Sau vụ Tổng thống Iran qua đời vì tai nạn máy bay: Tehran đối mặt nhiều khó khăn
Từng được coi là người có khả năng kế nhiệm lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi bất ngờ qua đời trong vụ tai nạn máy bay trực thăng tại khu vực biên giới với Azerbaijan hôm 19-5.
Sự ra đi của ông vào thời điểm này có thể đẩy Iran vào tình trạng bất ổn trong bối cảnh phải đối mặt với vô vàn thách thức. Điển hình là sự phản đối của phương Tây về chương trình hạt nhân, mối quan hệ căng thẳng với các quốc gia trong khu vực, trong khi nền kinh tế sa sút vì các lệnh trừng phạt...
Tổng thống Ebrahim Raisi, 63 tuổi - một giáo sĩ theo đường lối cứng rắn, bị phương Tây cáo buộc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông bằng việc hỗ trợ các nhóm vũ trang tại một số quốc gia trong khu vực, đẩy nhanh chương trình hạt nhân của đất nước sau khi Mỹ (dưới thời Tổng thống Donald Trump) rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc phương Tây đã đạt được với Tehran...
Khó khăn chồng chất khi nền kinh tế Iran đang bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2018, dân số trẻ ngày càng trở nên "cá tính" và đất nước này đang phải đối mặt với những cuộc xung đột ở Trung Đông... Những tháng vừa qua là thời gian căng thẳng nhất đối với Trung Đông trong những năm gần đây. Sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ của Iran với Israel đã chuyển thành hành vi gây hấn công khai sau khi Tehran tiến hành một cuộc tấn công trên không chưa từng có vào Israel để trả đũa việc Tel Aviv ném bom cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria, khiến một lãnh đạo quân sự cấp cao của Iran thiệt mạng.
Khi Iran xa cách phương Tây và tìm kiếm các đồng minh khác, Tổng thống Ebrahim Raisi là người ủng hộ việc trung thành với đường lối lãnh đạo của lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei và là ứng cử viên tiềm năng nhất có thể kế nhiệm cương vị lãnh tụ tối cao của Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House (nước Anh) Sanam Vakil nhận định, cái chết của ông Ebrahim Raisi "đến vào thời điểm khó khăn đối với Iran", nhưng Tổng thống Iran không phải là người thực sự nắm giữ quyền lực của nhà nước.
Iran dự kiến sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 28-6 tới. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei có tương đối ít thời gian để chọn ra người không chỉ trở thành tổng thống vào thời điểm quan trọng mà còn ở vị trí vững chắc kế nhiệm ông. Các nhà quan sát cho rằng, ông Ebrahim Raisi đã được chuẩn bị để tiếp quản vị trí lãnh đạo tối cao. Karim Sadjadpour, thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, viết trên mạng xã hội X: “Cái chết của ông Ebrahim Raisi sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Iran”.
Thách thức trước mắt đối với tổng thống mới của Iran sẽ là kiểm soát không chỉ những bất đồng chính kiến trong nước mà còn cả yêu cầu của các phe phái có đường lối cứng rắn với phương Tây và xích lại gần hơn với Nga, Trung Quốc. Thách thức lâu dài đối với Tehran là mối quan hệ với Israel, vốn đã đạt đến mức nguy hiểm mới khi tháng 4-2024 hai nước tấn công lẫn nhau. Dù hiện tại hai bên chưa có cuộc xung đột trực tiếp nào, nhưng cuộc chiến ủy nhiệm vẫn tiếp tục khi Hamas và Hezbollah, hai lực lượng dân quân được cho là do Iran hậu thuẫn, tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Israel. Quan trọng hơn, bất kỳ tổng thống mới nào cũng sẽ phải đưa ra những quyết định lớn về chương trình hạt nhân của Iran.
Các nhà phân tích nhận định, sự ra đi “không đúng lúc” của Tổng thống Ebrahim Raisi là một thảm kịch đối với người dân Iran và gây ra tình trạng bất ổn trong nội bộ nước này. Dù vậy, điều này khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Tehran. Nó sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Gaza, không làm chậm quá trình mở rộng sứ mệnh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), cũng như sẽ không thay đổi sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và không ảnh hưởng đến liên minh đang phát triển với Nga và Trung Quốc.
Iran bắt đầu ngày quốc tang cố Tổng thống Ebrahim Raisi Ngày 21-5, Iran bắt đầu ngày quốc tang cố Tổng thống Ebrahim Raisi và những quan chức tháp tùng đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng. Một loạt nghi lễ được Chính phủ chủ trì nhằm tưởng nhớ những người đã qua đời.
Hàng chục nghìn người Iran đã tập trung tại Tabriz, thủ phủ của tỉnh Đông Azerbaijan, để tiễn biệt Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian và 6 người khác trên trực thăng, bao gồm cả các thành viên phi hành đoàn.