Sau thỏa thuận trần nợ tại Mỹ, chứng khoán toàn cầu khởi sắc nhưng nỗi lo chưa dứt

Triển vọng về một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm tháo gỡ bế tắc về trần nợ công của Mỹ đã giúp giải tỏa tâm lý của giới đầu tư. Các thị trường chứng khoán tại Mỹ, châu Âu và châu Âu hôm nay đồng loạt tăng điểm, trong khi một số chuyên gia đưa ra các dự báo thận trọng hơn.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, chỉ số Euro STOXX 50– chỉ số cổ phiếu của 50 công ty lớn nhất khu vực đồng ơ-rô, tăng 0,2% . Tại thị trường hợp đồng tương lai Mỹ, S&P 500 đã tăng 0,3% vào đầu phiên còn Nasdaq thì tăng 0,5%. Trong khi đó, chỉ số cổ phiếu bluechip Nhật Bản Nikkei 225 cũng tăng 1,0% - chạm mức cao mới trong vòng 33 năm. Tương tự, chỉ số chứng khoán bao quát thị trường châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản (MIAPJ0000PUS) tăng 0,2%.

Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa hôm 27/5 đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Nếu thỏa thuận cuối cùng được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước ngày 5/6, thì Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi thỏa thuận là “một bước tiến quan trọng”.

(Ảnh minh họa: Int)

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhấn mạnh: “Đó là một một bước tiến thực sự quan trọng khi loại bỏ mối đe dọa về một vụ vỡ nợ thảm khốc, bảo vệ sự phục hồi kinh tế lịch sử và khó đạt được của chúng ta. Thỏa thuận cũng đồng thời cho thấy một sự thỏa hiệp nghĩa là không ai có được mọi thứ mình muốn. Nhưng đó là trách nhiệm của chính phủ. Và thỏa thuận này là tin tốt cho người dân Mỹ.”

Trong khi đó, các nhà phân tích đánh giá, diễn biến trên thị trường là một phản ứng tích cực trước rủi ro nợ tại Mỹ được giảm bớt. Bởi theo Giáo sư Vinod Agarwal tại Đại học Old Dominion, một vụ vỡ nợ của Mỹ có thể sẽ phá vỡ thị trường Kho bạc Mỹ và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của nước này, sau đó là toàn thế giới.

“Đó sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế Mỹ và về cơ bản sẽ gây ra một cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta thực sự không biết hậu quả sẽ ra sao. Tuy nhiên, như hầu hết các nhà kinh tế đã ước tính, lãi suất sẽ tăng đáng kể, với hậu quả là nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái. Rất nhiều việc làm sẽ bị mất. Chính phủ liên bang sẽ không thể thanh toán tất cả các nghĩa vụ của mình. Kết cục là sự hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ, cũng như kinh tế thế giới".

Tuy nhiên một thỏa thuận về trần nợ tại Mỹ không có nghĩa là nỗi lo đã dứt. Ngay sau đó, các thị trường sẽ phải thắt dây an toàn cho một hành trình khó khăn tiềm tàng. Bởi Bộ Tài chính Mỹ sẽ ngay lập tức cần bổ sung lượng tiền đã huy động trong thời gian áp dụng các biện pháp đặc biệt vừa qua.

Vào năm 2011, các nhà lập pháp đã đi đến thỏa thuận về việc nâng giới hạn nợ chỉ vài giờ trước khi Mỹ vỡ nợ. Hai ngày sau, lần đầu tiên trong lịch sử, Standard & Poor's hạ xếp hạng nợ của Mỹ. Phải mất hai tháng để cổ phiếu phục hồi những khoản lỗ do bị hạ cấp tín nhiệm và bán tháo ban đầu khi chính phủ không còn khả năng đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính.

Chuyên gia George Mateyo, Giám đốc đầu tư tại Key Private Bank cho biết, dù không mong đợi kịch bản năm 2011 lặp lại, song rõ ràng tình trạng bế tắc liên tục lặp lại trong các cuộc đàm phán về trần nợ có thể dẫn đến sự mất niềm tin lớn vào hệ thống tài chính của Mỹ./.

Thu Hoài/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/sau-thoa-thuan-tran-no-tai-my-chung-khoan-toan-cau-khoi-sac-nhung-noi-lo-chua-dut-post1023192.vov