.400 nhân khẩu.

Xưa kia, xóm Cồn Chim chủ yếu là dân vạn chài sống trên sông nước nay đây mai đó, nương nhờ theo con nước để mưu sinh. Về sau đã dần hình thành khu dân cư, cho đến nay trải qua hàng trăm năm dân cư sống ổn định, hòa thuận với thiên nhiên.

Khu sinh thái Cồn Chim được mệnh danh là "ốc đảo xanh" của Bình Định.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xóm Cồn Chim được biết đến là một vùng đất cách mạng. Trong xóm hiện có hàng chục gia đình được chứng nhận có công với cách mạng, nhiều mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngay đầu xóm, có một bia tưởng niệm ghi danh 71 liệt sĩ là những người con nơi đây đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Người dân xóm Cồn Chim sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Mỗi hộ dân ở đây đều có khoảng 2 - 3ha đìa ven rừng ngập mặn để thả nuôi tôm, cua, cá tự nhiên kiểu gối vụ, đa loài. Hằng năm, người dân khai thác cua, cá giống sinh sản trong vùng rừng ngập mặn đem thả vào đìa nuôi hoặc đến các trang trại mua tôm giống bạc, tôm giống sú… về nuôi bổ sung.

“Chúng tôi thả nuôi gối đầu nên thời điểm nào cũng có tôm, cua, cá thu hoạch. Đặc biệt, cua, cá nuôi ở Cồn Chim chất lượng không thua kém với cua, cá ngoài tự nhiên. Người dân nơi đây nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thuận lợi nên có cuộc sống ổn định. Bây giờ, nhiều người thích sống ở đây bởi không khí trong lành, mát mẻ và chẳng ồn ào”, lão ngư Phạm Đình Lương (ngụ xóm Cồn Chim) chia sẻ.

Năm 2004, dự án phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại được chính thức triển khai. Sau đó, khu sinh thái Cồn Chim đã nhanh chóng được phủ cây xanh. Chính quyền áp dụng cơ chế giao khoán cho cộng đồng bảo vệ, gìn giữ được hàng chục hécta rừng ngập mặn, tạo hành lang bảo vệ khu dân cư ven đầm.

Theo chân ông Trần Hữu Khánh (ngụ thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận) đến khu vực rừng ngập mặn ở khu sinh thái Cồn Chim, chúng tôi ghi nhận những cánh rừng bần, đước xanh tốt, vững chãi trước sóng nước, thủy triều của đầm Thị Nại. Cách đây hơn 10 năm, ông Khánh cùng một số hộ dân ở thôn Diêm Vân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định (đơn vị được giao quản lý rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Bình Định) giao khoán bảo vệ 7ha rừng ngập mặn tại khu sinh thái Cồn Chim. Diện tích rừng ngập mặn này cũng do chính ông cùng một số hộ dân nhận trồng.

Rừng ngập mặn tại khu sinh thái Cồn Chim chủ yếu trồng các loại cây bần, đước. Khi mới trồng, các loại cây rất khó sống nên phải chăm sóc kỹ, bảo vệ từng thân cây, cánh lá và rễ để cây bám vào đất, sinh trưởng tốt. Nhờ được chăm sóc và bảo vệ tốt trong thời gian dài nên hiện nay nhiều thân cây có đường kính 15cm, chiều cao trung bình 4 - 5m, mỗi cây cách nhau 1m. Rừng ngập mặn được bảo vệ tốt trở thành nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và nơi sinh sản cho nhiều loài cua, cá, tôm, các loài chim, động vật có vú.

Bây giờ, để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, khu sinh thái Cồn Chim được chia ra nhiều khu vực chức năng như: khu nuôi sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn, khu bảo tồn cỏ biển, khu sân chim, khu nuôi động vật thân mềm. Trong đó, riêng hệ thực vật đã có khoảng 25 loài nằm trong các dải rừng ngập mặn nguyên sinh và tái sinh. Những cây bần, đước, sú, vẹt, mầm… cùng với các loài cỏ biển, rong biển ở đây đang ngày càng phát triển. Hệ động vật cũng rất phong phú, với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá, cả trăm loài chim.

Du khách trèo thuyền tham quan rừng ngập mặn ở khu sinh thái Cồn Chim.

