Sau Tết, công nhân chọn ổn định, ít 'nhảy việc'

Sau Tết, 97% công nhân đã quay lại TP.HCM tiếp tục làm việc, rất nhiều người trong số đó mong muốn gắn bó với công ty hoặc tìm được công việc chính thức, lâu dài.

Sau kỳ nghỉ Tết dài hơn một tháng, chị Ngô Như Hà (36 tuổi, quê An Giang) quyết định lên TP.HCM tìm việc. Trong lúc ngồi đợi em gái đến đón, chị tranh thủ đọc vài thông báo tuyển dụng được các công ty dán ở Bến xe miền Tây.

Mong tìm công việc ổn định

Trước đây, chị Hà là công nhân làm việc tại một công ty may ở quận Tân Bình (TP.HCM), thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Giữa năm 2023, công ty rơi vào khó khăn, chị nằm trong danh sách cắt giảm lao động. Mặc dù nhiều khó khăn nhưng chị không có ý định rút BHXH một lần.

“Đầu năm các công ty thường tuyển dụng nhiều nên tôi lên TP hy vọng tìm được việc trong lĩnh vực may mặc. Tôi muốn tiếp tục đóng BHXH để về già có lương hưu” - chị Hà bộc bạch.

Gắn bó với công việc lắp ráp linh kiện điện tử tại một công ty trong Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) 12 năm, chị Trần Thị Gấm (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết chị không muốn “nhảy việc” dù mức lương hiện tại thường xuyên thiếu trước hụt sau. “Sau dịch các công ty đều khó khăn hoặc vừa mới vực dậy. Giờ nghỉ ở đây cũng chưa chắc tìm được việc mới phù hợp” - chị chia sẻ.

Sau Tết Nguyên đán 2024, TP.HCM cần khoảng 52.000 chỗ làm việc. Tính chung hai tháng đầu năm, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 54,5 ngàn lượt người, trong đó có 25.000 chỗ việc làm mới. So với cùng kỳ năm 2023, tỉ lệ giải quyết việc làm tăng 0,65%, tỉ lệ tạo việc làm mới tăng 1,3%.

(Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

Muốn ổn định công việc lâu dài cũng là lựa chọn của anh Nguyễn Thanh Tuấn (34 tuổi, ngụ quận 7). Theo anh Tuấn, ở độ tuổi và tay nghề này anh không còn lợi thế khi “nhảy việc” so với người trẻ.

“Trước Tết tôi đã trải qua giai đoạn làm việc tự do, thời vụ nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Sau khi đã có được việc làm mới tôi muốn gắn bó lâu dài với công ty để có thu nhập ổn định và các chế độ BHXH, BHYT…” - anh Tuấn nói.

Công nhân hạn chế “nhảy việc”

Kết quả khảo sát 3.247 doanh nghiệp (DN) tính đến ngày 20-2 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tỉ lệ DN hoạt động lại sau Tết khoảng 98%, tỉ lệ người lao động (NLĐ) quay lại làm việc là 97%. Tỉ lệ thiếu hụt NLĐ tập trung tại các DN dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính…

Như vậy, so với năm 2023, tỉ lệ công nhân, NLĐ quay lại làm việc sau Tết không có nhiều thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình sản xuất, kinh doanh tại các DN năm 2023 vẫn còn khó khăn, NLĐ mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với DN hơn trong năm 2024.

Giờ tan tầm của công nhân tại Công ty PouYuen (quận Bình Tân, TP.HCM). Ảnh: VÕ THƠ

Bên cạnh đó, tuy mới chỉ đầu năm nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Một số DN đã nhận được các đơn hàng sản xuất trong sáu tháng đầu năm nay ngay từ cuối năm 2023.

Theo anh Nguyễn Thanh Cao, phụ trách tuyển dụng của đơn vị cung ứng lao động Lâm Thịnh Phát, chuyên cung cấp nhân sự cho các công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), sau Tết tình hình công nhân, người lao động có phần ổn định, ít “nhảy việc”.

“Mọi năm sau Tết chúng tôi giới thiệu việc làm, phỏng vấn liên tục. Năm nay, công nhân, NLĐ nghỉ việc ít nên các công ty chỉ tuyển lai rai, phần lớn là việc thời vụ. Sau dịch, NLĐ cần một công việc chính thức, gắn bó lâu dài. Các công ty cũng có nhiều chính sách giữ chân công nhân, NLĐ để ổn định sản xuất” - anh Cao thông tin.

Chị Đỗ Ngọc Trinh, bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Liên doanh Vĩnh Hưng, cho biết tháng này công ty cần tuyển 80-90 công nhân là thợ may có tay nghề để ổn định sản xuất.

“Hiện nay, NLĐ lâu năm, tay nghề cứng không muốn “nhảy việc”, do đó để tuyển được công nhân có tay nghề không dễ dàng. Nhiều người trước kia làm thời vụ, nay muốn có việc ổn định nộp đơn ứng tuyển lại không đáp ứng được điều kiện công ty đưa ra… vậy nên tuyển hoài chưa đủ chỉ tiêu” - chị Trinh thông tin.

Nhiều cơ hội việc làm tại TP.HCM

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, nơi đây đã tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 DN với tổng nhu cầu cần tuyển 19,2 ngàn vị trí việc làm trống. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu ở các ngành da giày, may mặc, lao động phổ thông, kinh doanh - quản lý, công nghệ thông tin, kỹ thuật - cơ khí.

Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc của công nhân, NLĐ trước và sau Tết là gần 17.000 người, tập trung ở các ngành nghề: Quản trị văn phòng, lao động phổ thông, kinh doanh - quản lý, kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin…

Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các sàn giao dịch, tư vấn việc làm để kết nối giữa các DN cần tuyển dụng lao động và người dân có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/sau-tet-cong-nhan-chon-on-dinh-it-nhay-viec-post779004.html