Theo ông Trần Quang Nhựt - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, trong quần thể sinh thái đầm Thị Nại, phải kể đến khu sinh thái Cồn Chim với khoảng 480ha. Đây là khu vực ảnh hưởng hai hệ thống sông Kôn và sông Hà Thanh nên có sự phân bố hệ thống rừng ngập mặn, thảm cỏ biển lớn, tạo nên vùng cư trú, kiếm ăn, bãi sinh sản và vườn ươm ấu trùng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị. Từ năm 2004 đến nay, chính quyền cùng với người dân đã trồng mới được gần 50ha rừng ngập mặn, qua đó góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm, có tác dụng chắn sóng, chắn gió.

“Rừng ngập mặn ở khu sinh thái Cồn Chim được phục hồi đã tạo thêm sinh kế cho người dân trong vùng. Họ có thể khai thác thủy sản dưới tán rừng ngập mặn. Đặc biệt, vai trò của rừng ngập mặn tại khu sinh thái Cồn Chim như “lá phổi” cho cuộc sống trong lành của TP Quy Nhơn và vùng lân cận. Hiện nay, các dự án phát triển đô thị, nhà ở và du lịch sinh thái tại huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn không ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn đã trồng phục hồi. Khi triển khai các dự án này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kiến nghị giữ nguyên hiện trạng rừng ngập mặn đã trồng phục hồi, không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển cây trồng”, ông Nhựt cho biết.

Khu sinh thái Cồn Chim được quy hoạch xây dựng, phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của đầm Thị Nại. Và, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như các hộ dân ở địa phương đã mua sắm thuyền, sõng để cập nhật các tour thưởng ngoạn tại khu sinh thái này.

Du khách đến khu sinh thái Cồn Chim có thể đón ánh bình minh vừa ló dạng trên mặt đầm, chiêm ngưỡng những chiếc sõng của ngư dân cập bến mang đầy ắp cá, tôm thu được sau một đêm dài đánh bắt. Ở đây, du khách có thể ngồi thuyền, sõng xuôi theo dòng nước để dạo quanh khu rừng ngập mặn, hòa mình cùng thiên nhiên, nghe tiếng chim ríu rít nơi cành cao, cùng đàn cá vẫy đuôi tung tăng dưới nước, thả hồn phiêu lãng cùng những áng mây xanh giữa trời cao bao la để xua đi bao bộn bề và tấp nập của cuộc sống hiện đại, tận hưởng từng giây phút yên ả tự tại.

Ngoài ra, du khách có thể thong thả dạo chơi trên những triền đê lối nhỏ rợp bóng mát của từng tán rừng ngập mặn xanh ngát, dẫn lối ra những đìa nuôi trồng thủy sản của người dân nơi đây. Du khách cũng có thể theo chân các ngư dân để trải nghiệm đánh bắt thủy sản. Đến đây, du khách không nên bỏ lỡ thưởng thức ẩm thực dân dã, đặc biệt là các món hải sản tươi ngon được ngư dân đánh bắt ngay trong khu sinh thái.

“Vào buổi chiều tà, tôi được chứng kiến từng đàn chim bay rợp trời về khu sinh thái Cồn Chim. Tối đến, chìm ngập trong rừng ngập mặn xanh tươi, nơi đây huyền ảo như chốn thần tiên. Cồn Chim không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mà con người cũng chất phác, thật thà, tiếng nói cười luôn rộn rã. Nơi đây đã mang lại cho tôi và gia đình những khoảnh khắc sống cùng thiên nhiên, những trải nghiệm thú vị của nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân vùng đầm phá”, chị Nguyễn Thị Mỹ Trang (du khách đến từ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ.

Trong chương trình mở rộng, phát triển đô thị Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã quy hoạch, xác định lấy hệ sinh thái đầm Thị Nại, trong đó có Cồn Chim làm “lá phổi” của TP Quy Nhơn. Và mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực phía Đông đầm Thị Nại gần 400ha. Mục tiêu sẽ quy hoạch phát triển khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp với công viên rừng ngập mặn trên cơ sở khai thác giá trị cảnh quan tự nhiên đặc thù khu vực đầm Thị Nại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/say-dam-oc-dao-xanh-con-chim-i671559/